DƯỜNG NHƯ THIỆN MÀ ÁC, DƯỜNG NHƯ ÁC MÀ THIỆN


Hồi nhỏ, đọc câu chuyện này làm tôi suy nghĩ. Có một ông thầy đi ngang
cây cổ thụ, một đứa trẻ rắn mắt ngồi trên cây, chờ ông tới thì tiểu trên đầu
ông. Ông thầy kêu đứa bé xuống và cho nó hai quan tiền. Thằng nhỏ lấy làm
lạ, tiểu lên đầu mà lại cho tiền, nó đâu biết đó là một ông thầy ác. Thằng nhỏ
được cho tiền như vậy, nên sau đó nó thấy ông quan đi ngang, nghĩ rằng
chắc ông này giàu, mình tiểu lên đầu ổng thì ổng sẽ cho tiền nhiều hơn; và
rồi chuyện gì đã xảy ra thì ai cũng biết…

  • Coi chừng cái tốt ẩn cái xấu là mượn tay người khác để giết người. Lòng
    thương người, lòng trắc ẩn thì khác. Nếu thầy này tốt thiệt thì phải dạy thằng
    bé, thậm chí đánh đòn nó để nó hiểu rằng nó đã làm lỗi, sau không được
    phạm lỗi như vậy.
  • Có câu chuyện tiền thân Phật tu làm Sa-môn hiền lành, muông thú
    thường tới vây quanh Ngài. Một hôm, Ngài rời bỏ nơi này đi giáo hóa nơi
    khác, muông thú đến với Ngài như thường lệ thì Ngài đánh đuổi chúng.
    Người ngoài trông thấy nói ông thầy này ác. Phật nói rằng vì Ta thương mà
    đánh đuổi chúng, để khi Ta rời nơi này, người khác tới mà chúng không biết,
    cứ tưởng là họ hiền lành thương yêu chúng như Ta đã từng săn sóc chúng
    bằng tình thương, thì chúng đến gần sẽ bị những người ác sát hại.
    Đôi khi có thể hành động bên ngoài ác, nhưng thực sự việc làm phát xuất
    từ lòng thương bên trong. Vì vậy, người Việt có câu nói thương cho roi cho
    vọt, ghét cho ngọt cho bùi.
    Trên bước đường tu, chúng ta nên nhớ ý này. Có người tốt, nhưng ta phải
    cẩn thận với cái tốt đó, vì nó chứa đựng ẩn ý xấu. Trái lại, người dám chỉ
    điều dở để giúp chúng ta đi lên, đó là người tốt.
    Thiện Niệm
Advertisement

KHÁC BIỆT GIỮA CÓ BỐ THÍ VÀ KHÔNG BỐ THÍ

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông
Anàthapindika. Rồi Sumanà, con gái vua cùng năm trăm thiếu nữ hộ tống,
đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:
Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, đồng
đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi
thân hoại mạng chung, cả hai vị ấy được sanh lên cõi trời hoặc sanh lại cõi
người thì giữa hai vị ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?
Có sự sai biệt, này Sumanà!
Người có bố thí, khi được làm một vị trời hoặc được làm người đều vượt
qua người không bố thí trên năm phương diện. Đó là thọ mạng, nhan sắc,
an lạc, danh xưng và tăng thượng.
Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm vị trời hoặc được làm người
đều vượt qua người không bố thí về năm phương diện này.
(Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sumanà, phần Con Gái Vua)
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống thường xảy ra trường hợp cùng một công việc, cùng một
thời điểm và những người thực hiện công việc ấy vốn có tài sức ngang ngửa
nhau, thế nhưng có người thành công rực rỡ và có người lại thành công rất
khiêm tốn, thậm chí thất bại. Đối với những người không thành công, đa
phần tự an ủi mình bằng lập luận ta chưa tới thời hoặc ca cẩm rằng “mưu sự
tại nhân, thành sự tại thiên”. Ít ai ngờ rằng, nhân tố tiềm ẩn chi phối sự thành
công hay thất bại của mỗi người chính là phước báo của chính họ, do tu tập
bố thí trong quá khứ và ngay trong hiện tại.
Theo tuệ giác Thế Tôn, nếu hai người tu tập với niềm tịnh tín Tam bảo,
giới đức và trí tuệ ngang nhau nhưng có sự chênh lệch về công hạnh bố thí
thì tất nhiên người tu tập về bố thí nhiều hơn sẽ gặt hái những phước báo,
vượt thắng rất xa người ít hoặc không tu tập về bố thí. Sự vượt thắng này
xảy ra trên năm phương diện thọ mạng, nhan sắc, an lạc, danh xưng và tăng
thượng. Vì thế, người Phật tử tu tập giới-định-tuệ phải song hành và phát
huy hơn nữa công hạnh bố thí. Đỉnh cao của bố thí là bố thí ba-la-mật, bình
đẳng, vô điều kiện và vô ngã. Tu tập bố thí sẽ góp phần thiết thực đem lại
hạnh phúc, an vui cho tha nhân và để trang nghiêm phước báo của tự thân.
Phước báo sống thọ và khoẻ mạnh, nhan sắc dễ nhìn và khả ái, đời sống
an vui, có danh phận rỡ ràng, mọi điều vốn tốt đẹp lại càng tốt đẹp thêm
(tăng thượng) là mơ ước của mọi người. Do vậy, người con Phật sống và tu
tập theo lời Phật dạy luôn thực hành bố thí và cúng dường để đời sống hiện
tại và mai sau được hạnh phúc, an lạc như ý.
QUẢNG TÁNH

CHO ĐI CHÍNH LÀ NHẬN LẠI

Có một cô gái trẻ chuyển nhà mới. Cô phát hiện hàng xóm nhà mình là
một phụ nữ nghèo goá chồng, sống với hai đứa con nhỏ. Một ngày nọ, khu
phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ phải bật điện thoại để tìm nến thắp sáng.
Một lát sau, có tiếng gõ cửa. Hoá ra là đứa bé con nhà hàng xóm. Nó rụt
rè hỏi:

  • “Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?”
    Cô gái trẻ nghĩ: ” Nhà nó nghèo đến mức nến cũng không có mà dùng ư?
    Cho nhà nó một lần, lần sau lại sang xin nữa cho mà xem!” Thế là cô gái sẵng
    giọng:
  • “Không có!”
    Đúng lúc cô định đóng cửa lại, đứa trẻ nhà hàng xóm nghèo mỉm cười
    nói:
  • “Cháu biết ngay là nhà cô không có mà!”
    Nói xong, nó chìa ra hai cây nến:
  • “Mẹ cháu với cháu sợ cô chỉ sống có một mình, không có nến nên bảo
    cháu mang nến sang cho cô dùng tạm.”
    Trong cuộc sống của chúng ta cũng sẽ có những lúc như thế. Dù con
    người sống trong hoàn cảnh khó khăn hay giàu có, họ đều cần sự an ủi từ ai
    đó. Đừng ích kỷ, hãy lắng nghe âm thanh cuộc sống. Cuộc sống của ta sẽ
    không xấu, mà thậm chí nó còn đẹp hơn khi chúng ta cho đi.
    Bởi… Cho đi chính là Nhận lại!
    Sưu Tầm

HAI VỊ TRƯỞNG ĐỆ TỬ CỦA THẾ TÔN

Ngay trong ngày Sāriputta đạt quả vị alahan, khi bóng chiều đã ngả dài
trên Động Trúc Lâm, Bổn Sư triệu tập các môn đồ và tuyên bố phẩm vị
trưởng đệ tử cho Sāriputta và Moggallāna. Việc này khiến một vài sa môn
bất bình và bàn luận với nhau:
“Lẽ ra Bổn Sư nên trao phẩm vị trưởng đệ tử cho các vị sa môn xuất gia
đầu tiên, như năm Trưởng lão được Bổn Sư giảng dạy bài pháp đầu tiên ở
Vườn Nai, nếu không thì phải là năm mươi lăm tỳ khưu do sư huynh Yasa
dẫn đầu, hoặc ba mươi vị Bhaddavaggiya được Bổn Sư khai ngộ, hay ba anh
em ngài Kassapa. Nhưng Bổn Sư lại trao phẩm vị này cho những người mới
xuất gia.”
Nghe được những lời bàn tán này, Thế Tôn dạy:
“Như Lai không thiên vị ai mà chỉ trao trọng trách theo hạnh nguyện của
mỗi người. Ví dụ như Aññā Kondañña (An nhã Kiều trần như) trong kiếp
quá khứ, vào thời Đức Phật Padumuttara, không phát đại nguyện được làm
trưởng đệ tử của một vị Phật tương lai mà phát đại nguyện được làm vị đệ
tử đầu tiên đắc thánh quả a-la-hán. Nguyện ấy đã được thọ ký và đã thành
tựu. Kassapa thì phát nguyện thành tựu tối thắng về có nhiều đồ chúng. Còn
các thánh a-la-hán còn lại chỉ ước nguyện chứng đạt thánh quả a-la-hán mà
thôi.
“Trong khi ấy, vào thời Đức Phật Anomadassī, Sāriputta và Moggallāna
phát đại nguyện làm trưởng đệ tử của một vị Phật tương lai. Nguyện ấy
cũng đã được thọ ký và đến ngày nay, do căn cơ chín muồi và nhân duyên
đầy đủ, đã thành tựu viên mãn. Như Lai trao phẩm vị cho Sāriputta và
Moggallāna theo ước nguyện của hai vị. Như Lai không có thiên vị.”
… Và đến khi hai vị đã nhập diệt thì đức Thế Tôn dạy tiếp:
“Các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, chư Phật, chư Thế Tôn quá khứ đều
đã có hai trưởng đệ tử ưu tú lỗi lạc như Như Lai có Sāriputta và Moggallāna.
Các bậc Toàn Giác, chư Phật, chư Thế Tôn vị lai cũng sẽ có hai trưởng đệ tử
ưu tú lỗi lạc như Như Lai có Sāriputta và Moggallāna.
“Kỳ diệu thay, hy hữu thay, về các đệ tử này, bởi họ sẽ thực hành theo lời
dạy của Bổn Sư, sẽ thực hành theo giáo giới, sẽ được tứ chúng quý mến, tôn
kính, và ngưỡng phục. Kỳ diệu thay, hy hữu thay, về bậc Toàn Giác, bởi khi
một đôi đệ tử như vậy mệnh chung, Như Lai không đau buồn, than khóc.
Bởi vì, này các con, có sanh có diệt, có thành có hoại, có hợp có tan. Có thể
nào giữ chúng được bên ta mãi, không phân ly, không tử biệt hay sao? Chắc
chắn không thể được.”
Tóm tắt từ Đại Đệ Tử Phật.