ĐẠI HUỆ TÔNG CẢO THIỀN SƯ
Sư thăng tòa đốt hương rằng : “Nén hương này thấy được thì con mắt khô, ngửi được thì bộ óc nứt. Gặp quí thì giá bằng cõi Ta-bà, gặp tiện thì rẻ hơn đồng xu. Hôm nay trước mặt Trời người đốt hương trong lư, dùng để thù đáp Pháp-nhủ của Ân-sư (Viên Ngộ)”. Nói xong an tọa.
Đệ-tử thượng thủ bạch dùi rằng :
– Chúng long tượng trong Pháp-hội nên quán Đệ-nhất-nghĩa-đế… Kế đó trải qua nhiều lời giải đáp cho các Tăng tấp nập ra hỏi nhưng vẫn cón nhiều Tăng giành ra hỏi nữa, Sư cho tạm ngưng rồi nói :
– Giả sử cả Đại-địa đều nghiền thành vi trần, mỗi vi trần đều có một miệng, mỗi miệng đều đủ tướng lưỡi rộng dài, mỗi lưỡi đều đủ tướng âm thanh sai biệt, mỗi tướng âm thanh sai biệt đều có vô lượng lời nói sai biệt, mỗi lời nói đều có vô lượng lời nói sai biệt, mỗi lời nói đều có vô lượng diệu-nghĩa sai biệt. Có nạp Tăng nhiều như số bụi trần kể trên, mỗi Tăng đều có miệng như thế, có lưỡi như thế, có âm thanh như thế, có diệu-nghĩa như thế, cùng một lượt đề ra muôn ngàn vấn nạn đều khác biệt, chỉ cần Sơn Tăng tằng hắng một tiếng thì nhất thời giải đáp xong. Ngay lúc ấy còn làm thêm vô lượng vô biên quảng đại Phật-sự, mỗi mỗi Phật-sự đều cùng khắp Pháp-giới, gọi là một lỗ chân lông hiện vô lượng thần biến, tất cả Phật đồng thời thuyết Kinh, nơi vô lượng kiếp cũng chẳng tìm được bờ bến, dù được như thế đi, cho là môn đình náo nhiệt thì được, nếu dùng Chánh-nhãn mà xem thì chính là nghiệp-thức mang mang, chẳng có nguồn gốc để căn cứ. Theo cửa Thiền của Tổ-sư, một chút cũng dùng không được, huống là bày đặt văn chương để hiển lộ biện tài, chẳng những chôn vùi truyền thống Thiền-tông từ xưa nay, mà còn làm cho nạp-tăng cười bể lỗ mũi. Cho nên nói, một mảy may hệ-niệm thì rơi vào tam ác đạo, tình-thức bỗng sanh thì muôn kiếp bị trói, danh hiệu Thánh phàm đều là tiếng hư vọng. Hình tướng xấu đẹp đều là ảo sắc. Ngươi muốn tìm cầu lại thêm lao nhọc. Nếu là nhàm chán lại thành họa lớn. Thử xem Cổ-đức dạy bảo như thế. Như binh khí của nhà nước bất đắc dĩ mới đem dùng, trên bổn phận của nạp-tăng cũng không có việc này. Sơn-tăng hôm nay nói ra như thế cũng như không mộng mà thuyết mộng, trên da lành mà tự cắt làm sẹo. Kiểm điểm ra thực là đáng ăn gậy. Trong Chúng có ai đáng mặt cầm gậy hạ độc thủ chăng ? Nếu có thì xứng đáng báo được cái ơn chẳng thể báo, cùng nhau thu nhiếp sự Giáo-hoá của vô-vi. Nếu không thì lệnh này đảo ngược rồi vậy.
Sư bỗng cầm gậy lên rằng : Dùng bảo kiếm hành Chánh-lệnh. Hoàn-vũ thái bình chém si ngoan (si mê và ngoan cố). Xong, Sư hét một tiếng.
Tiếp đó, Sư kể chuyện :
Có quan Thường-thị họ Vương thăm ngài Lâm Tế, hai người cùng nhau đến Tăng-đường.
Thường-thị hỏi : Cả nhà Tăng này có xem Kinh chẳng ?
Lâm Tế đáp : Chẳng xem Kinh.
Thường-thị hỏi : Có học thiền chăng ?
Lâm Tế đáp : Chẳng học thiền.
Thường-thị hỏi : Kinh chẳng xem, thiền chẳng học. Rốt cuộc làm việc gì ?
Lâm Tế đáp : Trọn bảo họ làm Phật làm Tổ.
Thường-thị nói : Mạt vàng dù quí, vào mắt thành bệnh, lại là thế nào ?
Lâm Tế nói : “Ta nói ông chính là người tục.”
Xong, Sư (Đại Huệ) nói : Lão Lâm Tế cầm một cây bảo kiếm, sức mạnh khắp vũ trụ, hoành hành khắp thiên hạ. Vô cớ bị ông Quan này đánh nhẹ một cái liền thấy băng tan ngói bể. Xin nói thử ông Quan này có gì hay ?
Nghe bài Tụng đây :
Thế, xuất thế gian việc hi hữu.
Phát minh cần nhờ người đã ngộ.
Chỉ dùng bàn tay vá áo rách,
Để chuyển Như-lai Chánh-pháp-luân.
Sư thăng tòa nói : Đại-đạo chỉ ở trước mắt, lại nơi trước mắt khó thấy, muốn biết chân thể Đại-đạo, chẳng lìa ngôn ngữ thanh sắc.
Sư giơ gậy rằng : Cái này là sắc.
Tiếp theo, Sư gõ thiền sàng rằng : Cái này là thanh. Sơn-tăng hôm nay miệng nhóp nhép là ngôn ngữ.
Vậy cái nào là Chân-thể của Đại-đạo ?
Kế đó, Sư hét lên một tiếng rồi nói :
Tức thấy nghe này chẳng thấy nghe.
Chẳng còn thanh sắc để trình ông.
Trong đó nếu thấu vốn vô-sự.
Thể dụng không ngại phân, chẳng phân.
Nếu mà phân thì “Mưa xuống ướt trên đất, mưa tạnh mặt trời ra. Tháng thiếu hai mươi chín, tháng đủ có ba mươi”. Nếu mà chẳng phân thì “Kim Cang chà lưng ông Địa một cái liền lòi xương.”
Cổ-đức nói : “Một câu cuối cùng mới đến Lao-quan. Đóng chặt quan ải chẳng thông phàm Thánh”. Thế nào là một câu cuối cùng ?
Sư tự nói tiếp : Chớ nên nói mơ.
Đoạn Sư gõ thiền-sàng một cái, rồi xuống tòa.