Cơ Duyên Ngộ Đạo của chư Tổ – THIỀN SƯ ĐẠO NHẤT

THIỀN SƯ ĐẠO NHẤT 

Mã Tổ - (709 - 788)

Vì người đời sau quá kính trọng Sư nên nhân Sư họ Mã gọi là Mã Tổ: ông Tổ 
họ Sư họ Mã, quê ở huyện Thập Phương, Hán Châu. Thuở nhỏ, Sư dung mạo lạ 
thường: đi như trâu, nhìn như cọp, lưỡi dài khỏi mũi, dưới chân có hai khu
ốc. Lúc bé, Sư đến chùa La-hán xin xuất gia với Hòa thượng Đường ở Từ Châu. 
Sau Sư thọ giới cụ túc nơi Luật sư Viên ở Du Châu.

Đời Đường khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713-742 T.L.), Sư tập thiền định
ở Viện truyền pháp tại Hoành Nhạc, nhân Thiền sư Hoài Nhượng giáo hóa được 
giải ngộ. Bạn đồng tham học với Sư có sáu người, chỉ riêng Sư được truyền 
tâm ấn.

***

Tổ Hoài Nhượng đến Hoành Nhạc ở chùa Bát-nhã, thấy Đạo Nhất hằng ngày ngồi 
thiền. Tổ biết đó là pháp khí (người hữu ích trong Phật pháp) bèn đi đến hỏi:

- Đại đức ngồi thiền để làm gì?

Đạo Nhất thưa:

- Để làm Phật.

Sau đó, Tổ lấy một cục gạch để lên trên hòn đá ở trước am Đạo Nhất ngồi mài. 
Đạo Nhất thấy lạ hỏi:

- Thầy mài gạch để làm gì?

Tổ đáp:

- Mài để làm gương.

- Mài gạch đâu có thể thành gương được? 

- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được? - Vậy làm thế nào mới phải? 

- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải? đánh trâu là phải?

Đạo Nhất lặng thinh, Tổ nói tiếp:

- Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không 
phảingồi nằm. Nế u học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp 
không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu 
chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia.

Đạo Nhất nghe Tổ chỉ dạy như uống đề-hồ, lễ bái hỏi:

- Dụng tâm thế nào mới hợp với vô tướng tam-muội?

Tổ bảo:

- Ngươi học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta nói pháp yếu như mưa móc, 
nếu duyên ngươi hợp sẽ thấy đạo này.

- Đạo không phải sắc tướng làm sao thấy được?

- Con mắt pháp tâm địa hay thấy được đạo, Vô tướng tam-muội cũng lại như 
vậy. - Có thành hoại chăng?

- Nếu lấy cái thành hoại tụ tán mà thấy đạo là không thể thấy đạo. 

Nghe ta nói kệ:

Tâm địa hàm chư chủng 

Ngộ trạch tức giai manh 

Tam-muội hoa vô tướng 

Hà hoại phục hà thành?

Dịch:

Đất tâm chứa các giống

Gặp ướt liền nảy mầm

Hoa tam-muội không tướng 

Nào hoại lại nào thành?

Đạo Nhất nhờ khai ngộ tâm ý siêu nhiên, theo hầu Tổ suốt mười năm, mỗi ngày 
càng nhận sâu lý đạo.

***
Advertisement

Cơ Duyên Ngộ Đạo của chư Tổ – THIỀN SƯ HOÀI HẢI

THIỀN SƯ HOÀI HẢI
Bá Trượng – (724 – 814)

Sư họ Vương, quê ở Trường Lạc, Phước Châu. Lúc bé theo mẹ đi chùa lễ Phật, Sư chỉ tượng Phật hỏi mẹ:
– Ðây là gì?
Mẹ bảo:
– Là Phật.
Sư nói:
– Hình dung của Phật không khác với người, về sau con cũng sẽ làm Phật.
Sư xuất gia lúc còn để chóp và hằng chuyên cần tu học giới định tuệ. Sau, Sư đến tham học với Mã Tổ (Ðạo Nhất) làm thị giả. Mỗi khi thí chủ đem trai phạn đến, Sư vừa giở lồng bàn ra, Mã Tổ liền cầm nửa cái bánh chỉ chúng hỏi:
– Ðây là gì?
Như thế mãi đến ba năm. Một hôm, Sư theo hầu Mã Tổ đi dạo, thấy một bầy vịt trời bay qua.
Mã Tổ hỏi:- Là cái gì?
Sư thưa:- Vịt trời.
Qua được một lúc, Mã Tổ hỏi:
– Đâu rồi?
Sư thưa:
– Bay qua mất rồi.
Mã Tổ bèn nắm lỗ mũi Sư kéo mạnh, đau quá Sư la thất thanh.
Mã Tổ bảo:- Sao nói bay qua mất rồi.
Ngay câu ấy, Sư tỉnh ngộ.
Trở về phòng thị giả, Sư khóc lóc rất thống thiết. Những người đồng phòng nghe, hỏi:
– Huynh nhớ cha mẹ phải chăng?
Sư đáp:- Không.
– Bị người ta mắng chửi chăng?
– Không.
– Tại sao khóc?
– Lỗ mũi tôi bị Hòa thượng kéo đau thấu xương.
– Có nhân duyên gì không khế hội?
– Huynh hỏi Hòa thượng đi.
Những vị ấy đến hỏi Mã Tổ:
– Thị giả Hải có nhân duyên gì chẳng khế hội ở trong phòng khóc, xin Hòa thượng vì chúng con nói.
Mã Tổ bảo:
– Y đã khế hội, các ngươi tự hỏi lấy y.
Các vị ấy về phòng hỏi:
– Hòa thượng nói huynh đã hội, bảo chúng tôi về hỏi huynh.
Sư bèn cười ha hả!
Các vị ấy bảo:- Vừa rồi khóc, sao bây giờ cười?
Sư đáp:- Vừa rồi khóc, bây giờ cười.
Các vị ấy mờ mịt không hiểu.
Hôm sau, Mã Tổ vừa lên tòa, chúng nhóm họp xong, Sư bước ra cuốn chiếu lại. Mã Tổ xuống tòa, Sư theo sau đến phương trượng. Mã Tổ hỏi:
– Ta chưa nói câu nào, tại sao ngươi cuốn chiếu?
Sư thưa:
– Hôm qua bị Hòa thượng kéo chót mũi đau.
– Hôm qua ngươi để tâm chỗ nào?
– Chóp mũi ngày nay lại chẳng còn đau nữa.
– Ngươi hiểu sâu việc hôm qua.
Sư làm lễ, lui ra.
***
Ðứng hầu Mã Tổ, Sư thấy phất tử (đồ quét bụi) ở góc giường, bèn hỏi:
– Tức dụng này, lìa dụng này?
Mã Tổ bảo:
– Về sau ngươi mở miệng sẽ lấy cái gì để dạy người?
Sư cầm phất tử dựng đứng lên.
Mã Tổ hỏi:
– Tức dụng này, lìa dụng này!
Sư để phất tử lại chỗ cũ. Mã Tổ nghiêm chỉnh nạt một tiếng, đến ba ngày Sư còn điếc tai.
***

Cơ Duyên Ngộ Đạo của chư Tổ – THIỀN SƯ HY THIÊN

THIỀN SƯ HY THIÊN

Thạch Ðầu – (695 – 785)

Sư họ Trần, quê ở Cao Yếu, Ðoan Châu. Lúc thọ thai Sư, mẹ thích ăn chay, không ưa đồ mặn. Khi còn hài nhi, Sư tự hành động lấy, không phiền mẹ săn sóc. Ðến lớn khôn, Sư tự an ổn vui tươi, không khi nào tỏ vẻ không bằng lòng người. Ở thôn Ðộng Liêu, dân chúng sợ quỉ thần nên lập nhiều miếu thờ, thường họp nhau mua rượu làm bò tế lễ. Một hôm, đi chơi thấy dân chúng tế lễ, Sư bèn phá miếu giựt bò đem về. Ðến tuổi vài mươi, Sư từ giã quyến thuộc đi xuất gia.

Nghe Lục tổ Huệ Năng đang giáo hóa tại Tào Khê, Sư tìm đến thọ giáo. Lục Tổ độ Sư làm đệ tử. Sư chưa thọ giới cụ túc, cũng chưa đạt đạo, Tổ đã báo tin sắp tịch, Sư hỏi Tổ:

– Sau khi Hòa thượng viên tịch, con phải nương tựa nơi ai?

Tổ bảo:

– Tầm Tư đi.

Tổ tịch rồi, mỗi ngày Sư đến bên cạnh tháp ngồi tư duy đến quên cả ăn ngủ. Có vị Thượng tọa thấy thế hỏi:

– Thầy đã tịch, ngươi làm gì ngồi đây mãi?

Sư thưa:

– Trước khi thầy tịch, tôi hỏi chỗ nương tựa, thầy dạy tầm Tư, nên tôi ngồi tư duy.

Thượng tọa bảo:

– Ngươi có sư huynh hiệu Hành Tư đang ở núi Thanh Nguyên, nên đến đó nương tựa, thầy dạy đã rõ, ngươi còn nghi gì?

Nghe lời dạy này, Sư thu xếp đồ đạc, tìm đến núi Thanh Nguyên ra mắt Thiền sư Hành Tư [Phần đối đáp khi Sư đến núi Thanh Nguyên, xem lại bài Thiền sư Hành Tư.]

Một hôm Thiền sư Hành Tư hỏi:

– Có người nói Lãnh Nam có tin tức.

Sư thưa:

– Có người không nói Lãnh Nam không có tin tức.

– Nếu thế, đại tạng tiểu tạng từ đâu mà ra?

– Thảy từ trong ấy, trọn không thiếu việc lạ.

Thiền sư Hành Tư gật đầu.

Ðời Ðường niên hiệu Khai Nguyên thứ mười sáu (728 T.L.), Sư đến La Phù thọ giới cụ túc. Niên hiệu Thiên Bảo năm đầu (742 T.L.) Sư tìm đến Hoành Nhạc tại Nam Tự, cạnh chùa phía đông có gộp đá cao giống như cái đài, Sư lên đó cất am tranh ở. Thời nhân kính trọng Sư nên gọi là Hòa thượng Thạch Ðầu.

*

Một hôm, thượng đường dạy chúng, Sư bảo:

– Pháp môn của ta do Phật trước truyền trao, không luận thiền định tinh tấn, chỉ đạt Tri kiến Phật, tức tâm tức Phật. Tâm, Phật, chúng sanh, Bồ-đề, phiền não tên tuy khác mà thể vẫn đồng. Các ngươi nên biết, thể tâm linh của mình lìa tánh đoạn và thường, không phải nhơ sạch, lặng lẽ tròn đầy, phàm thánh ngang bằng nhau, ứng dụng không lường, lìa tâm ý thức, ba cõi sáu đường chỉ do tâm mình hiện, như trăng đáy nước, bóng trong gương, đâu có sanh diệt. Các ngươi khéo biết nó thì không gì chẳng đủ.

*

Ðệ tử Ðạo Ngộ hỏi:- Ý chỉ Tào Khê người nào được?

Sư đáp:- Người hội Phật pháp được.

– Thầy được chăng?

– Ta không hội Phật pháp.

*

Có vị Tăng hỏi:

– Thế nào là giải thoát?

Sư đáp:- Ai trói ngươi?

– Thế nào là Tịnh độ?

– Cái gì làm nhơ ngươi?

– Thế nào là Niết-bàn?

– Ai đem sanh tử cho ngươi?

*

Sư hỏi vị Tăng mới đến:- Từ đâu đến?

Tăng thưa:- Từ Giang Tây đến.

– Thấy Mã Ðại sư chăng?

– Dạ thấy.

Sư bèn chỉ khúc cây bảo:- Mã Ðại sư sao giống cái này?

Tăng không đáp được, trở về thuật lại Mã Tổ.

*

Tăng hỏi:- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?

Sư đáp:- Hỏi cây cột cái đi!

– Con không hội.

– Ta cũng chẳng hội.

*

Ðại Ðiên hỏi:- Nó có nói không là hai cái đáng chê, xin Thầy trừ?

Sư đáp:- Một vật cũng không, trừ cái gì?

Sư lại hỏi:- Dẹp bỏ cổ, họng, môi, lưỡi, ngươi nói đi?

Ðại Ðiên thưa:- Không cái ấy.

Sư bảo:- Như thế là ngươi được vào cửa.

*

Ðạo Ngộ hỏi:- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Sư đáp:- Không được, không biết.

– Tiến lên lại có chỗ chuyển hay không?

– Hư không dài không ngại mây trắng bay.

*

Sư ở Nam Nhạc có nhiều vị thần linh hiện ra nghe pháp và xin thọ qui giới.

Ðời Ðường niên hiệu Quảng Ðức năm thứ hai (763 T.L.), đệ tử thỉnh Sư xuống Lương Ðoan xiển hóa. Từ đây, hóa chủ Hồ Nam là Thạch Ðầu, hóa chủ Giang Tây là Mã Tổ.

Ðến ngày rằm tháng chạp niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ sáu (785 T.L.), Sư viên tịch, thọ chín mươi mốt tuổi, sáu mươi ba tuổi hạ. Vua sắc ban là Vô Tế Ðại sư, tháp hiệu Kiến Tướng.

Sư trước tác một thiên Ðồng Tham Khế có chú giải lưu hành khá rộng lại có làm một bài ca Thảo Am:

THẢO AM CA

Ngô kết thảo am vô bảo bối
Phạn liễu tùng dung đồ thùy khoái
Thành thời sơ kiến mao thảo tân
Phá hậu hườn tương mao thảo cái.
Trụ am nhân, trấn thường tại
Bất thuộc trung gian dữ nội ngoại
Thế nhân trụ xứ ngã bất trụ
Thế nhân ái xứ ngã bất ái.
Am tuy tiểu, hàm pháp giới
Phương trượng lão nhân tương thể giải
Thượng thừa Bồ-tát tín vô nghị
Trung hạ văn chi tất sanh quái.
Vấn thử am, hoại bất hoại?
Hoại dữ bất hoại chủ nguyên tại
Bất cư nam bắc dữ đông tây
Cơ thượng kiên lao dĩ vi tối.
Thanh tùng hạ, minh song nội
Ngọc điện châu lâu vị vi đối
Nạp bì mông đầu vạn sự hưu
Thử thời Sơn tăng đô bất hội.
Trụ thử am, hưu tác giai
Thùy khoa phô tịch đồ nhân mãi
Hồi quang phản chiếu tiện qui lai
Khoách đạt linh căn phi hướng bối.
Ngộ Tổ sư thân huấn hối
Kết thảo vi am mạc sanh thối
Bách niên phao phước nhậm tung hoành
Bãi thủ tiện hành thả vô tội.
Thiên chủng ngôn, vạn ban giải
Chỉ yếu giáo quân trường bất muội
Dục thức am trung bất tử nhân
Khởi ly nhi kim giá bì đại.

Dịch: Bài ca THẢO AM

Tôi cất am tranh không của báu
Ăn xong thỏng thả ngủ ngon lành
Khi thành nhìn thấy cỏ tranh xanh
Lúc hỏng lại tìm cỏ tranh lợp.
Người chủ am vẫn mãi còn
Không thuộc khoảng giữa chẳng ngoài trong
Chỗ trụ người đời, ta chẳng trụ
Chỗ yêu người đời, ta chẳng yêu (ưa).
Am tuy nhỏ, trùm khắp giới
Lão già phương trượng mới hiểu tường
Bồ-tát thượng thừa tin chẳng ngại
Trung hạ nghe đây ắt lạ kỳ.
Hỏi am này hoại chẳng hoại?
Hoại cùng chẳng hoại chủ mãi còn
Chẳng ở đông tây hoặc nam bắc
Nền móng vững vàng là rất chắc.
Dưới tùng xanh, trăng giọi song
Ðiện ngọc lầu châu chưa dám đối
Màn che chăn đắp muôn việc thôi
Khi này Sơn tăng toàn chẳng hội.
Ở am này, thôi khởi nghỉ
Ai khéo trải chiếu mời người mua
Hồi quang phản chiếu là trở về
Ðạt suốt linh căn không theo bỏ.
Gặp Tổ sư thân chỉ dạy
Kết cỏ làm am chớ thối lui
Trăm năm bỏ sạch mặc tung hoành
Buông thõng tay đi vẫn không tội.
Ngàn thứ nói, muôn điều hiểu
Chỉ cốt dạy anh thường chẳng muội
Muốn biết không chết, người trong am
Ðâu rời đãy da hiện nay có.

Cơ Duyên Ngộ Đạo của chư Tổ – THIỀN SƯ BỔN TỊNH

Sư họ Trương, quê ở Ráng Châu, xuất gia từ thuở bé. Sau Sư đến tham học với Lục tổ Huệ Năng được Tổ truyền tâm. Sư từ giã Tổ, tìm đến núi Tư Không ở chùa Vô Tướng, chuyên ở nơi đây tu hành.
Đời Đường niên hiệu Thiên Bảo năm thứ ba (744 T.L.) vua Huyền Tông sai Trung sứ Dương Quang Đình vào núi cắt dây thường xuân. Dương Quang Đình tình cờ gặp được thất của Sư. Đình lễ bái thưa:
– Đệ tử mộ đạo đã lâu, cúi xin Hòa thượng từ bi tóm tắt chỉ dạy.
Sư bảo:
– Người nghiên học Thiền tông trong thiên hạ đều hội về Kinh sư (kinh đô vua),
thiên sứ nên trở về triều thưa hỏi là đầy đủ. Bần đạo ở gọp núi cạnh khe không có chỗ dụng tâm.
Quang Đình thiết tha khóc lóc lễ lạy.
Sư bảo:
– Thôi! Chớ lễ bần đạo. Thiên sứ vì cầu Phật hay vì hỏi đạo?
Đình thưa:
– Đệ tử trí thức tối tăm chưa biết Phật với Đạo nghĩa ấy thế nào?
Sư bảo:
– Nếu muốn cầu Phật, tức tâm là Phật. Nếu muốn hội Đạo, không tâm là Đạo.
– Thế nào tức tâm là Phật?
– Phật nhân tâm mà ngộ, tâm do Phật được bày. Nếu ngộ không tâm thì Phật cũng
chẳng có.
– Thế nào không tâm là Đạo?
– Đạo vốn không tâm, không tâm gọi là Đạo. Nếu rõ không tâm thì không tâm tức
là Đạo vậy.
Quang Đình đảnh lễ tin nhận.