Mệnh vận của con người là do nghiệp lực chiêu cảm mà ra. Chúng ta
không nên để bẩm chất, thói quen dắt dẫn mình, cũng đừng để dục vọng,
vật chất làm mê mờ. Mình cần phải sáng tạo vận mệnh, lèo lái vận mạng.
Muốn sửa đổi vận mạng thì phải làm cho nhiều việc công đức. Lúc ấy, khi
bạn gặp nạn tự nhiên điều lành sẽ tới. Ðiều dữ sẽ biến thành điều kiết tường.
Rằng: Hãy làm việc tốt, chớ hỏi sẽ được kết quả gì trong tương lai.
Vì sao con người ai cũng ở trong trạng thái mê mờ?
Ðó là do họ không hiểu được mình từ đâu tới, chết đi về đâu. Mỗi ngày
bóng dáng bạn thấy khi tự soi gương nào phải là bạn. Nếu bạn muốn biết
bản lai diện mục (chân tâm) thì phải quay mặt soi lòng, tìm nơi tự tâm.
Người đời thì bị ngũ dục làm mê mờ, ngày ngày bị tiền tài, sắc đẹp, danh
vọng, ăn uống, ngủ nghỉ kềm tỏa đến ngột ngạt khó thở, song họ vẫn cứ
muốn cam tâm tình nguyện làm nô lệ cho những thứ ấy.
Lòng tham của ta thì cao hơn trời, dầy hơn đất. Nó như cái thùng không
đáy, đồ bỏ vào bao nhiêu cũng chẳng đầy.
Con người không có đạo đức mới thật là nghèo cùng.
Phải tìm đâu ra ngọc ngà châu báu mà mình sẵn có?
Hãy tìm ở Kinh Hoa Nghiêm. Có câu rằng: Không đọc Kinh Hoa Nghiêm,
không biết được sự giàu có của chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm là vua của tất
cả các vị vua kinh điển (tức là kinh đứng hàng đầu của những bộ kinh tuyệt
diệu nhất mà Phật đã thuyết).
Nếu dùng tham sân si để xử lý mọi việc thì kết quả là trời đất sẽ u ám,
sinh đủ tai nạn. Nếu dùng giới định huệ để giải quyết vấn đề thì trời đất
trong sáng, mọi sự kiết tường. Nên nói: Nơi nào nhiều kẻ ác, nơi ấy nhiều tai
nạn; chốn nào nhiều người thiện, chốn ấy thường an vui. Tai nạn hay an bình
đều do người mà ra cả.
Người ta không thành Phật là bởi vì cứ dụng công nơi ngoài miệng (nói
mà không tu, không thực hành).
Mọi sự, việc gì cũng là Phật pháp, cũng đều là thứ không thể chấp trước,
không thể nắm bắt. Trên đời vạn sự, vạn vật, chuyện gì xảy ra cũng chính là
thuyết pháp (hiển bày chân lý), chính là giảng kinh. Chúng ta mỗi người ai
cũng nên đem bộ kinh của đời mình ra đọc cho kỷ, học cho thuộc, chớ làm
việc sai lầm với đạo lý nhân quả. Ðời ta mới chính là bộ kinh điển chân chính
nhất.
Nếu bạn cứ nhìn thấy lỗi lầm của kẻ khác hoài thì bạn vẫn còn khổ. Nếu
bạn đã hết khổ thì bạn nhìn ai cũng thấy họ là Phật. Nhìn người nào, bạn
cũng thấy họ hệt như Phật. Thật là đơn giản, thật là cạn cợt: Vậy mà bạn làm
không xong!
Con người ta không phải sống để mà ăn. Sống: là ta phải lập công với đời,
phải có đức với người, phải làm lợi cho thiên hạ. Mình phải: Từ bi thay trời
dạy dỗ; trung hiếu vì nước cứu dân.
Một ngày chẳng sửa lỗi lầm là một ngày chẳng tạo công đức.
Phiền não tức bồ đề: Nghiã là, ngay lúc có phiền não mà mình có thể
chẳng sinh phiền não, mình có thể nhận biết được nó, thì ngay lúc đó gọi là
bồ đề. Chẳng phải rằng: vất bỏ phiền não đó đi rồi, sau đó tìm một cái bồ đề
nào khác.
Bịnh AIDS là một bịnh làm diệt chủng, làm mất nước. Tôi hy vọng người
Trung hoa không muốn mất nước, không nên học hành động của người tây
phương.
Người học Phật pháp, cần phải tiết dục, giữ lòng trong sạch, ít ham muốn.
Chớ nên có nhiều dục vọng. Ðó là điều quan trọng, vì nó là gốc rễ của vấn
đề sức khỏe.
Các bạn có thể ngày nay quy y Tam Bảo là vì các bạn đã trồng căn lành to
lớn trong quá khứ. Ngày nay khi họp mặt với nhau, đại chúng nên phát lòng
bồ đề, cầu đạo vô thượng. Không nên làm loài sâu bọ trong Phật giáo, không
nên làm kẻ hư đốn bại hoại. Hễ bạn thấy ai hủy báng Phật giáo, bạn chớ
cùng họ tranh biện. Bạn hãy tu hành với hành động chắc thật . Dùng sự tu
hành để hiển minh lời Phật dạy. Ðừng nên dùng lời nói ngoài miệng (khẩu
đầu thiền) để làm họ tin mình. Phải chân thật tu hành.
Chiến tranh ở trên thế giới đều bắt đầu từ những chiến tranh nho nhỏ
trong tâm mình phát khởi. Cổ nhân nói: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu
trách (Sự thạnh suy của một nước, ngay kẻ tầm thường cũng phải có trách
nhiệm). Chẳng nên nghĩ rằng: Ðó là chuyện của người khác, chẳng phải
chuyện của mình. Nếu mỗi người ai cũng chẳng có chiến tranh, thì chiến
tranh thế giới sẽ chấm dứt.
Ðừng nên đem ánh sáng chiếu rọi bên ngoài. Lúc nào cũng phải biết xoay
ánh sáng lại rọi lòng mình. Chiếu soi xem mình là súc vật? là quỷ? là gì?
Thế nào là đạo đức?
Tức là lấy sự lợi lạc của chúng sinh làm chủ, lấy sự không cản trở người
khác làm tông chỉ. Ðạo đức cũng có nghĩa là trong lòng mình tràn ngập lòng
nhân từ, nghĩa khí, lễ độ, trí huệ và thành tín.
Vì sao mình không tương ưng với đạo? Vì tâm cuồng chưa ngừng. (tâm
cuồng là tâm đầy vọng tưởng).
Việc tốt là do tâm khởi đầu. Việc xấu cũng từ tâm khởi đầu.
Ba thứ độc tham sân si so với nha phiến, rượu mạnh hay với độc dược
cực độc, thì nó lợi hại hơn gấp bội. Những thứ thuốc, rượu, độc dược chỉ là
độc tố hữu hình, hại thân thể người. Còn tham sân si thì hại pháp thân huệ
mạng của ta, đó mới là thứ tối chướng ngại tu đạo.
Tu hành pháp Phật tức là: Ðừng làm việc ác, làm toàn việc thiện.
Nhìn xuyên thủng thì mình sáng tỏ; hễ buông bỏ thì mình giải thoát. Giải
thoát là tự tại. Khi tự mình không tại (không ở đây) thì giặc cướp sẽ xâm
phạm, mình sẽ bị cảnh giới lay chuyển.
Người tu nếu không có tiền bạc gì cả thì mới tu hành được. Một khi có
tiền thì tuyệt đối chẳng thể tu hành đặng. Ðó là điều tôi dám bảo chứng.
Sự khoái lạc chân chính thì chẳng có gì mong cầu. Khi tới chỗ không còn
mong cầu thì ta sẽ chẳng có âu lo. Khi bạn chẳng mong cầu điều gì thì đó
mới là sự vui sướng chân chính, cũng là sự an vui yên ổn thật sự của tự tánh.
Cái tật xấu lớn nhất của chúng sinh là lòng si ái (yêu đương si mê). Ngày
đêm ở trong vòng si ái mà chẳng phút nào buông bỏ cho đặng. Nếu mình có
thể đem lòng háo sắc biến thành lòng ham học Phật, giờ phút nào cũng chẳng
quên học phật, thì rất mau có thể thành Phật.
Hãy đem sự thông minh, trí huệ nhỏ bé để qua một bên. Ðừng nên nghĩ
rằng chuyện gì mình cũng biết, cũng hiểu. Nếu bạn nghĩ rằng việc gì mình
cũng biết thì bạn không phải là người chân chính hiểu Phật pháp.
Ở Vạn Phật Thánh Thành, không ai được phép nịnh hót, nói những lời
dua nịnh, vuốt ve kẻ khác.
Trong chùa, nơi đạo tràng, việc xấu xa nhứt là ta chẳng chịu tu hành. Ai
chẳng tu hành thì tương lai đều phải đọa lạc.
Tu hành cần ta phải dưỡng nục, nghĩa làm ra vẻ khù khờ. Càng ngu ngơ
khù khờ càng tốt. Khù khờ đến chỗ rằng một vọng tưởng cũng chẳng còn.
Người tu hành đừng nên có cái Ta. Vất cái ngã vô thùng rác. Ðến đâu
cũng vì người khác, vì việc công mà phục vụ. Phải biết hòa quang (hòa đồng
với mọi người), dùng sự nhượng bộ làm bước tiến. Việc gì cũng giữ gìn,
chẳng đua đòi tranh giành, chơi nổi. Một khi chơi nổi thì bạn sẽ gặp rắc rối
ngay.
(Nói với người xuất gia:) Nếu đồ ăn thức uống không thanh đạm thì đừng
ăn. Trách nhiệm của người tu là hoằng pháp chớ không phải đi tiếp đãi
người ta. (Ðây là ý nói về chuyện người xuất gia hay đi ra tiệm ăn uống để
tiếp đãi, hoặc bàn bạc chuyện đời.)
Trích: PHÁP NGỮ CỦA HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA