Là Phật Tử

Tỳ Kheo Thích Phước Hội

Có nhiều người tự xưng là phật-tử nhưng khi có người hỏi thế nào là phật-tử thì lại trả lời quanh quẩn không đâu vào đâu, đôi khi còn làm cho người ta hoài nghi chê cười nữa.  Để trở thành một phật-tử chân chánh, trước nhất, phải có quan niệm nhận định rõ đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo.  Chánh đạo để theo, tà đạo để tránh.  Phải có tâm thành cầu đạo, phải biết rõ người Phật tử sống với tâm hạnh nào và phải có bổn phận gì v.v…

Cuộc sống ở đời ai cũng có bổn phận.  Bổn phận cha con, bổn phận vợ chồng, bổn phận thầy trò, bổn phận công dân v.v….  Người có tín ngưỡng tôn giáo phải có bổn phận tín đồ, đệ tử.  Tóm lại, ở trên cõi đời này, sống trong cương vị nào thì có bổn phận trong cương vị đó.  Nếu không có ý thức về bổn phận của mình thì chẳng khác gì loài cỏ cây hoa lá.  Như vậy muốn trở thành người phật-tử chân chánh phải dùng trí tuệ xét đoán chọn cho mình một tín ngưỡng làm lý tưởng cho đời sống, không lệ thuộc tình cảm, danh lợi, dòng tộc đặt định.

Đạo Phật là đạo chánh tín.  Người theo đạo Phật phải đặt niềm tin vào sự thật, tin đúng chánh pháp để khỏi rơi vào tà thuyết ma đạo.  Ta phải xem tôn giáo nào siêu việt làm cho con người khai trí giác ngộ giải thoát, tôn giáo nào mê tín dị đoan cuồn si ích kỷ.  Ta còn dùng trí tuệ để phân tích nền giáo lý và những lời dạy của vị giáo chủ có khả năng đưa nhân loại đến cứu cánh chân-thiện-mỹ an vui tịnh lạc không?  Phải có trí tuệ để soi đường cho lý tưởng và giữ vững lập trường ngõ hầu thoát khỏi sự ràng buộc tình cảm lôi kéo.

Đức Phật nói: “Tin Ta mà không hiểu Ta thì sẽ hủy báng Ta.”   Là người phật-tử còn phải học hỏi giáo lý của đức Phật để đúng đường tu hành đạt thành đạo quả, nếu không học Phật thì chỉ là tu mù chẳng đem lại lợi ích gì cho bản thân mà còn rơi vào hố thẳm tà đạo.  Nếu muống trở thành người phật-tử chân chánh phải quy y Tam Bảo.  Tam Bảo nghĩa là “Ba ngôi báu.”

Một người phật-tử được gọi là phật-tử thì trước phải thọ tam quy.  Tam quy tức là quy y Tam Bảo, nghĩa là quay về nương tựa và sống theo ba ngôi báu là Phật, Pháp, Tăng. Phật (Buddha) là đấng giác ngộ hoàn toàn.  Pháp (Dharma) là giáo lý, phương pháp diệt khổ được vui.  Tăng (Shanga) là đoàn thể hòa hợp, hành trì chánh pháp của Phật.  Người phật-tử quy y Tam-bảo là người tránh xa sự tà vạy, si mê, nguyện trọn đời nương về và sống theo Tam-bảo, quyết không tin theo đạo giáo khác.

Tam-bảo có thể phân chia thành ba bậc như sau:

  1. Đồng thể Tam-bảo: còn gọi là nhất thể Tam-bảo, đồng tướng Tam-bảo
  2. Phật bảo: Phật và chúng sanh đồng một lý thể giác chiếu.   Bản thể chân lý sáng suốt hoàn toàn
  3. Pháp bảo: Phật và chúng sanh đồng một pháp tánh, viên mãn thường trụ và bình đẳng
  4. Tăng bảo: Phật và chúng sanh đồng một thể tánh hòa hợp thanh tịnh
  5. Biệt thể Tam-bảo: còn gọi là chân thực Tam-bảo, xuất thế Tam-bảo
  6. Phật bảo: Pháp thân, báo thân, hóa thân của Phật, như đức Phật Thích Ca Mâu Ni
  7. Pháp bảo: Chánh pháp của Phật như tam học, tứ đế, lục độ v.v…
  8. Tăng bảo: Các vị thánh tăng, Bồ-tát tăng v.v…
  9. Trụ trì Tam-bảo
  10. Phật bảo: Tượng, tranh tượng Phật
  11. Pháp bảo: Kinh, luật, luận, tam tạng thánh giáo của Phật
  12. Tăng bảo: Các vị tăng sĩ

Người phật-tử quy y Tam-bảo, hiểu rõ ý nghĩa tam bảo như thực tu hành, thoát ly khỏi các nơi khổ não được tới cảnh giới giải thoát niết bàn.

(Tiếp theo kỳ sau)

Advertisement