Ai cũng biết bố thí và cúng dường là việc tốt, là nhân lành của phước báo giàu
sang, đủ đầy ở tương lai. Nhưng vì tâm và hạnh trước, trong và sau khi bố thí
vốn khác nhau nên phước quả cũng tương ưng sai biệt thành năm bảy đường.
Gia chủ Ma-ha-nam nước Xá-vệ trong pháp thoại dưới đây là một điển hình.
Ông giàu sụ mà không được hưởng, vì ngày xưa cúng dường mà không có lòng
kính tin, sau lại hối tiếc. Nên giàu mà không biết thụ hưởng một cách đúng pháp
thì chẳng khác nào một kẻ vô phước, thiểu phần.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, nước Xá-vệ có gia chủ Ma-ha-nam mạng chung, nhưng không có con
cháu. Vua Ba-tư-nặc mới đem tài sản không có con, không có thân thuộc nhập
hết về nhà vua. Vua Ba-tư-nặc hằng ngày phải đi xem xét tài sản, thân thể dính
bụi bặm, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ Thế Tôn hỏi vua Ba-tư-nặc:
Đại vương từ đâu đến, thân thể dính bụi bặm và có vẻ mệt nhọc?
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, gia chủ Ma-ha-nam nước này mạng chung, để lại tài sản,
nhưng không con, nên tất cả phải nhập về nhà vua. Con phải trông coi, liệu lý,
nên bụi bặm dính vào người, mệt nhọc. Từ nhà đó con đến đây.
Phật hỏi vua Ba-tư-nặc:
Gia chủ Ma-ha-nam kia giàu có nhiều của lắm sao?
Vua đáp:
Bạch Thế Tôn, rất giàu, tiền của rất nhiều, tiền vàng của báu có đến trăm
nghìn ức, huống lại là những của khác. Bạch Thế Tôn, ông Ma-ha-nam kia lúc
còn sống mặc thô sơ, ăn uống cực khổ.
Phật bảo vua Ba-tư-nặc:
Ông Ma-ha-nam kia vào thời quá khứ, gặp Bích-chi Phật Đa-ca-la-thi-khí có
cúng dường một bữa ăn, nhưng không có lòng tin thanh tịnh, không cung kính
cúng dường, không tự tay cúng dường; sau khi cúng rồi lại hối tiếc nói rằng:
‘Cơm này ta có thể cho những tôi tớ của mình, không tội gì lại đem cho Sa-môn!’
Nhờ phước bố thí này, bảy lần được sanh lên trời Tam thập tam và bảy lần sanh
vào nước Xá-vệ này thuộc dòng họ tối thắng, tiền của giàu có bậc nhất. Nhưng
vì khi cúng dường vị Bích-chi Phật kia với lòng tin không thanh tịnh, không cung
kính cúng dường, không tự tay cúng dường; sau khi cúng dường rồi lại hối tiếc,
nên dù nơi khi sanh ra tuy được giàu có, nhưng phải thọ dụng quần áo thô sơ,
ăn uống khổ cực, ngọa cụ, nhà cửa, xe cộ thô sơ cũ kỹ. Ngay từ đầu chưa nếm
qua được sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đẹp để tự an thân.
Lại nữa, Đại vương, trước kia gia chủ Ma-ha-nam đã giết người anh khác mẹ
của mình để chiếm lấy tài sản. Vì tội này nên trải qua trăm nghìn năm phải đọa
vào địa ngục, tội báo ấy còn sót nên sanh vào nước Xá-vệ, bảy lần thọ thân mà
thường không có con; tài sản tịch thâu về nhà vua. Đại vương, gia chủ Ma-hanam
nay mạng chung, phước báo bố thí quá khứ đã hết mà đời này ông lại keo
kiệt, tham lam, buông lung đối với tài sản, nhân tạo tội ác, sau khi mạng chung
ở đây sẽ đọa địa ngục, chịu nhiều khổ não.
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, gia chủ Ma-ha-nam sau khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục
chịu khổ đau phải không?
Phật đáp:
Đúng vậy, Đại vương! Đã đọa vào địa ngục”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1233 [trích])
Làm giàu đã khó, biết thọ hưởng đúng pháp lại càng khó hơn. Ma-ha-nam có
tiền mà không biết xài, chẳng phục vụ bản thân, không giúp ích gì cho gia đình
và xã hội. Phước cũ đã dùng hết, phước mới chẳng vun bồi thêm, đến khi chết
tài sản bị sung công, phước hết nên rơi vào đọa xứ, vậy hẳn quá đúng khi hỏi
‘Tiền nhiều để làm gì?’.
Thế nên, người Phật tử chánh kiến cần phải học cách thọ hưởng đúng pháp
những tài vật do mình làm ra. Hãy tận hưởng phước cũ để nay vui và tận lực tạo
ra phước mới để đời sau vui, khiến cho cả hai đời đều vui.
QUẢNG TÁNH
Month: January 2021
VỊ TỲ KHƯU MẮT MÙ
Chuyện kể rằng, tại kinh thành Sāvatthi có ông Mahāsuvaṇṇa là một bậc phú
hào, gia tài, của cải không biết để đâu cho hết nhưng lại hiếm muộn con cái.
Một hôm, nhân đi tắm về, bên vệ đường, trông thấy một cây đại thụ, cành nhánh
sum suê, ông tự nghĩ: “Nơi xanh tốt, um tùm, mát mẻ như thế này, chắc phải có
một vị thần linh nhiều oai lực trấn ngự!” Ông phú hộ bèn thuê người dọn dẹp sạch
sẽ quanh gốc cây, cho trải một lớp cát trắng bên trong rồi xây một tường rào bảo
vệ. Xong, ông trang trí thêm cờ ngũ sắc, thắp đèn sáng, sắm sanh một mâm lễ vật,
dâng lên thọ thần, khấn vái, cầu nguyện rằng:
“Xin ngài hãy ban cho tôi một mụn con, trai hay gái cũng được, tôi sẽ tạ ơn lễ vật
hậu hỹ, cúng tế hằng kỳ!”
Quả là có “thần linh cảm ứng” thật, vì không bao lâu, vợ ông phú hộ thọ thai.
Mừng quá, ông không tiếc tiền của mua thuốc thang cho bà bảo dưỡng thai nhi.
Gần mười tháng sau, bà sinh hạ một cậu con trai. Ông Mahāsuvaṇṇa tự nghĩ: “ Nhờ
ta chăm sóc, bảo hộ cây đại thụ, thần linh cảm kích mới cho ta đứa con cầu tự – vậy
ta đặt tên nó là Pāla(1). Thời gian sau, bà lại sinh thêm cho ông một quý tử nữa. Thế
là đứa con đầu, ông đặt tên là Mahāpāla (Đại Hộ), đứa con sau được đặt tên là
Cullapāla (Tiểu Hộ).
Khi hai trẻ lớn khôn, ông bà Mahāsuvaṇṇa lựa chọn nơi xứng đáng để lập gia
thất cho hai người nhưng họ chưa chịu. Tuy nhiên, trước khi mất, hai ông bà phân
chia gia sản đồng đều cho cả hai để làm ăn sinh sống. Và họ đã chăm chỉ làm ăn, tài
sản càng ngày càng tăng thịnh, tỏ ra xứng đáng con dòng cháu giống kế thế sự
nghiệp của cha ông.
Hôm nọ, khi đức Phật an cư ở Kỳ Viên – thì hằng ngày, cận sự hai hàng thường
hay đến tịnh xá để cúng dường và nghe pháp. Hôm nọ, trưởng giả Mahāpāla trông
thấy từng đoàn, từng đoàn người nam nữ, già trẻ tay cầm vật dụng như trầm hoa,
dầu đèn đủ loại tấp nập, đi chung một đường, chẳng rõ họ đi đâu – bèn hỏi:
- Quý vị đi đâu mà trông có vẻ vui tươi vậy?
- Chúng tôi đến Kỳ Viên tịnh xá.
- Để làm gì vậy?
Một người nói: - Rõ khổ! Hóa ra ông không biết một đức Chánh Đẳng Giác đã ra đời rồi sao?
- Quanh năm buôn bán làm ăn, tôi có biết gì đâu!
- Vậy thì hãy cùng đi, ông bạn. Hãy đến đấy để cúng dường và nghe đức Phật
thuyết giảng. - Vâng! Thế thì hãy cho tôi đi theo với!
Thời pháp hôm ấy, đức Phật thuyết tuần tự từ bố thí, trì giới, nhân quả các cảnh
trời, sự cám dỗ của ngũ trần cùng phước báu cao thượng của bậc xuất gia.
Nghe xong, Mahāpāla tự nghĩ: “Khi nhắm mắt lìa bỏ cõi đời này để đến một thế
giới nào đó thì vợ con đều chẳng thể đi theo mình; nhà cửa, tài sản, ruộng vườn
đều phải bỏ lại; thậm chí cái xác thân này cũng không thể làm bạn đồng hành được
nữa. Vậy thì có ích chi cái kiếp sống này cùng với cái gánh nặng gia đình mà ai cũng
phải còng lưng mang vác? Như thời pháp mà ta vừa nghe thì đời sống xuất gia nhẹ
nhàng và khoảng khoát như mây trời…”
Khi mọi người lần lượt ra về hết, trưởng giả Mahāpāla đến quỳ bên chân Phật
và xin xuất gia.
Đức Phật hỏi: - Ông còn cha mẹ, vợ con, anh em gì không?
- Chỉ còn một người em ruột, bạch đức Thế Tôn.
- Vậy thì hãy báo cho người em biết trước khi xuất gia, này Mahāpāla!
Vâng lời đức Phật, về nhà trưởng giả Mahāpāla nới chuyện với Cullapāla: - Này em! Tất cả tài sản của nổi, của chìm, vật có tri giác và vật không có tri giác…
nghĩa là toàn bộ châu báu, nhà cửa, ruộng vườn, tôi tớ súc vật… từ rày về sau, anh
giao hết cho em được trọn quyền làm chủ. - Tại sao lại nói chuyện kỳ lạ như vậy?
- Không kỳ lạ gì đâu. Em hãy cố gắng mà kế nghiệp tổ tiên.
- Thế còn anh thì sao?
- Anh sẽ xuất gia với đức Thế Tôn.
Trưởng giả Cullapāla không chịu, cố gắng dùng tình cảm để thuyết phục: - Từ lâu, anh chính là cha, là mẹ của em. Thân mẫu mất, với tình thương, anh đã
thay thế mẹ cho em nương tựa. Thân phụ mất, với sự đùm bọc, anh đã thay thế cha
che chở cho em. Nếu anh bỏ nhà ra đi thì có khác nào em lại mất cha, mất mẹ một
lượt nữa. Anh à, anh là bậc phú gia, tiền bạc tuy không hơn ai nhưng cũng “có máu,
có mặt” trong kinh thành; sao anh không ở nhà, lấy vợ, sinh con, đến chùa làm các
công đức, bắt chước cận sự hai hàng của đức Phật cũng được vậy.
Thế là hai người nói chuyện rất lâu. Nhưng ông anh không thuyết phục được
em mà ông em cũng không thuyết phục được anh. Người em bèn đấu dịu: - Thôi, anh xuất gia cũng được; nhưng hãy lập gia đình trước đã, đợi đến già hãy
đi có lẽ tốt hơn vậy!
Trưởng giả Mahāpāla mỉm cười: - Em nói vậy là lý sự cùn rồi. Xuất gia thì phải lựa chọn lúc còn trai tráng, thanh
xuân khi sinh lực còn mạnh khoẻ mới học pháp, hành pháp được. Nếu lúc tuổi già,
sức yếu, đầu óc không còn minh mẫn, lý trí không còn kiểm soát được cái run rẩy,
cái quờ quạng của cái chân, của cái tay… thì chỉ có việc ăn hại, làm khổ mọi người
mà thôi. Chí anh đã quyết. Đừng lấy những lý lẽ tình thường của thế gian mà ràng
buộc, cột trói anh nữa.
Thế là trưởng giả Mahāpāla bỏ đi, quay lưng với những giọt nước mắt của người
em, sau đó, ông được thọ giới tỳ-khưu, chăm chuyên học pháp và luật, tinh cần các
công việc, bổn phận mà Tăng đã giao phó. Sống tại Kỳ Viên suốt năm năm, bên
chân chư vị trưởng lão, tỳ-khưu Mahāpāla được thầy thương, bạn mến về tư cách
cũng như tánh hạnh.
Hôm kia, sau an cư mùa mưa, tỳ-khưu Mahāpāla mạnh dạn lên đảnh lễ đức Phật
và xin đề mục tu tập. Quán căn cơ, đức Phật giảng nói rất cặn kẽ về tứ niệm xứ và
khuyên nên tinh tấn, miên mật hành trì sa-môn hạnh. Vâng lời đức Phật, Mahāpāla
rủ thêm sáu mươi người bạn đồng tu, vừa mới xuất gia được một vài năm, rời Kỳ
Viên tịnh xá, nhắm hướng bắc, đi mãi. Từ làng này sang làng nọ, từ rừng này sang
rừng khác, đoàn sa-môn này sống đời du phương.
Mỗi buổi sớm, họ đi khất thực quanh vùng, có gì dùng nấy, sau đó rút về nơi
khuất tịch, tĩnh cư, tu tập. Thời gian gần một năm thấm thoắt trôi đi, mặc dầu giới
hạnh và thiền định của họ khá tốt nhưng vẫn chưa tìm được sự an lạc cuối cùng.
Họ lại ra đi. Hôm kia, cách kinh thành Sāvatthi chừng một trăm hai mươi do tuần,
gặp một ngôi làng nhỏ gần biên giới, họ dừng chân nghỉ ngơi, sau đó đi trì bình
khất thực. Dân chúng ở đây thấy một đoàn sa-môn tăng tướng trang nghiêm, lục
căn thu thúc, họ rất kính trọng nên vật thực được họ cúng dường rất đầy đủ. Một
người đàn ông ra dáng một phú hộ, sau khi đặt bát, cất tiếng lễ độ hỏi: - Thưa chư tôn giả! Chẳng hay các ngài định đi đâu vậy?
Tôn giả Mahāpāla nhiều tuổi nhất, hạ lạp lớn hơn mọi người nên được xem như
là trưởng đoàn, trả lời: - Chúng tôi đang đi tìm một nơi chốn thuận duyên để hành trì sa-môn hạnh, này
thí chủ! - Thưa, một nơi chốn được gọi là thuận duyên ấy, nó gồm những điều kiện như
thế nào, thưa tôn giả? - Thứ nhất, là nơi vắng vẻ, yên tĩnh, không quá gần xóm làng mà cũng không
quá xa xóm làng. Thứ hai, nơi ấy có thể có hang động, các tàn cây lớn rộng, có thể
làm thêm một số mái che bằng tre lá để có chỗ đỡ mưa, tránh nắng. Thứ ba, là dân
chúng quanh vùng có tâm biết bố thí, cúng dường để việc trì bình nuôi mạng không
quá khó khăn. Chỉ cần có đủ ba điều kiện ấy thì được xem như là thuận duyên rồi,
này thí chủ!
Người đàn ông quỳ xuống, sụp lạy rồi nói: - Vậy thì xin thỉnh chư tôn giả ở đây với chúng con, là bóng mát nương nhờ cho
chúng con. Ba điều kiện ấy, ở nơi này, xem ra là khá thuận lợi.
Tôn giả Mahāpāla sau khi hội ý với chư tăng, gật đầu ưng thuận, rồi nói: - Cũng sắp đến kỳ an cư mùa mưa. Nói cách khác, chư tăng sẽ trú mưa ở đây ba
tháng, không rõ thí chủ có biết bổn phận của mình lúc mời thỉnh chăng? - Thưa, biết khá rõ! Vì con thường hay lên xuống, buôn bán làm ăn ở Sāvatthi,
rất nhiều bạn bè, bằng hữu của con đã là đệ tử của đức Tôn Sư. - Tốt! Tôn giả Mahāpāla mỉm cười – Đây lại thêm một yếu tố thuận duyên nữa
vậy.
Nơi này có một ngôi rừng sầm uất, có nhiều hang động thiên nhiên, có hồ, có
suối rất mát mẻ, thuận lợi cho môi trường sống. Càng vi diệu hơn nữa, người đàn
ông phú hộ đã vận động mọi người trong làng, hùn góp công đức – nên chỉ non nửa
tháng sau thì nơi đây đã có môt ngôi tịnh xá – thay cho giảng đường làm nơi họp
tăng, cũng là chỗ hành thiền tập thể – tuy chỉ tranh tre nứa lá nhưng trông khá
khang trang, tươm tất, rộng thoáng. Lại còn hàng chục cốc lá lác đác quanh sườn
núi, bờ khe để chư tăng có chỗ tránh mưa, đụt nắng, hành trì chỉ quán. Ngoài ra,
việc trang trí nội thất như ngoạ cụ, tọa cụ, chum vại, dầu đèn, thảm lót nhà, thảm
chùi chân… đâu đâu cũng chu đáo. Những công trình phụ như nhà vệ sinh, hầm
đốt rác, nhà tắm có mái che… cũng được dân làng quan tâm đào đắp, ráp dựng
trong khả năng của mình.
Khi các công trình lớn nhỏ hoàn tất, bà con dân làng với sự dẫn dắt của ông phú
hộ, làm một cuộc lễ để dâng cúng tất thảy đến chư tăng. Họ tạo thuận duyên đến
nỗi, chư tăng không cần phải làm bất cứ việc gì, chỉ có việc ôm bát đi trì bình, thời
gian còn lại chỉ để dành cho sự tu tập. Chưa thôi, mới ở yên được một hôm thì một
vị thầy thuốc giỏi tìm đến, nói là do ông phú hộ cắt cử đến để khám, bốc thuốc chữa
trị tất cả bệnh cho chư tăng. Thấy không ai bệnh gì, ông thầy thuốc xin để lại tại
tịnh xá một số thuốc cảm mạo thông thường, nóng sốt, đau bụng, táo bón, tháo dạ,
ngăn độc trùng như rắn, rít, bò cạp… để đề phòng. Khi đi, ông hẹn là cứ khoảng
nửa tuần trăng ông sẽ ghé lại một lần, hãy cho ông được chăm sóc sức khoẻ cho chư
tăng, đấy là một hạnh phúc.
Cảm kích trước tấm lòng của ông phú hộ và dân làng, tôn giả Mahāpāla họp chư
tăng ở tịnh xá, nói rằng: - Tình hình này xem ra có một tốt, một xấu. Một tốt, là vì ân nghĩa này sẽ giúp ta
tu tập tốt, sẽ hoàn thành cứu cánh sa-môn hạnh. Một xấu, cũng vì ân nghĩa này, nếu
ta không chịu tu tập thì chắc chắn sẽ đi địa ngục. Chư vị hiền hữu nghĩ sao?
Ai cũng gật đầu nói là đúng rồi, và nên tu tập tốt để đáp trả ân nghĩa.
Tôn giả Mahāpāla nói tiếp: - Đầu con trăng này chúng ta lại vào mùa an cư rồi. Vậy, ngoài một số pháp hạnh
đầu-đà mà chư hiền hữu đã thọ trì, có ai muốn phát nguyện thêm một pháp nào
nữa chăng?
Có người đáp: - Mỗi người với các pháp đầu- đà đã thọ trì, ai cũng cảm giác là chưa trọn vẹn,
còn khuyết thủng chỗ này hay chỗ khác, đâu dám phát nguyện thêm, thưa pháp
huynh. - Thấy được vậy là tốt. Còn riêng tôi sẽ phát nguyện thêm pháp đầu-đà thứ mười
ba – là ngăn oai nghi nằm! Cầu chúc chư hiền hữu hoàn thành sa-môn hạnh ngay
trong mùa an cư này.
Mọi người cất tiếng tán thán “sādhu, sādhu – lành thay”. Tôn giả Mahāpāla sách
tấn thêm: - Sinh tử là việc lớn, chúng ta đừng buông lung, giải đãi nữa. Các cảnh của bốn
đường ác sẽ hiện ra. Mà các cảnh giới cao sáng, thanh lương nó cũng hiện ra. Tùy
theo tác ý, tư tưởng, sự hành trì, cái tâm dể duôi hay tinh cần của mỗi người. Hãy
cố gắng lên, các bạn! Để khỏi hổ thẹn với ân nhân, thí chủ!
Thế rồi, sau cuộc lễ vào hạ, chư tăng đọc tụng, ôn tập một số giới bổn đã được
ban hành, mỗi người rút về liêu cốc, hang động riêng lẻ để tu tập. Cứ mỗi nửa
tháng, họ gặp nhau tại tịnh xá chung để sám hối, làm lễ uposatha, bàn một một vài
việc tăng… Cuộc sống bình lặng và thanh bình như thế trôi qua. Ai cũng có thiền
chứng, ai cũng tinh thục trong nội quán. Riêng tôn giả Mahāpāla vì tinh cần quá
mức mà cũng vì cả tháng ngồi thiền, ngăn oai nghi nằm, không ngủ nên đôi mắt rất
xốn xang, nước mắt chảy hoài, nhức buốt vô cùng. Tuy vậy, ông vẫn không bỏ cuộc,
vẫn đi bát, vẫn hành thiền chăm chuyên cần mẫn.
Hôm nọ, sáng sớm, chư tăng tụ hội ở tịnh xá trước giờ đi bát, thấy vắng mặt tôn
giả Mahāpāla, có người tìm đến cốc: - Thưa pháp huynh, đã đến thời đi khất thực.
Bên trong có tiếng vọng ra: - Vâng, vâng, tôi sẽ đi ngay!
Khi xuống đến tận nơi, ai cũng thấy đôi mắt của tôn giả Mahāpāla đỏ hoe, nước
rỉ ra ràn rụa , bèn hỏi – thì được đáp: - Không sao đâu! Tôi chỉ đau mắt chút đỉnh.
Sau khi đi khất thực quanh làng trở về, chư tăng báo chuyện đau mắt của vị
trưởng đoàn đến gia đình phú hộ – nên buổi chiều, người nhà của vị y sĩ tìm đến
trao cho một loại thuốc rồi chỉ dẫn cách dùng. Đây là một loại thuốc nước rất công
hiệu, chỉ cần rỏ ít giọt vào mũi(1), nằm yên một lát cho thuốc thấm, ngày vài lần là
hết đỏ mắt, hết nhức mắt ngay.
Nhận thuốc quý, nhưng tôn giả Mahāpāla chần chừ, do dự. Nếu muốn rỏ thuốc
vào mũi có hiệu quả là phải nằm xuống, mà nằm xuống là phá vỡ “pháp đầu-đà
ngăn oai nghi nằm” đã thọ trì. Nghĩ vậy, tôn giả Mahāpāla tự nói với mình: “Ta
không thể phá bỏ pháp hạnh đầu-đà đã phát nguyện!” Nên tôn giả không nằm, cứ
ngồi nghiêng đầu lui sau một chút mà rỏ thuốc vào mũi.
Hôm sau, lúc đi bát, tôn giả gặp vị y sĩ, ông ta hỏi: - Thuốc của tôi gởi, tôn giả đã dùng chưa mà trông đôi mắt vẫn còn đỏ hoe vậy?
- Tôi đã dùng rồi, thí chủ!
Vị y sĩ tự nghĩ: “Lạ chưa! Thuốc rỏ mắt của mình là một thần dược nổi tiếng xưa
nay, mà tại sao bây giờ không công hiệu kìa!”
Bèn hỏi: – Thế khi rỏ thuốc, tôn giả ngồi hay nằm?
Hỏi ba lần, thấy vị tôn giả vẫn làm thinh, không đáp, vị y sĩ lại nghĩ:
“Được rồi! Mình sẽ đến tận nơi quan sát là biết liền”.
Buổi chiều vị y sĩ tìm đến cốc của tôn giả khi ngài đang đi kinh hành ngoài trời.
Đưa mắt nhìn quanh bên trong, vị y sĩ thấy trống trơn, chỉ có môt tấm nệm cỏ vừa
vặn chỗ ngồi, không hề thấy giường nằm ở đâu cả.
Biết chuyện gì đã xảy ra, vị y sĩ gặp tôn giả, cất giọng khẩn cầu, tha thiết: - Tôn giả ơi! Đừng làm như thế, không nên đâu! Hãy thương lấy cái thân mình
một chút, tôn giả! Cái thân nó gánh cái tâm đấy! Có sức khoẻ khang kiện, đôi mắt
có sáng thì việc hành đạo mới tốt, mới dễ dàng được! Hãy nằm xuống khi nhỏ
thuốc, lúc ấy thuốc mới ngấm vào bên trong được, tôn giả! Tôi van xin ngài đấy! - Thôi được rồi, cảm ơn thí chủ! Để tôi suy nghĩ lại xem!
Nói thì nói thế, nhưng vị tôn giả này lại tự phản vấn:
“Này, hiền hữu Pāla ơi! Hiền hữu hãy nói cho ta biết, đôi nhục nhãn này so với
pháp hạnh đã phát nguyện, cái nào quý trọng hơn?”
Và rồi, vị tôn giả lại tự nói với mình: “Trong mù mịt trầm luân sinh tử, trải qua
vô số kiếp giạt trôi vô định trong biển luân hồi, hiền hữu có khác nào ở trong cảnh
đui mù tăm tối?
Trải qua thời gian ấy, biết bao nhiêu là đức Chánh Đẳng Giác đã ra đời? Biết bao
nhiêu là pháp và luật của chư vị – hiền hữu có thấy, dù chỉ chút ít? Rõ là hiền hữu
có mắt mà cũng như đui mù mà! Bây giờ, với nhân duyên thù thắng, hiền hữu gặp
được giáo pháp của Phật, nguyện hành trì theo con đường ấy; và khi đã phát
nguyện rồi, chẳng lẽ nào hiền hữu lại thối thất, ngã lòng?
Nếu đôi mắt này có tối tăm vĩnh viễn, nhưng lại có được tuệ nhãn, thấy được
pháp vô thường, vô ngã để giác ngộ, giải thoát – há không là sự đánh đổi quá nhiều
lợi lạc hay sao? Vậy, dù mắt có bị mù, hiền hữu cũng không nên bỏ pháp”.
Nghĩ thế xong, như đã quyết định, tôn giả mỉm cười, tự ngâm lên một bài kệ để
nhắc nhở mình:
Mắt đui thì cứ mặc
Thân tàn cũng vậy thôi
Chí ta giờ đã quyết
Pháp hạnh chẳng buông lơi
Giữ tâm, không giữ mắt
Thà chết, ngồi không nằm
Tinh cần tu niệm xứ
Minh sát, tuệ như chân!”
Hôm sau, tôn giả vẫn ngồi như thế để rỏ thuốc vào mũi rồi ôm bát đi vào làng.
Vị thầy thuốc có tâm, đã đứng chờ đâu đó sẵn, thoáng nhìn rồi cất tiếng hỏi: - Lại thế nữa rồi! Tôn giả vẫn ngồi mà rỏ thuốc ư?
- Đúng vậy, thí chủ!
- Như thế thì cứ vẫn đau nhức?
- Đúng vậy, thí chủ!
Vị y sĩ cất tiếng than: - Thôi rồi, vậy là nghề thầy thuốc có tiếng thơm của tôi từ nay đổ sông, đổ biển.
Thiên hạ sẽ nói rằng, thuốc chữa mắt của tôi từ nay không còn tác dụng. Vậy, nếu
còn thương tôi, thì nếu có ai hỏi, xin quý ngài nói rằng, tôi chưa từng cho thuốc và
ngài cũng chưa từng rỏ thuốc. Chúng ta chưa từng quen biết nhau. Tôi không có
cách nào khác hơn. - Xin thí chủ yên tâm. Tôi sẽ im lặng và tôi sẽ không nói gì hết.
Vị thầy thuốc với sắc mặt buồn bã, quầy quả bỏ đi.
Buổi tối, trước giờ hành thiền, tôn giả lại đọc kệ sách tấn mình:
Thầy thuốc bỏ đi rồi
Diêm chúa chẳng chê mồi
Mắt vô phương cứu chữa
Sao còn dám dể duôi!
Từ đấy, tôn giả tinh cần không mỏi mệt, không còn để ý cái đau, cái nhức của
đôi mắt nữa. Mọi thấy biết, quan sát cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức mỗi
ngày thêm tinh tế, sắc bén. Thỉnh thoảng, ngài đi sâu vào thiền, an trú lạc định,
chấm dứt tất thảy cảm giác đau để nghỉ ngơi, tịnh dưỡng. Tuy nhiên, đến tháng thứ
hai thì ngài thấy đôi mắt mình đã tối đen như mực. Sáng sớm, khi chư sư ở ngoài
cất tiếng hỏi: - Thưa, đã đến giờ khất thực.
Bên trong đáp: - Chư hiền hữu hãy đi đi!
- Còn pháp huynh thì sao?
- Mắt tôi không thấy gì nữa rồi!
Sau khi biết rõ sự thật, ai cũng đau lòng và thương xót. Ai cũng hứa đi hai bát
để chu cấp vật thực hằng ngày. Gia đình ông phú hộ và cả dân làng, ai cũng khởi
tâm chăm lo chu đáo cho vị tôn giả mắt mù của mình không thiếu thốn thứ gì. Thỉnh
thoảng, tôn giả Mahāpāla vẫn nhắc nhở mọi người đừng buông lơi đề mục, bất cứ
ngày hay đêm. Nhờ dân làng hộ độ chu đáo, nhờ tinh cần, nhờ không giải đãi nên
qua tháng thứ ba, tôn giả Mahāpāla đắc quả A-la-hán luôn với tuệ phân tích. Sáu
mươi vị tỳ-khưu đồng đạo, lần lượt trước sau đều cùng tâm chứng và quả chứng.
Chư vị thánh nhân biết tâm của nhau là ai cũng đã thành đạt cứu cánh của sa-môn
hạnh.
Sau lễ ra hạ, chư vị đều muốn về Kỳ Viên đảnh lễ đức Đạo Sư. Tôn giả Mahāpāla
khuyên mọi người hãy lên đường, còn ngài có thể tự lo liệu được. - Hãy đi cùng chúng tôi, thưa pháp huynh!
- Không! Tôn giả lắc đầu – Tôi nay yếu đuối, mù loà, đường sá thì xa xôi, gian
trở. Tôi mà đi thì vướng bận mọi người, tôi không làm thế được. Hãy cho tôi gởi lời
đảnh lễ đức Đạo Sư, và nói rằng, chúng đệ tử nhờ hồng ân của ngài mà đã làm xong
những việc cần phải làm!
Thấy họ thành tâm, khẩn thiết quá, tôn giả nói tiếp: - Thôi, thế này vậy. Tôi có người em, trưởng giả Cullapāla, chắc chư hiền hữu đã
biết. Hãy kể rõ tình trạng của tôi hiện nay cho em tôi biết, và nó sẽ tìm cách dẫn tôi
về!
Chẳng biết sao hơn, họ đành chào từ giã. Ông phú hộ và cả dân làng đều bịn rịn
lúc tiễn đưa. Và họ biết, họ không thể níu kéo những cánh chim trời.
Ròng rã mấy tháng, đoàn sa-môn mới về đến Kỳ Viên. Sau khi đảnh lễ đức Thế
Tôn, họ kể về tình trạng mù mắt của tôn giả Mahāpāla với tâm bi cảm.
Đức Phật nói: - Cái gì xảy ra cũng có nhân, có duyên của nó. Khi phải thời, Như Lai sẽ giảng
giải trước đại chúng.
Về phần trưởng giả Cullapāla, sau khi biết chuyện, ông rất đau xót. Suy nghĩ,
bàn tính kỹ càng, ông trưởng giả gởi một đứa cháu trai trong họ tộc, tên là Tế Hộ,
nhờ chư tôn giả cho học kinh luật rồi xuất gia sa-di. Suốt nửa tháng được chư tôn
giả tận tình kềm cặp, hướng dẫn sa-di Tế Hộ đã biết cách đi đứng, ngồi nằm, biết
cách mặc y, mang bát, biết cách đi trì bình khất thực. Rồi họ chỉ đường cho sa-di Tế
Hộ đến ngôi làng biên giới để đón tôn giả Mahāpāla trở về.
Trong lúc chờ đợi, trưởng giả Cullapāla chu đáo kiếm tìm một mảnh đất không
xa nhà quá mà cũng không xa Kỳ Viên tịnh xá, kiến tạo một tịnh thất giản dị, với ý
nghĩ:
“Nếu anh ta vào sống ở tịnh xá thì sẽ phiền luỵ đến nhiều người. Vậy nên, ở chỗ
này là phải lẽ, ta sẽ cho người kề cận hộ độ chu đáo; khi cần, anh ta có thể nhờ người
dẫn đến Kỳ Viên để đảnh lễ đức Thế Tôn!”
Kể chuyện về Tế Hộ. Đến nơi, sau khi cậu cháu nhận biết được nhau, vị sa-di ở
lại nửa tháng, chăm lo quán xuyến mọi việc trong ngoài, đi bát trong làng, hết lòng
phụng dưỡng người cậu mắt mù. Hôm kia, thấy tiết trời có vẻ tạnh ráo, mát mẻ,
quang đãng, Tế Hộ thưa: - Cậu Cullapāla ở nhà, sốt ruột, mong đợi sư cậu lắm! Vậy, ngày mai, cháu sẽ
dẫn sư cậu lên đường về quê.
Tôn giả Mahāpāla im lặng, gật đầu nhẹ.
Thế là sau khi chào từ giã dân làng, Tế Hộ vai mang y bát, tay cầm đầu gậy, dẫn
tôn giả Mahāpāla cầm gốc gậy theo sau. Cứ mỗi sáng sớm, thấy đúng giờ, sa-di Tế
Hộ đi bát trong vùng, mang về, sớt một nửa vào bát cho sư cậu, còn một nửa mình
thọ dụng. Trời chiều tối thì họ tìm một chỗ có mái che, hang động hay tàn cây nào
đó để qua đêm. Ngày lại ngày qua đi như thế, hai cậu cháu chậm rãi lên đường,
không có sự cố gì xảy ra.
Hôm kia, đến một ngôi làng có tên là Kaṭṭhanagara, họ dừng chân nghỉ ngơi…
Bất chợt giọng hát xuân tình của một sơn nữ từ đâu đó vẳng lại. Sa-di Tế Hộ
ngây người ra, tay rời đầu gậy hồi nào không biết. Mê mẩn tâm thần, sa-di Tế Hộ
cất giọng run run: “Sư cậu đợi cháu một lát, cháu trở lại ngay”.
Nói thế xong, Tế Hộ nhắm hướng chạy đến chỗ cô sơn nữ.
Lát sau, tiếng hát chấm dứt. Không biết họ đã làm gì với nhau. Tôn giả Mahāpāla
suy nghĩ: “Ta vừa nghe tiếng hát luyến láy, véo von, lả lơi như gọi tình, rõ ràng là
của một cô con gái nào đó tuổi đang còn xuân trẻ. Tại sao khi Tế Hộ bỏ đi một lát
thì âm thanh kia lại ngưng lặng một cách khả nghi như thế?”
Chợt nghĩ đến lời đức Phật dạy: “Này các tỳ-khưu! Như Lai biết chắc, là trên thế
gian này, không có âm thanh nào có năng lực chiếm đoạt trái tim của người nam
bằng âm thanh của người nữ”. Thế là Tôn giả đoán chắc, ông sa-di đã phá giới rồi!
Ngay lúc ấy, cái gốc gậy đưa đến tay tôn giả rồi một tiếng nói thoảng bên tai: - Sư cậu, bây giờ chúng ta lên đường thôi!
Tôn giả không nắm gậy, nghiêm sắc mặt: - Nãy giờ ông đi đâu?
- Cháu… cháu đi một chốc thôi mà!
- Mắt ta đui nhưng tâm ta sáng! Ông đang mặc y mà vừa làm điều xấu xa, hoen
ố, không thể giấu ta được đâu! - Cháu… cháu…
- Không cậu không cháu gì nữa hết. Con người ông đã dơ uế. Ta không nắm gậy
của một kẻ dơ uế như ngươi!
Sa-di Tế Hộ cũng là kẻ không quen nói dối, và ông ta cũng không hề biện bác gì
cho mình, lặng lẽ cởi y, chỉ quàng sơ trên mình một tấm vải rồi nói: - Cậu trách cháu đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Cháu đâu có muốn xuất gia, vì
thương cậu nên cháu mới xuất gia. Xuất gia để có tăng tướng chỉ để dẫn cậu về quê
mà thôi. Bây giờ cháu đã xả y rồi đó, cậu nên để cháu dẫn đi! - Không, không bao giờ ta đi cùng ngươi nữa. Cứ để mặc ta.
Tế Hộ năn nỉ: - Còn nhiều khoảng rừng lắm thú dữ và phi nhơn, sư cậu lại mù loà, nguy hiểm
lắm! - Đừng lo cho ta. Ta sẽ lần mò từng bước một. Phi nhơn và thú dữ có thể xé xác
ta, nhưng cái tâm phạm hạnh của ta thì chúng làm gì được!
Nói thế xong, xúc động chánh pháp, tôn giả lại đọc lên liên tiếp hai bài kệ:
Dẫu đường xa nguy hiểm
Tối tăm, đôi mắt mù
Thà thân này nằm xuống
Không đi cùng người ngu!
Dẫu đường xa nguy hiểm
Tối tăm, đôi mắt mù
Thà thân này chết gục
Không đi cùng người ngu!”
Nghe qua hai bài kệ, Tế Hộ vô cùng hoảng sợ, hối hận vô cùng, cất tiếng than
dài: “Ôi! Vì đam mê nhục dục, vì bị quyến rũ nhất thời, trong cái tâm trong sáng
của cậu ta, ta là kẻ xấu xa đê tiện đến như thế ư? Ta là người ngu ư?” Tế Hộ ôm
mặt, khóc ròng rã rồi bỏ chạy mất dạng.
Trong lúc ấy, tại cung trời Đao Lợi, Đế Thích thiên chủ thấy bảo tọa của mình
nóng ran lên, ông tự nhủ: “A! Có kẻ nào dưới trần thế có dã tâm truất phế ngôi vị
thiên chủ để chiếm ngai vàng của ta đây!”
Nghĩ thế xong, Đế Thích dùng thiên nhãn rà soát nhân gian, và câu chuyện của
hai cậu cháu tôn giả Mahāpāla hiện ra trong võng lưới của ông. “Ồ, ta phải giúp đỡ
vị sa-môn phạm hạnh nầy – Đế Thích nghĩ tiếp – Nếu không, cái đầu của ta sẽ nứt
bể thành bảy mảnh đấy!”
Thế rồi, giả dạng một thường nhân, Đế Thích hiện xuống ngay bên cạnh, dẫm
mạnh bước chân trên đất nghe thành tiếng.
Tôn giả Mahāpāla hỏi: – Ai đấy? - Tôi, tôi đây! Chỉ là một khách lữ hành.
- Ra là một thiện nam. Vậy ông đi đâu đó?
- Tôi trên đường về kinh thành Sāvatthi.
- Vậy thì ông bạn cứ đi đi. Chúc đường xa mạnh giỏi.
- Cảm ơn! Thế tôn giả đi về đâu?
- Ta cũng đến nơi đó, ông bạn!
- Thế thì hay quá, chúng ta cùng chung đường. Ngài hãy đi cùng tôi cho vui.
- Mắt ta bị mù. Ta sẽ gây nhiều khó chịu, phiền phức cho ông bạn lắm, không
nên đâu. - Không sao mà! Tôi cũng là kẻ nhàn hạ, thảnh thơi, chẳng có việc gì phải gấp
gáp. Vả lại, ngài biết không, sống giữa cuộc đời, thỉnh thoảng cũng nên làm một vài
việc lành để nương tựa cho mai sau! Thôi, không lý sự nữa, hãy đi cùng tôi để tôi
còn bòn được chút ít phước báu chứ!
“Hóa ra là một người tốt, một quý nhân rất hiểu biết, có tấm lòng lại còn có đức
khiêm tốn nữa!” – Nghĩ thế xong, tôn giả đáp: - Vậy thì tốt! Ta sẽ làm phiền thiện hữu đó! Hãy cầm lấy đầu gậy của ta.
Đế Thích cầm đầu gậy, dùng phép thâu ngắn đường, nên mới đi chưa được bao
lâu, kinh thành Sāvatthi đã hiện ra. Tôn giả Mahāpāla nghiêng tai lắng nghe tiếng
người cười nói lao xao, tiếng xe ngựa, xe bò, tiếng rao hàng, tiếng âm nhạc vọng ra
từ đền tế… ngạc nhiên, cất tiếng hỏi: - Những âm thanh này rất quen thuộc, chẳng lẽ chúng ta đã tới một thành phố?
- Đúng vậy, thưa tôn giả! Chúng ta đã về tới kinh thành Sāvatthi rồi đó.
- Lẽ nào như vậy được?
- Vâng, vì tôi biết một con đường tắt, thưa ngài sa-môn.
Tôn giả Mahāpāla tự nghĩ:
“Đây đúng là việc làm của một vị trời nhiều oai lực, nhưng mà người ta muốn
ẩn danh!”
Bèn nói: – Vô cùng tri ân thiện hữu!
Đế Thích dẫn Mahāpāla đến tịnh thất mà trưởng giả Cullapāla làm sẵn, vào bên
trong, nắm tay dìu tôn giả ngồi xuống trên nệm cỏ rồi biến mất. Đế Thích lại biến
hình thành một người bạn thân của trưởng giả Cullapāla, tìm đến nhà, kêu lớn
ngoài cửa: - Cullapāla ơi! Cullapāla ơi!
- Chi vậy, ông bạn?
- Mừng cho bạn. Thế là anh em lại được trùng phùng!
- Chuyện gì?
- Hóa ra bạn chưa biết sao? Tôi vừa thấy ông sư Mahāpāla đang ngồi nơi tịnh
thất của bạn đó!
Trưởng giả hay tin như thế, tức tốc bươn bả đi đến tịnh thất, nhưng ngạc nhiên,
khi quay lại thì ông bạn kia đã biến đi đâu mất. Đến nơi, thấy tôn giả Mahāpāla gầy
ốm, xanh xao, hai con mắt sâu đen mà không kềm chế được cảm xúc, cứ ôm chân
ông anh mà khóc ròng rã.
Tôn giả Mahāpāla mỉm cười: - Ông đã khóc xong chưa?
- Em thương sư anh quá!
- Ngược lại, ta lại thương em còn hơn thế nữa. Mắt ta mù nhưng tâm ta sáng, ta
thấy đường đi lối về, còn em thì vẫn đang con mịt mù trong đêm đen sinh tử. Hãy
cố gắng sống đời một cận sự hiền thiện em nhé! - Thưa vâng! Em sẽ không làm sư anh thất vọng đâu.
- Ừ, vậy là tốt!
Im lặng một lát, tôn giả Mahāpāla kể lại chuyện Tế Hộ rồi nói: - Vì lý do ấy, ta đã đuổi nó đi, em có phiền lòng không?
- Không! Nó đã tỏ ra không xứng đáng. Nó phải được dạy bảo nghiêm khắc hơn
nữa kìa! - Cảm ơn em!
Sau cuộc nói chuyện ấy, trưởng giả Cullapāla thu xếp cho hai thiếu niên gia nhân
được xuất gia sa-di, ở bên cạnh tôn giả để chăm lo mọi sự. Ngày ngày, cả hai đi trì
bình khất thực, dành một phần để dâng lên tôn giả, thì giờ còn lại, họ làm mọi việc
trong ngoài như những đầy tớ trai cần mẫn nhất. Thương tình thân phận của cả hai,
tôn giả Mahāpāla thường nói pháp và luật, giảng dạy nhưng bước sơ cơ cho họ tu
tập. Lâu lâu, tôn giả nhờ họ dẫn đường vào Kỳ Viên tịnh xá để đảnh lễ đức Phật và
vấn an sức khỏe của ngài.
Sáu mươi vị A-la-hán bạn cũ, thỉnh thoảng ghé thăm, thấy tôn giả Mahāpāla có
người em quý báu, chăm lo cho như vậy cũng yên tâm.
Hôm nọ, có một nhóm tỳ-khưu phương xa đến, nghe tiếng tôn giả tu hành tinh
tấn quyết đắc quả A-la-hán đến nỗi bị mù mắt nên họ dự định ghé thăm nhân vật
có ý chí sắt đá ấy. Tuy nhiên, một trận mưa lớn đã tạo nên trở ngại nên họ hẹn nhau
vào sáng hôm sau.
Tôn giả Mahāpāla, theo lệ thường, do tinh tấn đã trở thành thói quên nên sáng
sớm tinh sương nào, ngài cũng đi kinh hành trên lối mòn xung quanh cốc. Tuy
nhiên, ngài không biết là do trận mưa đêm qua đã làm cho những con mối cả đàn
cả lũ rụng cánh đầy trên đất. Lại nữa, có những vũng nước ngập làm cho giun ngộp
thở nên chúng cũng bò loằn ngoằn lên những đám đất khô ráo. Tôn giả của chúng
ta cứ vô tư lui tới nên dẫm đạp chúng chết la liệt trên đường kinh hành. Những vị
tỳ-khưu phương xa đến nhằm lúc hai sư sa-di chưa quét dọn kịp. Họ hỏi vị sa-di: - Ai vừa đi kinh hành trên con đường này?
- Thưa, thầy của chúng tôi, tôn giả Mahāpāla!
Họ la toáng lên: - Coi kìa! Chư hiền giả hãy coi hành trạng của ông sư mắt mù này? Ông ta đã
giết hại không biết bao nhiêu là chúng hữu tình.
Sự việc, sau đó được chư tăng phản ánh lại với đức Phật, ngài hỏi: - Các ông có thấy tận mắt ông sư Mahāpāla giết những con mối và những con
giun ấy không? - Thưa, không thấy.
- Các ông không thấy như thế nào thì “con trai” của Như Lai không thấy cũng y
như thế. Các bậc lậu tận không bao giờ còn tư tác, còn cố ý, chủ ý giết hại bất kỳ
một chúng sanh nào. Ngoài ra, con trai của Như Lai còn để lại một bài học về phạm
hạnh, tròn sáng, không tỳ vết như mảnh trăng trong giữa bầu trời quang rạng
không mây!
Hội chúng yên lặng như để thấu hiểu sự xác định của đức Tôn Sư rằng, tư tác
(cetanā) là nghiệp, không có tư tác không có nghiệp; lát sau có vị hỏi: - Tôn giả Mahāpāla có nhân duyên sâu dày, có căn lành vi diệu mới đắc được
đạo quả A-la-hán, nhưng tại sao còn bị quả mù mắt, bạch đức Thế Tôn? - Nhân nào thì quả nấy, này chư tỳ-khưu!
Do đại chúng tò mò không biết nghiệp quá khứ của tôn giả Mahāpāla như thế
nào nên đức Phật đã vén bức màn sinh tử như sau:
“- Vào một thuở xa xưa, có một ông y sĩ du phương, đi khắp các nơi từ thành thị
đến thôn quê để hành nghề nuôi mạng. Hôm nọ, gặp một phụ nữ đau mắt, ông hỏi: - Có phải mắt của bà chị có vấn đề phải không?
- Thưa phải! Tôi bị xốn xang, đau nhức, ngại rằng đến lúc nào đó tôi sẽ không
còn thấy đường nữa.
Sau khi xem xét một hồi, vị y sĩ nói: - Nếu tôi chữa trị lành mắt cho bà chị – thì vấn đề trả tiền công như thế nào?
Người đàn bà mau mắn nói: - Ối, trời ơi! Nếu thầy mà chữa lành mắt cho tôi thì tôi tình nguyện đưa cả con
gái đến làm tôi mọi cho thầy suốt đời. - Được lắm! Cứ hứa thế nhé! Đừng thất hứa đó.
Nói thế xong, vị y sĩ liền bào chế tức khắc một loại thuốc nước rỏ mắt trao cho
người đàn bà. Kỳ diệu làm sao, về nhà, bà chỉ cần rỏ vào mắt một lần thì mắt liền
sáng, không còn xốn xang, đau nhức nữa.
Bần thần, bà suy nghĩ: “Mình đã trót hứa đem cả con gái đến nhà ông ta làm tôi
đòi, nhưng e rồi sẽ không tránh khỏi bị hành hạ, ngược đãi. Chi bằng mình kiếm
lời tráo trở phủ nhận chuyện ấy là xong!”
Khi vị y sĩ đến nhà thăm bệnh tình, hỏi rằng: “Mắt bà chị hôm nay ra sao?”
Người đàn bà đáp: “Lúc trước thì chỉ đau sơ sơ, nhưng khi rỏ thuốc của thầy rồi
thì nó đau nhức hơn thế nữa. Thầy báo hại tôi rồi!”
Vị y sĩ do biết thuốc mình bào chế là thuốc thần, lại nữa, tinh mắt quan sát thì
biết ngay sự tráo trở của mụ ta, bèn nghĩ: “Ta không cần tiền công của mụ, nhưng
tâm địa dối láo ấy sẽ bị trổ quả, ta sẽ làm cho đôi mắt của mụ ta đui mù luôn!”
Bèn nói:
“- Nếu vậy thì tôi sẽ đổi cho bà chị một loại thuốc thần diệu hơn, loại thuốc này
không những mắt sáng mà còn sáng hơn mắt của người bình thường nữa”. Thế rồi,
ngay tại chỗ, vị y sĩ bào chế thuốc mới và trao cho người đàn bà với nụ cười:
“- Chịu khó nhỏ vào mắt chỉ một lần thôi cũng phát sanh hiệu quả”.
Và đúng là hiệu quả thật! Sau khi người đàn bà nhỏ vào mắt mình loại thuốc
mới ấy – thì mắt bà liền bị tối tăm vĩnh viễn.
Này chư tỳ-khưu! Vị y sĩ thuở xưa chính là Mahāpāla hiện nay đó! Cái nghiệp
ác xưa làm mù mắt người, nó cứ đeo đẳng, chạy đuổi mãi theo con trai của Như Lai
từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến tận bây giờ. Nó không chịu buông tha đâu.
Nghiệp ác luôn chạy theo người làm ác giống như bánh xe luôn luôn lăn theo sau
lưng con bò kéo xe vậy.
Rồi đức Thế Tôn kết thúc bằng bài kệ:
Các pháp, tư tác dẫn đầu
Tư tác, chủ ý bắc cầu đưa duyên
Nói, làm xấu ác, chẳng hiền
Bánh xe bò kéo, khổ liền theo sau!
(Trích “Một Cuộc Đời – Một Vầng Nhật Nguyệt”)
Minh Đức – Triều Tâm Ảnh
CÁI GÌ “CAO HƠN TRỜI, NẶNG HƠN ĐẤT”?
CÁI GÌ “CAO HƠN TRỜI, NẶNG HƠN ĐẤT”?
Người xưa thường lấy những sự vật xung quanh đời sống con người để so
sánh, đối chiếu, ước lượng với một điều gì đó. Như trời xanh để ước lượng về
sự cao thấp, như địa cầu để so sánh với nặng nhẹ, như gió cuốn để đối chiếu
với sự nhanh chậm, như cỏ cây chen chúc để nói về số lượng ít nhiều. Dù
không mấy chính xác so với các đơn vị đo lường hiện đại nhưng cách tiếp cận
của người xưa lại gần gũi, dễ liên tưởng và hình dung hơn.
Khi một vị trời hỏi Thế Tôn về vật gì mà ‘cao hơn trời, nặng hơn đất, nhanh
hơn gió và nhiều hơn cỏ’, Ngài đã nhanh chóng trả lời rằng ‘giới nặng hơn đất,
mạn cao hơn trời, hồi tưởng nhanh hơn gió và tư tưởng nhiều hơn cỏ’.
Trời hỏi cũng rất hay và Phật đáp cũng khéo vô cùng. Không chỉ khéo, lời
đáp của Thế Tôn còn mang ý nghĩa đặc biệt, gợi lên những ý chỉ sâu xa về sự
tu học, hiểu rõ mình hơn để chuyển hóa tâm thành tựu giới-định-tuệ.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật,
đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp
vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:
Vật gì nặng hơn đất?
Vật gì cao hơn không?
Vật gì nhanh hơn gió?
Vật gì nhiều hơn cỏ?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Giới đức nặng hơn đất
Mạn cao hơn hư không
Hồi tưởng nhanh hơn gió
Tư tưởng nhiều hơn cỏ.
Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn
Đã đạt Bát-niết-bàn
Qua rồi mọi sợ hãi
Vượt hẳn đời ái ân.
Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân
Phật, liền biến mất”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1298)
Thế Tôn khẳng định ‘giới đức nặng hơn đất’. Địa cầu với sơn hà đại địa là
nền tảng để mọi sự mọi vật nương vào, đứng vững, vươn cao. Giới đức nặng
hơn địa cầu, vì giới là nền tảng của mọi thiện pháp. Chỉ cần có giới, nương tựa
vào giới tất nhiên người con Phật có đầy đủ tư cách đạo đức làm người, làm
trời, làm Thánh cho đến làm Phật.
Mạn chính là ngã mạn, cống cao, không xem ai ra gì, ta là số một. Thế Tôn
dạy ‘Mạn cao hơn hư không’, cao hơn cả trời. Thế mới biết chấp thủ tự ngã,
dính mắc vào cái tôi và của tôi rất khủng khiếp, chót vót tận trời xanh. Mọi
khổ đau, trở ngại đều có nguồn gốc từ sự chấp ngã này.
Nhớ nghĩ về một điều gì đã xảy ra trong quá khứ gọi là hồi tưởng. Chỉ một
sát-na hồi tưởng lập tức quá khứ hiện về, nhanh chóng đến độ gần như tức
thì. Xem ra gió lốc chậm chạp hơn rất nhiều lần so với tâm hồi ức của con
người. Vì nhanh chóng như vậy nên con người hay hồi tưởng về quá khứ rồi
vui buồn theo, chìm đắm trong quá khứ mà bỏ quên hiện tại.
Tâm hành, suy nghĩ, nghĩ tưởng nói chung dấy khởi liên tục trong tâm nên
Thế Tôn dạy ‘Tư tưởng nhiều hơn cỏ’. Những ai từng ra ngoài thiên nhiên
ruộng đồng sẽ thấy rằng cỏ cây ken kín mặt đất. Vì tâm nghĩ tưởng mông lung
bất tận nên kinh điển thường dụ như ngựa phi ngoài thảo nguyên, như khỉ
chuyền cành trong rừng rậm. Ở đây, tư tưởng được ví như cỏ dại tràn lan.
Vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức chính là những ý niệm này.
Thấy rõ, giới là nền tảng nên vun bồi gốc giới. Biết ngã mạn cao ngút trời
nên giảm bớt tự mãn cống cao. Hiểu những hoài niệm vụt đến nhanh hơn gió
cuốn nên giữ tâm chánh niệm. Nhận ra tâm vọng dấy khởi dày như cỏ dại nên
lắng đọng và tịnh trừ.
QUẢNG TÁNH
PHƯỚC TRÍ TUỆ
(Một lần, nhân có người hỏi về nguyên nhân gì mà tôn giả A Nan có trí nhớ
siêu việt, đa văn đệ nhất như vậy, Đức Phật liền kể lại kiếp quá khứ.)
Thời xưa, trải vô số kiếp trước có một ngôi chùa lớn; trong chùa có
hơn ngàn vị Sa-môn ở đó tu học. Hằng ngày có vài trăm chú Sa-di
khuất thực để cúng dường chúng Tăng. Thầy dạy mỗi chú một ngày
phải cúng một đấu gạo và phải học thuộc một bài kệ.
Có một chú Sa-di vào phố thị khất thực, chú vừa đi vừa nhẩm học
bài kệ. Trong phố có một vị Hiền giả, thấy Sa-di vừa đi vừa nhẩm học
bài kệ, Hiền giả đảnh lễ, hỏi:
–Đạo nhân vừa đi vừa nói gì vậy?
Chú Sa-di ấy thưa rằng:
–Tôi vừa đi khất thực để cúng dường chúng Tăng, vừa phải học
thuộc một bài kệ.
Hiền giả lại hỏi:
–Nếu chú không vướng bận việc gì cả thì tụng thuộc bao nhiêu kệ.
Thưa rằng:
–Có thể thuộc hơn mười bài kệ.
Lại hỏi:
–Chú phải khất thực bao nhiêu ngày?
Chú thưa:
–Trong chín mươi ngày phải cung cấp chín mươi đấu gạo.
Hiền giả thưa với Đạo nhân:
–Chú hãy trở về chùa yên tâm lo học kinh kệ, tôi sẽ giúp cho chú
cung cấp số gạo đó.
Chú Sa-di nghe Hiền giả nói vậy rất vui mừng. Hiền giả liền đem
chín mươi đấu gạo cúng dường. Chú mang về thưa thầy, rồi nộp cho
chúng Tăng xin đóng cửa học kệ, tụng kinh.
Trải qua ba tháng, chú ấy đã học thuộc một ngàn bốn trăm bài kệ,
chú thưa với thầy:
–Con học kệ đã xong. Bây giờ, con xin đến nhà thí chủ tụng những
bài kệ đó để nhờ kiểm tra lại.
Thầy hoan hỷ chấp nhận. Đến nhà Hiền giả, chú thưa:
–Nhờ thí chủ trợ duyên nên tôi được yên ổn, tụng kinh, học kệ. Nay
việc học kệ đã xong, tôi đến đây xin đọc để đạo hữu nghe.
Chú Sa-di đọc kệ, văn cú lưu loát, không vấp váp trở ngại. Hiền giả
nghe qua rất vui vẻ, cúi đầu đảnh lễ, thưa:
–Nguyện cho tôi đời sau thông minh, hiểu biết rộng rãi, thấu đáo,
nghe nhiều không quên.
Phật dạy:
–Hiền giả thời ấy nay là Đại đức A-nan.
Nhờ làm việc phúc đức nên vị Hiền giả này đời đời sáng suốt, hiểu
biết, nhớ dai, đến khi gặp Phật ra đời được làm đệ tử thị giả cho Đức
Thế Tôn, đặc biệt riêng ngài là vị đệ tử biện thuyết thông suốt, nghe
nhiều vào bậc nhất.
Luận rằng:
Nếu có người phàm hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của một câu kinh, miệng
đọc tụng, tâm nghĩ nhớ thì ba độc, bốn ma, tám vạn cửa trần cấu, sớm
muộn thảy đều tan rã, huống gì người tu hành rộng thâu thập các pháp
giải thoát để làm cầu đò cho tất cả chúng sinh.
Còn người hết lòng khuyến khích, hỗ trợ cho người tu học, là được
công đức lớn, nếu người ấy có ý chí hoặc cầu nguyện gì đều được
thành tựu. Đó là nương vào phước báo mà được vậy.
(Trích : CHÚNG KINH TUYỂN TẠP THÍ DỤ
Sưu tập: Tỳ-kheo Đạo Lược.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.)
LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY – 02
“Mỗi sáng, người chăn bò cầm gậy lùa bò ra đồng cho ăn, chờ bò lớn để
giết thịt.
Mỗi ngày, thời gian cầm trên tay chiếc gậy vô thường đẩy con người đi,
nuôi con người lớn, rồi đem cái già cái chết đến tàn phá họ.” (1)
Có kẻ tự làm mình già đi trong khi thời gian vẫn chưa kịp mang tuổi già
đến đặt lên vai họ; chúng ta sẽ bắt đầu già đi rất nhanh khi chỉ còn biết
mang những hối tiếc từ những việc làm đã qua thay thế cho những ước
mơ phía trước.
Có kẻ tự biến mình thành một kẻ dư thừa với cuộc sống và dư thừa với
những người chung quanh, khi chỉ còn biết dốc lòng vun vén và sống cho
mỗi riêng mình, kẻ đó như đang tự xóa bỏ mình trong mắt trong lòng
người khác trong khi thời gian vẫn còn chưa mang cái chết đến để xóa bỏ
họ.
Có kẻ tự phá nát cuộc đời mình bằng những suy nghĩ và hành động
không tốt trong khi thời gian vẫn còn chưa kịp ra tay để làm điều đó.
Thời gian với chiếc gậy vô thường đầy quyền năng trên tay sẽ xóa bỏ
hết cả loài người, không chừa một ai, không tránh né người nào, nhưng dù
tàn bạo đến đâu thời gian vẫn không đáng sợ bằng những kẻ không biết
tự thương lấy mình, vì trước khi xóa bỏ một người, thời gian luôn cho họ
có được một cơ hội để sống; nhưng với một kẻ không biết tự thương lấy
bản thân, họ hoàn toàn không cho mình bất kì một cơ hội nào.
Để sống được một cuộc đời chỉ chết một lần thôi không phải là chuyện
dễ. Om Mani Padme Hum.
Người ngủ an
Vô Thường – Núi 6.1.2021
[1] Nguyên Hán văn: 譬人操杖,行牧食牛;老死猶然,亦養命去。Dòng thứ 15, 16,
khung thứ nhất, trang 559, bộ kinh mang mã số 0210, 法句經, tập 4 大正新脩大藏經。
P/s: Này Người! Đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con của Phật.
NHƯ LAI – BẬC NÓI LỜI CHÂN THẬT
NHƯ LAI – BẬC NÓI LỜI CHÂN THẬT
Đức Phật, Như Lai là bậc Giác ngộ, đấng Toàn giác, “tự giác, giác
tha, giác hạnh viên mãn”. Toàn giác còn có nghĩa là Như Lai biết hết
mọi chuyện từ quá khứ, hiện tại, cho đến vị lai.
Tuy nhiên, khi còn tại thế, đối với những câu hỏi liên quan đến
các phạm trù siêu hình và quyền năng, Đức Phật đều im lặng. Chính
sự im lặng này của Đức Phật mà đương thời dấy lên nhiều nghi vấn
“Sa-môn Cù-đàm biết suốt việc trong đời quá khứ, nhưng không biết
việc trong đời vị lai”.
Thực ra những câu hỏi có tính siêu hình thì Như Lai không quan
tâm, vì cho rằng đó là hý luận. Theo Ngài, việc cần thiết nhất cho
chúng sinh là nhận thức sự khổ và tìm phương pháp diệt khổ. Ngài
thường lấy ví dụ như người bị trúng tên thì việc cần làm là rút mũi
tên ấy ra rồi cấp tốc chữa trị. Trong khi chờ chết mà truy tìm nguồn
gốc của mũi tên, do ai bắn, được làm từ chất liệu gì… thì không thực
tiễn và chẳng thông minh. Nên những cật vấn của ngoại đạo về việc
Như Lai có biết về quá khứ, vị lai hay không, Ngài thường im lặng.
“Một thời, Phật ở tại nước Ca-duy-la-vệ, trong khu rừng của Ưubà-
tắc Miến-kỳ, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 1.250 người…
Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
Hoặc có Phạm chí ngoại đạo nói như vậy: Sa-môn Cù-đàm biết
suốt việc trong đời quá khứ, nhưng không biết việc trong đời vị lai.
Tỳ-kheo kia, cùng Phạm chí dị học kia, trí tuệ khác nhau, trí quán
cũng khác, nên lời nói hư dối. Như Lai đối với việc quá khứ kia,
không gì không thấy biết, rõ như ở trước mắt. Đối với đời vị lai, Như
Lai có trí tuệ phát sanh từ đạo. Việc trong đời quá khứ vốn hư dối
không thật, không đáng vui thích, không lợi ích gì, Như Lai không
ghi nhận. Hoặc việc quá khứ có thật, nhưng không đáng ưa thích,
không ích lợi gì, Phật cũng không ghi nhận. Nếu việc quá khứ có thật,
đáng ưa, nhưng không lợi ích, Phật cũng không ghi nhận. Nếu việc
quá khứ có thật, đáng ưa, có lợi ích, Như Lai biết suốt, sau đó mới
ghi nhận. Vị lai, hiện tại, cũng vậy.
Như Lai đối với quá khứ, vị lai, hiện tại, nói đúng thời, nói sự thật,
nói có nghĩa, có lợi, nói đúng pháp, đúng luật, không có lời hư dối.
Phật từ đêm đầu tiên thành Vô thượng Chánh giác cho đến đêm cuối
cùng, trong khoảng giữa, có nói điều gì, thảy đều như thật; do đó gọi
là Như Lai.
Lại nữa, những điều Như Lai nói đúng như sự; sự đúng như lời;
do đó gọi là Như Lai”.
(trích Kinh Trường A-hàm, kinh Thanh tịnh, số 17)
Ở pháp thoại này, khi được hỏi về vấn đề siêu hình thì Như Lai
không im lặng nữa mà nói rõ:
“Nếu việc quá khứ có thật, đáng ưa, có lợi ích, Như Lai biết suốt,
sau đó mới ghi nhận. Vị lai, hiện tại, cũng vậy”.
Rõ ràng Ngài biết hết quá khứ, hiện tại, vị lai nhưng chỉ ghi nhận
và nói ra những việc “có thật, đáng ưa, có lợi ích” mà thôi. Điều này
cũng giống như người thông minh biết sàng lọc thông tin trong thời
hiện đại. Chỉ chọn những thông tin gì “có thật, đáng ưa và có lợi ích”
mới tiếp nhận, còn lại tin rác đều buông hết, không quan tâm.
Vì có chọn lọc, chỉ ghi nhận và nói ra những việc “có thật, đáng
ưa và có lợi ích” nên Như Lai “từ đêm đầu tiên thành Vô thượng
Chánh giác cho đến đêm cuối cùng, trong khoảng giữa, có nói điều
gì, thảy đều như thật; do đó gọi là Như Lai”.
Nên Như Lai là bậc nói lời chân thật, nói lên sự thật, lợi ích hữu
tình. Đó cũng là lý do hơn 2.500 năm sau, những lời dạy của Ngài
vẫn là chân lý, và hàng đệ tử không cần chỉnh sửa hay uốn nắn giáo
pháp cho phù hợp với thời đại và khoa học.
Quảng Tánh