Khi giận dữ bạn muốn trấn áp nó bằng đức trầm tĩnh hay hỷ xả (lý tưởng
đạo đức), và bạn cố gắng để khắc phục, dồn nén cơn giận dữ.
Bạn thấy không thành công, đó là lẽ dĩ nhiên. Một khuynh hướng nội tâm
khi đã hiện hành bị dồn nén sẽ ở trong thế ẩn ức và chờ dịp trỗi dậy qua ngỏ
ngách khác nguy hiểm hơn.
Càng dồn nén, càng tạo mâu thuẫn nội tâm. Mâu thuẫn càng gia tăng
càng đưa đến thần kinh căng thẳng và suy nhược. Trong trường hợp này
làm sao bạn chuyển yếu tố đạo đức qua giác ngộ?
Trước hết bạn hãy để qua một bên ý định khắc phục giận dữ. Bạn hãy âm
thầm lắng nghe cơn giận dữ đó xem nó phát sinh thế nào và bình thản theo
dõi nó cho đến khi lắng dịu và biến mất. Thấy được cơn giận dữ từ khi nó
phát sinh cho đến khi nó chấm dứt có nghĩa là tỉnh giác trước một sự kiện
nội tâm và đó chính là tự giác như Đức Phật đã dạy.
Càng lặng lẽ khách quan lắng nghe cơn giận dữ đó bao nhiêu càng giác
ngộ nó rõ ràng bấy nhiêu. Khi bạn lắng nghe sự sinh, diệt của cơn giận dữ
một cách chăm chú không xao lãng bạn sẽ hiểu được nó và thấy nó biến mất
một cách vô cùng mau chóng. Lúc đó mặc dù bạn đang giận dữ bạn vẫn
thanh tịnh trong hai thời: thanh tịnh lắng nghe cơn giận và thanh tịnh khi
cơn giận biến mất.
Như vậy, dù bạn không cố gắng dồn nén, khắc phục cơn giận để được
trầm tĩnh thế mà cơn giận dữ vẫn biến mất trong sự tỉnh giác của bạn. Nhưng
điều quan trọng không phải là nó có biến mất hay không mà là bạn có lắng
nghe được nó trọn vẹn hay không, bạn có giác ngộ được hành tướng sinh
diệt của cơn giận dữ hay không.
Cơn giận có thể tùy điều kiện phát sinh lại trong một dịp khác. Càng tốt,
vì bạn có dịp giác ngộ nó rõ hơn. Một ngày kia bạn làm chủ được cơn giận
dữ của bạn là vì bạn đã giác ngộ được nó hoàn toàn.
Tất cả những hành động, lời nói, ý nghĩ khác cũng vậy, hãy giác ngộ
chúng thì chúng sẽ trở nên đạo đức chứ đừng bắt chúng phải đạo đức một
cách miễn cưỡng mà tạo nên những mâu thuẫn đấu tranh căng thẳng…
- Thầy Viên Minh –