TA TRỒNG HOA, ĐÂU PHẢI ĐỂ TỨC GIẬN


Một vị lão hòa thượng trồng một chậu hoa lan, ông rất chăm sóc và bảo
vệ chậu hoa thanh nhã này, thường xuyên tưới nước, nhổ cỏ và bắt sâu cho
nó. Hoa lan dưới sự chăm chút hết lòng của lão hòa thượng mà lớn lên khỏe
mạnh và trổ hoa rất thanh tú.
Một lần, lão hòa thượng phải đi ra ngoài có việc một thời gian, ông liền
đem chậu hoa lan giao lại cho tiểu hòa thượng nhờ chăm sóc.
Chú tiểu rất có trách nhiệm, cũng một lòng để tâm chăm sóc, nâng niu
hoa lan như lão hòa thượng vẫn làm khiến hoa lan phát triển rất khỏe mạnh.
Một hôm, tiểu hòa thượng sau khi đã tưới nước cho chậu hoa lan liền đặt
nó ở trên bệ cửa sổ rồi đi ra ngoài làm việc.
Không ngờ, trời đổ mưa to, gió lớn làm chậu hoa lan rơi xuống đất vỡ tan.
Chú tiểu sau khi trở về nhà nhìn thấy trên mặt đất cành lá gãy nát, héo úa
nên vừa đau lòng vừa lo sợ lão hòa thượng sẽ quở trách.
Mấy ngày sau, lão hòa thượng trở về nhà, chú tiểu kể lại sự tình đã xảy
ra và cũng sẵn sàng đón nhận sự trách mắng của lão hòa thượng.
Nhưng lão hòa thượng chẳng nói một lời nào quở trách nào cả khiến chú
tiểu vô cùng bất ngờ, vì đó là chậu hoa lan mà ông yêu quý nhất mà!
Lão hòa thượng chỉ mỉm cười rồi nói với tiểu hòa thượng rằng:
“Ta trồng hoa lan, đâu phải để tức giận?”
Chỉ một câu nói đơn giản nhưng lão hòa thượng đã thể hiện ra một thái
độ sống đầy độ lượng, một người có tấm lòng bao dung rộng lớn.
Chúng ta làm việc không phải để tức giận… Chúng ta yêu thương nhau
không phải để tức giận…
Thứ gì đó một khi bị mất đi không thể vãn hồi được nữa có nhất thiết
phải oán trách hay thù hận không?

Advertisement

THỞ VÀ SỰ SỐNG

Như đã kể khi còn bé, tôi đã bị bệnh hen suyễn. Tôi vẫn nhớ lúc bốn năm tuổi, tôi đã biết không thở được là khổ như thế nào. Phải ngồi dậy để dễ thở và phải gắng sức hít vào cho đỡ mệt. Thế nên khi lớn hơn, tôi đã đọc nhiều bài viết về bệnh suyễn, trong đó có cách dạy thở. Tôi nhớ một bài báo đã chỉ cách đặt một ngọn nến đang cháy cách xa để mình thổi tắt. Cứ để xa dần và lấy hơi thật dài rồi thổi cho tắt nến.

Dần dần tôi nhận ra sự hít hơi vào thật dài tác động đến các cơ vòng ở họng khiến chúng bớt xẹp đi. Xẹp có nghĩa là đường thở bị bít lại.

Nhớ lại năm 1980, sau một thời gian vất vả vì việc nhà việc trường, tôi đã bị thiếu ngủ trầm trọng và hậu quả là huyết áp xuống còn 90/60 trong khi nhịp tim luôn ở mức 100. Đi khám bệnh vì bị thêm chứng sưng đầu gối. Bác sĩ bộ đội chẩn đoán tôi bị rối loạn nhịp tim kèm theo tê thấp nên cho nằm bệnh viện một tháng. Sau đó ra Hội đồng giám định Y khoa và buộc phải nghỉ dạy vì mất sức lao động 71%. 

Nghỉ ở nhà buồn thiu mà vẫn phải làm việc nhà vì tôi là phụ nữ duy nhất trong nhà toàn cụ già và con nít. Lúc nào cũng cảm thấy ớn lạnh và nghẹt mũi không thở được. Chụp hình thì không phải viêm xoang – sinus mà chỉ là dị ứng thời tiết, lạnh nóng gì cũng nghẹt. Vừa lúc đó tôi biết ở Viện Y học Dân tộc có mở khoá dưỡng sinh theo phương pháp của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng.

Tôi không biết là gì nhưng nghe nói sẽ chữa được nhiều bệnh nên tôi ghi tên học.

Bài học đầu tiên là về phương pháp thở.  Câu đầu tiên Bác sĩ nói là hầu hết con người ta không biết thở. Ai cũng cười nhưng sau đó mọi người đều công nhận muốn khỏe mạnh không phải chỉ biết hít vào thở ra mà phải nhận biết hơi thở của mình và theo dõi hơi thở luân chuyển trong cơ thể mình. Rồi tập cách thở đúng, hít thở hơi dài, chậm, cùng với sự cảm nhận được hơi thở mình đi từ mũi vào ngực xuống bụng rồi lại từ bụng đi ra mũi.

Hôm đầu tiên thực hành tập thở. Mọi người đều nằm xuống trừ…tôi.

Một nữ bác sĩ nói:

– Em kia sao vẫn ngồi vậy ?

Tôi trả lời:

– Em nghẹt mũi nên nằm xuống càng không thở được.”

Một chị phụ tá liền xuống chỗ tôi. Chị nói tôi cứ nằm xuống. Rồi chị day hai bên mũi tôi và bảo cố gắng hít vào thở ra. Vài phút sau tôi thấy mũi mình bớt nghẹt và cảm giác hơi thở đi qua mũi dễ dàng hơn. Chị ấy nói khi về cứ tiếp tục day huyệt cạnh mũi như vậy nhiều lần sẽ hết nghẹt mũi. Quả đúng thế. Trong suốt ba tháng học cách luyện thở cùng các động tác thể dục dưỡng sinh và day bấm huyệt trên cơ thể. Riêng tôi thì luôn phải nhớ thêm việc day huyệt cạnh mũi, tôi thấy bệnh nghẹt mũi của tôi bớt dần và rồi hết hẳn cho tới bây giờ.

Quay trở lại việc “biết thở”. Chính ra tôi đã biết cách thở theo thể dục thông thường nghĩa là hít vào bằng mũi nở ngực và thở ra bằng miệng xẹp ngực. Bụng không được để ý tới, hay nói đúng hơn tập thể dục thì bụng luôn xẹp vì mình muốn eo thon bụng nhỏ. Khi đi học Trưng Vương, năm đệ ngũ và đệ tứ chúng tôi được học ở sân vận động Phan đình Phùng. Học xong tôi đi loanh quanh sân thì thấy có phòng tập thể dục thẩm mỹ. Bây giờ giống như thể dục dụng cụ. Tôi thích nên hỏi thăm và xin học. Tập rất vui, có đủ bóng, tạ, xà. Cô hướng dẫn là cô Vĩnh, người xinh xắn, da trắng mũi cao, có cặp đùi rất đẹp. Cô vui tính nhưng cũng nghiêm túc khi dạy. Cô rất tinh mắt, nhìn học trò cô biết phải tập với dụng cụ gì cho có hiệu quả đối với từng người. Và tôi đã quen với cách thở trong tập thể dục thẩm mỹ.

Bác sĩ Nguyễn văn Hưởng là người đầu tiên chỉ dẫn cho tôi cách thở bốn thì , ngược hẳn với thở của thế dục thể thao. Hít vào, nín thở, thở ra, nín thở.

Hít vào từ từ phồng ngực phồng bụng.

Nín thở. Khi thở ra cũng chầm chậm và cũng xẹp bụng rồi xẹp ngực.

Trong bài này tôi không dám chỉ dẫn vì bản thân cũng chỉ là người đi học. Điều tôi muốn nói ở đây là cách thở này rất tốt trong việc phòng chống Covid. Sau khi tập, chúng ta sẽ có hơi thở dài hơn, nhịp tim sẽ chậm lại và ít bị hụt hơi. Khi nhiễm Covid và biết cách thở đúng thì sẽ tự cung cấp đủ oxy cho phổi. Lẽ dĩ nhiên còn tuỳ mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Tuy nhiên biết cách thở thì sẽ hỗ trợ cho việc hít thở oxy. Ngay cả các mạng xã hội cũng phổ biến các bài tập thở. Nếu mình đã biết trước cách thở đúng như thế nào thì áp dụng các bài tập đó rất nhanh và hiệu quả. Đừng đợi nước đến chân mới nhảy. Các Bạn hãy bắt đầu tập các bài luyện thở đó. Không những trong đại dịch mà khi nó đã bớt tác hại, chúng ta vẫn phải tập thở vì như lúc tôi mới học dưỡng sinh tôi mới nhận ra đúng là người ta không biết thở mặc dù vẫn thở mỗi ngày. Biết thở đúng cách, biết tập thể dục là những phương pháp dễ thực hiện hàng ngày. Cái khó mà chúng ta phải vượt qua là nó đòi hỏi sự kiên trì và chăm chỉ. 

Tóm lại, thở là sự sống. Cho nên biết cách thở đúng sẽ làm cuộc sống tốt hơn. Thở kết hợp với vận động thân thể khiến ta khỏe mạnh hơn, ít bệnh lặt vặt.

Thở đúng khiến hơi thở dài, nhịp tim chậm lại, đều hơn.

Thở đúng khiến phổi được cung cấp đủ oxy và thải ra nhiều khí carbonic.

Thở đúng cách khiến các đốt cột sống không xẹp lại.

Thở đúng khiến bao tử bớt đau.

Chừng đó cũng cho thấy cuộc sống vui hơn nhờ tập thở kết hợp vận động thể dục :  yoga, dưỡng sinh, Dịch cân kinh, Thái cực quyền.

Nói như vậy không phải cái gì tôi cũng rành. Thực tình mỗi thứ đều đã thử tập qua và đến một tuổi nào đó thì chỉ tập những gì hợp với tuổi và sức khỏe của mình. Thế cũng đủ để cơ thể dẻo dai và có sức chịu đựng.

Mong bài viết này sẽ khuyến khích nhiều Bạn tập thở và tập thể dục nhiều hơn hay ít ra sẽ năng vận động thân thể hơn để tạo thêm kháng thể phòng ngừa bệnh tật.

Chúc mọi người luôn bình an và vui vẻ với nhịp thở :

       –  Hít vào Tâm tôi an, thở ra Thân tôi lành.

SỐNG THẬT VỚI MÌNH

Ngày nay người ta thường hay nhắc nhiều đến vấn đề hãy biết sống thật với chính mình!

Có người bạn chia sẻ với tôi rằng, anh ta bao giờ cũng “cố gắng để sống thật với những cảm xúc của mình”, vì anh nghĩ nghệ thuật sống hạnh phúc là ta phải biết sống thật với những gì mình nghĩ, mình cảm xúc, be true to yourself!

Nhưng thế nào là sống thật với chính mình bạn hả? Con người thật của ta là một con người như thế nào, ta có biết không?

Cái thật là cái đẹp và thiện lành

Tôi thì nghĩ, trước khi chúng ta muốn sống thật ta hãy tập sống thiện trước. Ở giữa một đời sống tương đối này thì những gì là thật chưa chắc đã là thiện, nhưng cái thiện thì bao giờ cũng là cái thật.

Ý tôi muốn nói, cái thật tự chính nó chưa chắc đã mang lại ích lợi cho ta. Một con dao là một con dao, một lời nói là một lời nói! Đó là sự thật. Nhưng ta làm gì với con dao đó, với lời nói ấy, mà nó có thể mang lợi ích đến cho mình và người khác hay không! Và đó mới là điều quan trọng.

Tôi nghĩ, trên con đường tu học, cái thật (chân, truth) phải còn cần được đi chung với cái tốt lành (thiện, wholesomeness) và cái đẹp nữa (mỹ, beauty), nó mới thật sự là cái thật. Như đức Phật dạy chúng ta lúc nào cũng hãy chọn nói sự thật, sử dụng chánh ngữ. Nhưng Ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng, thật ra nói sự thật (chân) vẫn chưa đủ! Ta cũng còn cần phải nói đúng lúc, những gì ta nói phải mang lại lợi ích cho người nghe (thiện), và ta phải biết dùng lời nói dễ thương và từ ái nữa (mỹ).

Và theo bạn nghĩ, chúng ta có cần nên sống thật với những ý nghĩ và cảm xúc của mình không? Điều ấy nghe qua thì dường như có vẽ rất hay và hợp lý, nhưng nếu nhìn cho sâu sắc hơn, ta sẽ thấy rằng thật ra việc ấy cũng chỉ đúng một phần nào thôi.

Vấn đề là ta sẽ “sống thật” như thế nào đây? Vì những cảm xúc của ta luôn thay đổi, mà những gì thay đổi thì chúng không thể là mãi thật như ta nghĩ. Ta đâu thể nào sống thật với một cái gì mà tự chúng là không thật!

Vì vậy, tôi nghĩ “sống thật với mình” là một ý niệm dễ bị hiểu lầm, mà đôi khi lại còn gây nhiều tai hại và đổ vỡ cho mình và người chung quanh, nếu đó là những cảm xúc bắt nguồn từ tự ái, sân hận, hơn thua… nằm sâu kín trong ta. Tình cảm bao giờ cũng có một năng lượng thúc đẩy rất mãnh liệt, nó có công năng kềm chế và sai xử ta rất lớn.

Bớt dục vọng và thêm tình thương.

Tôi nghĩ, đôi khi thay vì “sống thật” với những cảm xúc của mình, ta hãy chuyển hóa chúng bằng cách nhận diện và buông xả, với một tâm từ ái.

Trong quyển Ánh Đạo Vàng, cụ Võ Đình Cường có kể một câu chuyện sau đây.

“Có lần trên đường tầm đạo sau khi theo đuổi con đường tu khổ hạnh, một ngày nọ Phật kiệt sức, ngài được một cô thiếu nữ, Tu-xà-đa, đến dâng cho một bát cháo sữa. Sau khi dùng xong bát cháo sữa ấy, Phật lấy lại sức khoẻ, ngài hỏi cô Tu-xà-đa

– Hôm nay ta nhờ bát cháo sữa của người mà được mạnh khoẻ như xưa, công ơn ấy ta biết lấy gì đền đáp lại cho người?

Cô Tu-Xà-đa đáp:

– Thưa ngài! Lòng con là một đoá hoa lan nhỏ bé, chỉ vài giọt sương mai là đủ để tươi thắm rồi. Con không có một mong ước tham cầu nào hết. Con sống không đòi hỏi cũng không từ chối: thản nhiên nhận lấy mọi việc không may xảy đến cho con, không oán trách cũng không trốn tránh. Nhưng bao giờ con cũng tin chắc rằng những điều xảy đến ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay, vì như con đã thấy, những việc ác sẽ gây họa, và những việc thiện sẽ gây phúc. Một hạt giống tốt sẽ mang lại một chuỗi hạt lúa vàng. Luật sống của con chỉ tóm tắt trong hai điều này mà thôi: bớt dục vọng và thêm tình thương.

Ðức Phật mỉm cười bảo:

– Những gì người nói rất đích đáng. Sự hiểu biết của người không cần kinh sách. Người đi trúng đường không cần ai chỉ bảo, như con bồ câu bay trúng hướng một cách tự nhiên. Nhưng trong nhân loại, đếm được mấy người hiểu và sống như thế? Và biết bao người cần phải có kẻ chỉ dẫn! Chính vì thế mà ta đi tìm đạo. Thôi người hãy về đi. Ta chúc người làm tròn phận sự của người. Còn ta, ta sẽ làm tròn phận sự của kẻ đi tìm phương giải thoát cho nhân loại.”

“Luật sống của con chỉ tóm tắt trong hai điều này: bớt dục vọng và thêm tình thương.” Mà tôi nghĩ luật sống ấy là một lối sống thiện. Thật ra, chúng ta không mấy ai biết được con người thật của mình, nhưng tôi tin nó không phải là những tham lam, giận hờn, nhỏ nhen của dục vọng. Vì mỗi khi ta có nhiều tình thương và biết tha thứ cho mình, và người chung quanh, ta lại cảm thấy hạnh phúc hơn, ta lại càng cảm thấy mình chân thật hơn!

Sống thật là sống thiện.

Chúng ta không thể nào sống thật với mình nếu không có cái thiện. Thánh St. Francis de Sales có viết “Be who you are, and be that well”, tôi nghĩ ông cũng cùng chia sẻ một ý đó: be that well.

Hãy sống thật với mình bằng cách sống thiện. Mà thật ra cái thiện không có một khuôn mẫu nhất định nào hết. Nó cần được khám phá bằng chánh niệm, tỉnh giác và một thái độ từ ái. Những gì thiện và tốt lành thì bao giờ cũng có một năng lượng rất to tát, nó có thể chuyển hóa và chữa lành những thương tích lớn trong ta.

Và đôi khi ta không cần làm việc gì lớn lao hết, chỉ cần sống thiện với chính mình thôi, là ta cũng đang chuyển hóa được khổ đau của cuộc đời này rồi. Bạn có nghĩ vậy không?

Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên

MỞ LÒNG

Thói đời thường không quan tâm bạn đã chịu bao nhiêu ấm ức, cũng chẳng cần biết đến những gian khó nhọc nhằn, thứ người ta chú ý chỉ là kết quả bạn có thể cống hiến.

Vì thế mỗi khi gặp mưa gió cuộc đời, chỉ cần dặn bản thân rằng: đi qua vùng giông bão, mặt trời tự nhiên sẽ xuất hiện. Đừng mất công than ngắn thở dài trước mặt người khác. Bởi có nói, họ cũng chẳng bận tâm đâu!

Có một số việc, buông xuống được sẽ cảm thấy nhẹ nhàng; Có một số người, chợt nhớ đến cũng làm ta hạnh phúc; Một vài niềm đau, nghĩ thông suốt sẽ giúp mình mạnh mẽ.

Khi quá bận tâm vào một vấn đề, sẽ khiến mình nghĩ quẩn không thôi. Thật ra sự việc dù đơn giản đến đâu, nếu suy nghĩ quá nhiều cũng trở nên phức tạp.

Chỉ cần giữ một tâm thái điềm tĩnh, một tấm lòng mở rộng thì việc gì đến cũng sẽ đơn giản và nhẹ nhàng qua đi, để lại những tháng ngày bình yên cho cuộc sống.  | Suối Thông lược dịch |

Người bình yên nhất là người biết trân trọng mọi thứ, kể cả nỗi buồn.

Người đi xa nhất là người biết nhặt lấy từng nỗi buồn, nhặt lấy từng nghịch cảnh nghịch duyên rồi đốt cháy chúng để làm năng lượng cho cuộc hành trình phía trước.

Người thương cuộc sống nhất là người thương được cả từng nỗi đau.

Tôi thích nghe những người ngược giông ngược gió để trở về ngồi thật yên dưới hiên chùa kể chuyện, nghe những thứ đã làm họ tổn thương, nghe cách họ chuyển hóa chúng thành thứ có ích cho cuộc sống của mình.

Làm gì có cuộc đời nào không có nỗi buồn, làm gì có một cuộc đời bình yên, chỉ có trái tim bình yên thôi.

Người ngày mới thật an.

Vô Thường.  Núi. Ngày cũ.

Om Mani Padme Hum.

MẶT TRỜI và MẶT TRĂNG – CÁI NÀO QUAN TRỌNG HƠN ?

*Có một câu chuyện kể rằng: Một ngày nọ, có một người hỏi một vị lão tiên sinh, mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn?*
Vị lão tiên sinh kia suy nghĩ nửa ngày, mới trả lời: *“Là mặt trăng, mặt trăng quan trọng hơn”. “tại sao?”*
*“Bởi vì mặt trăng chiếu sáng vào ban đêm, đó là thời điểm chúng ta cần ánh sáng nhất, còn mặt trời lại chiếu sáng vào ban ngày mà ban ngày chúng ta đã có đủ ánh sáng rồi.”*

Bạn có lẽ sẽ cười vị lão tiên sinh này là hồ đồ, nhưng mà bạn không biết là có rất nhiều người cũng nghĩ như thế sao? Người mà hàng ngày chăm sóc bạn, bạn cũng không cảm nhận được điều gì cả? Nhưng nếu là một người xa lạ ngẫu nhiên giúp đỡ bạn, bạn sẽ cho rằng đó là một người tốt, cha mẹ và người thân của bạn luôn luôn vì bạn mà hy sinh, mà đánh đổi nhưng bạn lại cảm thấy đó là việc đương nhiên, thậm chí có khi còn thấy phiền toái. Một khi người ngoài làm một việc na ná như thế thì bạn lại sẽ hết sức cảm kích.
Đây chẳng phải là giống như đã hồ đồ *“cảm kích ánh trăng mà phủ nhận mặt trời”* hay sao?

Truyện kể:
* Một cô gái đã có một cuộc tranh cãi với mẹ của mình, tức giận đến mức tông cửa chạy ra ngoài và quyết định không bao giờ trở về ngôi nhà chán ghét này nữa. Cô đã đi lang thang cả ngày ở bên ngoài, đến lúc bụng đói cồn cào, nhưng lại không có một đồng tiền nào, mà lại không muốn trở về nhà để ăn cơm. Mãi đến lúc trời tối, cô mới đi vào một quán mì, ngửi thấy mùi mì thơm tỏa ra. Cô thực sự rất muốn được ăn một bát, nhưng trên người không có tiền, chỉ có thể liên tục nuốt nước miếng.

Bỗng nhiên, ông chủ quán mì ân cần hỏi han: *“Cháu gái, cháu có muốn ăn mì không?”*, cô gái ngượng ngùng trả lời: *“à, nhưng mà, cháu không mang tiền”*.
Ông chủ nghe xong cười to: *“haha, không sao cả, hôm nay cứ coi như bác mời cháu đi!”*

Cô gái quả thực không thể tin vào lỗ tai mình, cô ngồi xuống, ngay lúc đó, một bát mì được mang ra, cô ăn say sưa, và nói:
*“Bác chủ quán, bác thật là một người tốt!”*
Ông chủ quán nói,:* “Ồ, sao cháu lại nói vậy?”*, cô gái trả lời: *“Chúng ta vốn không quen biết nhau, bác lại đối xử tốt với cháu như vậy, không giống như mẹ của cháu, hoàn toàn không hiểu được những nhu cầu và ý nghĩ của cháu, thật là bực mình!”*

Ông chủ quán lại cười:* “haha, cháu gái, bác chẳng qua mới chỉ cho cháu một bát mì thôi, mà cháu đã cảm kích bác như thế, thế mà mẹ của cháu đã nấu cơm cho cháu hai mươi mấy năm nay, cháu chẳng phải là càng nên cảm kích mẹ của cháu hay sao?”*

Nghe ông chủ quán nói xong, cô gái như tỉnh giấc mơ, lập tức nước mắt trào ra, cô bỏ mặc nửa bát mì còn lại mà vội vàng chạy về nhà.
Mới đến ngõ trước cổng nhà, cô đã nhìn thấy bóng mẹ xa xa, đang lo lắng nhìn quanh bốn phía cổng ra vào, trái tim cô như thắt lại, cô cảm thấy muốn nói một ngàn lần một vạn lần lời xin lỗi với mẹ của mình. Nhưng cô còn chưa kịp mở miệng thì mẹ của cô đã nghênh đón và nói:* “trời ơi, con cả ngày đã đi đâu thế này? Mau mau, đi vào nhà rửa chân tay, ăn cơm tối đi.”*
Tối hôm đó, cô gái mới cảm nhận được sâu sắc tình yêu của mẹ đối với mình.

Khi đã quen với sự hiện diện của mặt trời, mọi người đã quên mất là nó đem lại cho mọi người ánh sáng, khi đã quen với sự chăm sóc của người thân, mọi người thường quên mất họ đã cho mình sự ấm cúng, một người quen được chăm sóc từng li từng tí thì ngược lại sẽ không thấy biết ơn, vì họ cho rằng, ban ngày đã đủ ánh sáng rồi, cho nên mặt trời là dư thừa, không cần thiết.
Hy vọng trong chúng ta mỗi người đều biết mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn.

Trong cuộc sống thực tại, chúng ta thường hay không để mắt đến những điều mình đã có, cho rằng chúng là lẽ đương nhiên, không có gì quan trọng với mình, mà lại đi phàn nàn số phận bất công, như thể là thế giới này thiếu nợ chúng ta rất nhiều thứ vậy.

Kỳ thực, biết ơn cũng là một loại thái độ tích cực của cuộc sống, đúng như một số người đã nói: *“Hãy cảm ơn người đã làm bạn tổn thương bởi vì họ là người đã tôi luyện ý chí của bạn, hãy cảm ơn người đã lừa dối bạn bởi vì họ đã làm phong phú thêm kinh nghiệm của bạn, hãy cảm ơn người đã coi thường bạn bởi vì họ đã làm thức tỉnh lòng tự tôn của bạn…”*.
Cần phải mang một tấm lòng biết ơn, biết ơn số phận, biết ơn hết thảy những người đã giúp bạn trưởng thành, biết ơn hết thảy những gì ở xung quanh mình.
Để có một tấm lòng biết ơn, yêu cầu chúng ta cần phải để tâm quan sát, dụng tâm cảm ngộ, càng cần chúng ta phải biết yêu thương. Cỏ cây sinh trưởng phát triển mạnh mẽ là để báo đáp ân huệ của mặt trời mùa xuân, chim chóc liều mình kiếm ăn là để báo đáp ân huệ được nuôi nấng, cây mạ phát triển khỏe mạnh là để báo đáp ân huệ của dòng nước mát, con cái cố gắng học tập là để báo đáp công ơn sinh thành và dạy dỗ của cha mẹ.

Hãy học cách biết ơn đi! Khi bạn cảm ơn cuộc đời, cuộc đời sẽ ban thưởng cho bạn ánh nắng mặt trời rực rỡ. Bạn oán trách trời đất, khả năng cuối cùng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi! Không phải vậy sao? Mây cuốn mây bay, hoa nở hoa tàn đều đáng để chúng ta quý trọng, cảm ơn mặt trăng, càng cần phải cảm ơn mặt trời!

ST

MANG THEO LÒNG CHÂN THÀNH

Tôi đã từng đọc đâu đó những dòng như thế này:

Cuộc sống có nhiều ngã rẽ, sau mỗi ngã rẽ, người ta lại mất đi một vài người, thôi không đi chung nữa. Ở ngã rẽ mới, có những người mới, bước vào, đi cùng.

Chẳng mấy ai có được một người bạn đi chung với mình đến cuối chân trời, sau bao nhiêu khúc quanh, sau bao nhiêu ngã rẽ vẫn còn đi chung với nhau là quá khó.

Không thể mãi mang theo bên mình một người bạn, nhưng có thể mang theo bên mình lòng chân thành, thứ đã giúp mình biến một người xa lạ thành một người bạn ngày trước, ở khúc quanh mới, ở ngã rẽ mới, lòng chân thành mang theo đó lại biến một người xa lạ mới thành một người quen.

Mỗi ngày trôi qua, ta cất lại điều gì trong tim mình?

Ta để lại những gì trong tim người khác?

Ta gởi lại điều gì trên những nơi đã đi qua?

Ta đánh dấu một ngày đã sống bằng màu nào?

Bạn nói tôi nghe đi…

Đôi khi, chỉ cần nghe 1 lời chân thành giữa người với người thôi cũng thấy vui dù biết lời chân thành ấy không phải nói với mình.

Có đủ lòng chân thành tất sẽ có bình yên…

KHÔNG SO ĐO VỚI KẺ TIỂU NHÂN, Chẳng vương vấn chuyện từng đổ vỡ


So đo tính toán là nhược điểm trong nhân tính của con người mà ai ai
cũng biết. Thói quen hạn hẹp và nhỏ bé này kỳ thực lại có thể hạn chế tầm
nhìn của một người rất nhiều.
Có câu: “Áo tơi mưa khói mặc bình sinh”. Làm thế nào mới có thể khiến
tính cách không so đo tính toán trở thành một phẩm chất của bản thân mình?
Nhân cách của một người quyết định vận mệnh của người ấy. Những ai
muốn thành công đều cần có một tính cách tốt. So đo tính toán lại là một
khuyết điểm trong tính cách con người, nó chính là hòn đá buộc chân chúng
ta trong công việc, cuộc sống và cả sự nghiệp.
Cổ ngữ có câu: “Hạ trùng bất khả ngữ băng.” Tạm dịch: Chẳng thể đàm
luận về băng giá với côn trùng mùa hạ, ý rằng chẳng thể đàm luận chuyện
trời cao biển rộng với chú ếch ngồi nơi đáy giếng. Kẻ tiểu nhân khác với
người bình thường, họ sẽ không từ thủ đoạn để đạt được mục đích của mình,
có thù tất báo, không màng đến bất kỳ nguyên tắc nào. Bởi vì họ không có
phong độ, lại càng không có khí chất, nên cách tốt nhất chính là không so đo
tính toán với họ.
Cổ nhân cũng dạy rằng:
“Thân hiền nhân, viễn tiểu nhân”, nghĩa là hãy thân với người hiền mà
tránh xa kẻ tiểu nhân. Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng tránh giao thiệp
với kẻ tiểu nhân. Nếu chẳng thể tránh xa thì nhất định đừng quá để tâm đến
họ, cũng nên cẩn thận khi giao thiệp với họ.
Quách Tử Nghi đời Đường một lần nọ lâm bệnh nằm ở nhà. Quan ngự
sử Lư Kỷ tới nơi thăm hỏi, Quách Tử Nghi bèn cho toàn bộ nữ nhân trong
nhà lui xuống, một mình tiếp đãi Lư Kỷ. Sau khi Lư Kỷ rời đi, rất nhiều
người không hiểu, hỏi vì sao lại bảo họ rời đi.
Quách Tử Nghi nói rằng:

  • Lư Kỷ người này tướng mạo xấu xí, các ngươi gặp rồi sẽ không thể nhịn
    cười. Ông ta lòng dạ hẹp hòi, có thù tất báo. Nếu sau này Ông ta nắm đại
    quyền thì cả nhà chúng ta chắc chắn sẽ bị báo thù. Vậy nên không nên chiêu
    mời những điều bất hảo.
    Quả nhiên sau này Lư Kỷ lên ngôi đã báo thù khắp lượt những vị đại thần
    đã đắc tội với mình, chỉ duy có gia đình Quách Tử Nghi thoát nạn.
    Danh tướng Quách Tử Nghi thời nhà Đường
    Không so đo với kẻ tiểu nhân, có phong thái cao đã đành rồi. Nhưng thực
    ra trong cuộc sống, gặp chuyện được mất thiệt hơn, dù là đối với ai, bản thân
    cũng không nên toan tính quá mức. Trong “Hậu Hán Thư” có một câu
    chuyện có tên “Đừng quan tâm tới cái nồi đất vỡ” như sau:
    Một người tên Mạnh Mẫn đang đi trên đường thì bất cẩn đánh rơi cái nồi
    đất, nhưng Ông cũng chẳng thèm ngoái đầu nhìn lại mà đi thẳng. Quách
    Thái thấy lạ, bèn hỏi Ông vì sao nhìn mà như không thấy?
    Mạnh Mẫn nói rằng:
  • Đã rơi vỡ rồi thì nhìn nó có ích gì, lẽ nào có thể dán lại hay sao?
    Trên thế gian này có rất nhiều chuyện xảy ra thì đã xảy ra rồi, đau thương,
    hối hận cũng là điều vô ích, mãi khổ sở vấn vương, chẳng chịu buông tay
    chỉ đày ải bản thân mà thôi.
    Chuyện với đồ vật đã là như vậy mà chuyện với người cũng lại như thế.
    Chuyện đã xảy ra rồi thì còn tính toán thiệt hơn làm chi?
    Chuyện xưa Tô Thức – Tô Đông Pha nhiều lần bị Chương Đôn hãm hại,
    Ông lần lượt bị giáng chức tới Hoàng Châu, Huệ Châu, Đam Châu, cả đời
    phiêu bạt nơi chân trời, góc bể. Thậm chí trước khi tới Đam Châu, Ông còn
    chuẩn bị xong quan tài cho mình. Nhưng sau này Tô Thức được đại xá,
    hoàng thượng triệu Ông hồi kinh.
    Chương Đôn sợ Ông báo thù, bèn cho con trai viết một bức thư, hy vọng
    Tô Thức có thể khai ân tha cho mình một con đường sống.
    Tô Thức chỉ nói một câu:
  • Nói nữa thì có ích chi, sự tình cũng đã qua rồi, đừng nhắc lại nữa.
    Tô Đông Pha
    Luôn so tính thiệt hơn với kẻ tiểu nhân thì bản thân cũng chỉ có thể trở
    thành kẻ tiểu nhân mà thôi. Trái tim có giới hạn, vậy nên có thể buông bỏ
    oán hận mới có thể dung chứa tình yêu. Không so đo tính toán thiệt hơn với
    kẻ tiểu nhân, kỳ thực chính là giải thoát cho chính mình.
    Tô Thức nếu cứ mãi để bụng chuyện bị hãm hại thì có lẽ sẽ chết vì tức
    giận.
    Ấy vậy mà trong bài thơ “Định phong ba”, Ông lại viết:
    Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh,
    Hà phương ngâm khiếu thả từ hành.
    Trúc trượng mang hài khinh thắng mã,
    Thuỳ phạ!
    Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh.
    Dịch thơ:
    Rừng động đừng nghe chuyển lá cành,
    Ngâm nga chậm bước chẳng đi nhanh.
    Gậy trúc giầy rơm say chếnh choáng,
    Nào ngán!
    Áo tơi mưa khói mặc bình sinh.
    Tuyển tập từ Trung Hoa – Nhật Bản, Nguyễn Chí Viễn,
    NXB Văn hoá – Thông tin, 1996
    Tô Thức buông bỏ những chuyện tranh giành đấu đá nơi quan trường mà
    thưởng ngoạn cảnh vật đất Hoàng Châu, dạy học giáo hoá con người. Ông
    đã khai mở một vùng trời mới cho mảnh đất Hoàng Châu và chính bản thân
    mình.
    Cổ nhân có câu: “Dịch định giả vô cảm, dịch cảm giả vô định”
    Tạm dịch: Người dễ kiên định thường vô cảm, người dễ xúc cảm khó kiên
    định.
    Chỉ những người không so đo chuyện cũ mới có thể thực sự định được
    cái Tâm. Tinh lực của mỗi người chúng ta đều hữu hạn, cứ mãi vấn vương,
    hối hận, nuối tiếc chi bằng tập trung tinh lực, làm tốt việc của mình thì hơn.
    Một vài người khá thành công thường thích nhận sai trong những chuyện
    nhỏ. Nếu có thể nhẫn họ sẽ nhẫn, nếu có thể nhường họ sẽ nhường. Đây
    không phải là vì họ nhu nhược bất tài, mà là vì họ cảm thấy, sinh mệnh xứng
    đáng toả sáng trong những điều tốt đẹp hơn.
    Theo Sound of Hope – Thiên Cầm biên dịch