HỮU LẬU và VÔ LẬU

Có một câu chuyện về thiền sư Kim Bích Phong. Chuyện kể rằng một lần nhập định, ông có thể nhập định trong mười lăm ngày. Nếu muốn, ông có thể nhập định cả tháng.

Một hôm, vì chưa vượt khỏi pháp hữu lậu, Diêm Vương sai Ngưu đầu, Mã diện đến đón ông đi. Hai sứ giả đến chỗ ông ở nhưng kiếm mãi không thấy ông đâu. Hai vị sứ giả phải hỏi thăm Thổ thần:

– Này Thổ địa! Hãy nói cho chúng tôi biết lão Kim Bích Phong đang ở đâu để chúng tôi đưa lão về chầu Diêm Vương.

Thổ thần đáp:

– Ồ! Ông ta đang nhập định, tắt hết thức tâm, các ông không kiếm ra ông ta đâu! Nhưng có một cách các ông có thể bắt ông ta được!

Ngưu đầu, Mã diện hỏi:

– Vậy cách đó là cách gì?

Thổ thần trả lời:

– Thiền sư nhà ta vốn rất quý chiếc bình bát ngọc. Trước khi nhập định, ông đã đem dấu chiếc bình bát. Bây giờ nếu tìm ra được chiếc bình bát bằng ngọc ấy, khua leng keng mấy tiếng, chắc chắn ông sẽ xả định.  Khi ấy các ông có thể bắt ông ta được.

Ngưu đầu, Mã diện nghe lời, ra sức kiếm chiếc bình bát quý và khi kiếm ra được, họ lấy đồ khua boong beng.  Nghe tiếng động phát ra từ chiếc bình bát yêu dấu của mình, thiền sư Kim Bích Phong lập tức xả định, hỏi to:

– Đứa nào lấy chiếc bình bát của ta?

Ngưu đầu, Mã diện cười xòa: “Hôm nay là ngày mãn tuổi thọ nên chúng tôi đến xin mời ngài về chầu Diêm vương.

Thiền sư Kim Bích Phong ồ lên một tiếng:

– Thì ra các ông dùng điều này để bắt ta! Nhưng các ông sẽ thấy các ông vẫn không bắt được Kim Bích Phong đâu!  Các ông hãy xem đây!

Nói xong, ông an trú tâm ngay nơi thể bất động, tan biến trong biển pháp thân, Ngưu đầu và Mã diện chẳng thấy ông đâu để mà bắt.

Từ câu chuyện này, chúng ta học được bài học: một khi tâm thức chúng ta còn khởi ý niệm, chúng ta còn ở trong pháp hữu lậu. Mà còn hữu lậu thì còn sinh còn diệt.

Nếu chúng ta tu tập giỏi, tắt được các tầng tâm thức thô và tế, ngay trong đời sống hiện thời, chúng ta sẽ trở thành người thênh thang rất nhẹ với mọi chuyện buồn, vui, phải quấy, thị phi, v.v… Người khác có gây khó khăn, phiền muộn cho chúng ta, chúng ta đều xem như chuyện nước đổ lá sen. Chúng ta điều hòa được đời sống gia đình, có được phúc lạc. 

Tóm lại, xả ly được những cố chấp nhiều chừng nào, lòng mình thanh thản, bình an nhiều chừng ấy. Năng lượng lành của chúng ta sẽ tỏa rộng, người thân chung quanh cũng được hưởng. Đó là thành đạt cạn.

Và khi thành đạt sâu hơn, chúng ta tẩy trừ sạch những tầng Hữu lậu pháp, vào đến phần tâm Vô lậu – chính là tâm Phật trong chính chúng ta. Khi ấy chúng ta hoàn tất công trình tu tập, không còn rớt vào cõi tử sinh.

Thích Phước Tịnh

(những bài học trích từ Kinh A Hàm)

Advertisement

GIỚI HƯƠNG

Một buổi chiều, trong khi đang ngồi tư duy quán tưởng, Trưởng lão A-nan chợt có nghĩ Thế Tôn hội đủ ba loại hương rất ưu việt là hương gỗ chiên đàn, hương rễ cây và hương hoa. Cả ba thứ hương đều bay theo chiều gió. Không biết có thứ hương nào có thể bay ngược gió, hoặc vừa bay thuận vừa bay nghịch gió?

Tôn giả không muốn một mình moi óc tìm hiểu, nên đến hỏi Thế Tôn, và sau đó Ngài được trả lời:

– Này A-nan! Có thứ hương bay theo chiều gió và cũng có thứ hương bay nghịch gió.

Này A-nan! Tại bất cứ làng mạc, phố thị nào trên thế gian này, ai cũng vậy, đàn ông hay đàn bà, quy y Tam bảo, giữ giới không sát sanh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say, nếu người đó đức hạnh, sống đời tại gia đoan chánh, tâm không tham nhiễm, người đó vị tha, rộng lượng, hoan hỷ trong hạnh bố thí, biết lắng nghe lời cầu xin, hoan hỷ trong hạnh cúng dường, thì mọi Tỳ-kheo và đạo sĩ Bà-la-môn khắp nơi sẽ tán thán, mọi thiên thần, thánh thần sẽ tán thán. Và như thế, này A-nan, đó là thứ hương bay thuận và nghịch gió.

Thế Tôn nói Pháp Cú:

Hương các loài hoa thơm,

Không ngược bay chiều gió.

Nhưng hương người đức hạnh,

Ngược gió khắp tung bay.

Chỉ có bậc chân nhân,

Tỏa khắp mọi phương trời.

Hoa chiên-đàn, già-la,

Hoa sen, hoa vũ quý,

Giữa những hương hoa ấy,

Giới hương là vô thượng.

Trích từ “ Tích truyện pháp cú”

TẶNG MỘT VẦNG TRĂNG

Lâm Thanh Huyền | Vũ Công Hoan dịch

Một vị thiền sư ẩn tu trong am tranh trên núi, một hôm nhân buổi tối đi dạo trong rừng, dưới ánh trăng vằng vặc, đột nhiên ngài ngộ ra trí tuệ của mình.

 Ngài vui mừng trở về nơi ở, nhìn thấy am tranh của mình bị kẻ cắp lục lọi, kẻ cắp tìm không ra của cải gì, lúc sắp sửa bỏ đi, thì gặp thiền sư ở cổng. Thì ra, sợ kẻ trộm giật mình, thiền sư từ nãy đến giờ cứ đứng đợi ở cổng. Ngài chắc chắn kẻ trộm không tìm được bất cứ đồ đạc gì đáng giá, liền cởi chiếc áo ngoài của mình cầm sẵn trong tay.

 Kẻ cắp đang trong lúc kinh ngạc bối rối, thì Thiền sư nói:

 – Từ đường rừng núi xa xôi, cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không! Đêm lạnh, cậu hãy mang theo chiếc áo này!

 Vừa nói, ngài vừa khoác chiếc áo lên người kẻ cắp. Hắn ta lúng túng không biết làm thế nào, cúi đầu chuồn thẳng.

 Nhìn theo bóng kẻ cắp đi dưới ánh trăng vằng vặc, rồi mất hút trong rừng núi, thiền sư không khỏi cảm thương liền khẳng khái thốt lên:

 – Hỡi con người đáng thương kia, ta chỉ mong được tặng cậu một vầng trăng sáng.

 Sau khi tiễn đưa kẻ cắp bằng mắt, thiền sư đi vào am tranh ngồi thiền, ngài nhìn trăng sáng ngoài cửa sổ rọi vào khoảng không trong nhà.

 Hôm sau, dưới sự vuốt ve dịu dàng, ấm áp của ánh trăng, từ trong buồng thiền sâu thẳm, ngài mở mắt ra, nhìn thấy chiếc áo ngoài mà ngài đã khoác lên người kẻ cắp được gấp gọn gàng, tử tế, đặt ở cửa. Vô cùng sung sướng, thiền sư lẩm bẩm nói:

– Cuối cùng ta đã tặng cậu ấy một vầng trăng sáng.

CÔ ĐỘC MÀ KHÔNG CÔ ĐƠN

 Một thời, tỳkheo Vajjiputtaka trú ở Vesàli, tại một khu rừng. Lúc bấy giờ có một cuộc lễ tổ chức suốt đêm ở Vesàli.  Tỳkheo ấy được nghe tiếng nhạc khí, tiếng cồng v.v… đánh lên, tiếng ồn ào khởi lên, liền than thở, nói lên ngay lúc ấy bài kệ này : “Chúng ta sống một mình; trong khu rừng cô độc; như khúc gỗ lột vỏ; lăn lóc trong rừng sâu; trong đêm tối hân hoan; như hiện tại đêm nay; ai sống đời bất hạnh; như chúng ta hiện sống”.

 Rồi một vị trời trú ở khu rừng ấy, có lòng thương xót vị Tỳkheo kia, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến vị Tỳkheo. Sau khi đến, vị Trời ấy nói lên bài kệ :

Ông sống chỉ một mình; trong khu rừng cô độc;

Như khúc gỗ lột vỏ; lăn lóc trong rừng sâu;

Rất nhiều người thèm muốn; đời sống như ông vậy;

Như kẻ đọa địa ngục; thèm muốn sanh thiên giới.

 Tỳkheo ấy được vị Trời cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

 (Đại Tạng Kinh VN, Tương Ưng Bộ I, chương 9 Tương Ưng Rừng, phần Vajjiputta, ấn bản năm 1993, tr 443)

 LỜI BÀN:

 Dù đã phát nguyện dấn thân, tự nguyện chấp nhận sống đời cô độc nhưng thỉnh thoảng bất chợt xuất hiện cảm giác cô đơn, trống trải âu cũng là chuyện thường tình. Đặc biệt, trong trường hợp hạnh phúc xuất thế chưa đạt được mà hạnh phúc đời thường lại chưa có thì cảm giác cô đơn lại dễ ùa về xâm chiếm tâm hồn chúng ta hơn, nhất là những khi xung quanh ta ngập tràn không khí lễ hội, ca nhạc ồn ào náo nhiệt.

Một vị Tỳkheo sống cô độc trong rừng, vì thiếu chánh niệm cho nên chợt chạnh lòng, cảm thấy cô đơn, xót xa cho thân phận bất hạnh. Đây là một biểu hiện quen thuộc của tâm hoang vu khi nó bị thiếu kiểm soát, thiếu ý thức về thực tại. Để khắc phục tình trạng này, hành giả nhanh chóng trở về thực tại bằng cách hướng tâm vào chánh niệm. Đề mục để duy trì chánh niệm có thể là niệm danh hiệu Phật, chú tâm vào hơi thở hoặc thiền quán về tâm thức đương tại… khi đã an trú tâm vào chánh niệm thì cảm giác cô đơn bị đẩy lùi và triệt tiêu.

Theo tuệ giác Thế Tôn, người tu nhờ biết duy trì chánh niệm thường trực nên dù sống cô độc mà không hề cô đơn. Bí quyết sống hạnh phúc, hoan hỉ vui tươi, tâm sung mãn bi trí của người biết sống một mình là pháp lạc, hoa trái của chánh niệm. Một vị trời nhận thức sâu sắc về hạnh phúc nội tâm của một ẩn sĩ nên khẳng định “rất nhiều người thèm muốn, đời sống như ông vậy”. Nhất là trong cuộc sống hiện tại với vô vàn biến động, đầy dẫy trói buộc, hệ lụy và hư dối thì một cuộc sống thanh bình, tĩnh tại nhưng sung mãn hạnh phúc tự nội vẫn là mong muốn, khát vọng của nhiều người.

Cô đơn, trống vắng và những tâm hồn đi hoang hội chứng làm điêu linh tâm thức của con người hiện đại. Họ thường chạy trốn và sợ hãi cô đơn, nhất là khi phải đối diện với chính mình. Vì vậy, phải nhận diện và thân thiện với tâm hoang vu của bản thân để thấy rằng cô đơn không khủng khiếp và đáng sợ như ta tưởng, vì cô đơn vốn không thực. Hãy thắp sáng chánh niệm để làm chủ và an trú tâm, nuôi dưỡng tâm bằng niềm hạnh phúc tự nội. Đây chính là bí quyết cư trần lạc đạo của những người tu Phật. 

Quảng Tánh