- Chỉ có một cuốn sách đáng đọc nhất, đó là tâm của chính mình.
- Đức Phật dạy chúng ta hãy vất bỏ tất cả những gì làm tâm ta đau
khổ trong khi hành thiền. Phiền não đau khổ, chứ không phải tâm đau
khổ. Chúng ta chẳng biết cái gì là tâm, cái gì là phiền não. Những gì
không làm ta thỏa mãn thì ta không muốn gặp. Cuộc sống của chúng
ta chẳng khốn khổ gì! Cái khốn khổ ở đây là không thỏa mãn, không
hài lòng với cuộc sống. Thật vậy, chỉ có phiền não khốn khổ mà thôi. - Thế gian đang ngùn ngụt cháy. Trong sự nóng bỏng này, tâm thay
đổi từ yêu sang ghét. Biết cách làm cho tâm an tịnh tĩnh lặng sẽ đem
lại lợi ích lớn lao cho thế gian. - Nếu tâm bạn an lạc hạnh phúc thì ở nơi nào bạn cũng an lạc hạnh
phúc. Khi trí tuệ khai nở trong tâm bạn thì bất kỳ nơi nào bạn nhìn
đến cũng đều là chân lý. Chân lý ở khắp mọi nơi, chẳng khác chi một
khi đã biết đọc chữ thì ở đâu bạn cũng có thể đọc chữ được. - Nếu bạn cảm thấy không hài lòng ở một nơi, bạn sẽ cảm thấy
không hài lòng ở mọi nơi. Chẳng có nơi nào bên ngoài làm bạn khó
chịu. Nơi khó chịu nằm bên trong bạn. - Hãy nhìn vào tâm mình. Người mang vật nặng chẳng thấy gì,
nhưng người ngoài nhìn vào thấy nặng. Vất bỏ mọi vật, buông bỏ tất
cả, bạn sẽ nhẹ nhõm. - Tâm vốn an tịnh tĩnh lặng. Khi tâm ra khỏi an tịnh tĩnh lặng thì
bất an rối loạn sẽ nhảy vào. Khi nhìn thấy được bất an rối loạn này thì
an tịnh tĩnh lặng sẽ trở về. - Phật giáo là đạo của tâm. Thế thôi! Người nào đào luyện tâm,
người đó thực hành Phật giáo. - Khi đèn mờ, bạn không thể thấy màng nhện giăng ở góc phòng,
nhưng lúc đèn sáng bạn có thể thấy rõ ràng để quét sạch đi. Cũng vậy,
khi tâm trong sáng bạn sẽ thấy rõ phiền não để khử trừ. - Huấn luyện tâm không giống như huấn luyện cơ thể. Muốn cơ
thể mạnh phải bắt cơ thể vận động, nhưng muốn tâm mạnh phải giữ
tâm đứng yên. - Vì không nhìn thấy chính mình nên người ta làm mọi điều sai
lầm. Họ không nhìn vào chính tâm mình. Khi sắp làm điều gì sai quấy,
họ nhìn trước, ngó sau xem thử có ai nhìn thấy không:
Mẹ mình thấy không? Chồng mình thấy không? Vợ mình thấy không?
Con mình thấy không? Nếu không ai thấy, họ vội làm ngay. Đó là họ tự
nhục mạ chính mình. Có một điều họ quên mất là chính họ cũng đang
nhìn thấy họ đấy! - Hãy dùng tâm để nghe giáo pháp, đừng dùng tai.
- Chiến đấu với phiền não là chiến đấu bên trong. Dùng bom đạn
súng ống để đánh nhau là chiến đấu bên ngoài. Chiến thắng kẻ khác là
đường lối của thế gian. Chiến thắng chính mình là đường lối của giáo
pháp. Chúng ta không chiến đấu để chống lại ai cả mà chiến đấu để
chinh phục chính tâm mình, kiên trì chống lại mọi tình cảm xung động
của chính mình. - Nước mưa đến từ đâu? Nó đến từ những nguồn nước dơ bẩn
trên mặt đất và bốc hơi mà thành. Thật kỳ lạ làm sao? Đối với phiền
não, tâm bạn cũng có thể làm được như vậy, nếu bạn để nó làm. - Đức Phật dạy chúng ta hãy xét đoán chính mình mà đừng xét
đoán kẻ khác dầu họ tốt xấu thế nào đi nữa. Đức Phật chỉ chỉ cho ta
con đường và nói: “Chân lý là như vậy đó”.
Tâm ta có được như vậy không?
Chẳng Có Ai Cả
Tác giả: Ajahn Chah
Dịch giả: Khánh Hỷ
Month: February 2021
CÁCH TU TẬP CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA
Thiền Sư Ajahn Chah
Bạn thường hỏi về cách tu hành của người tại gia. Đời sống gia
đình vừa khó lại vừa dễ – khó làm, nhưng dễ hiểu. Chẳng khác gì
bạn đến đây than phiền với tôi về một cục than đỏ mà bạn đang
nắm trong tay. Nhưng khi tôi bảo bạn bỏ nó xuống, thì bạn la lên:
- Không. Tôi không thể làm vậy. Tôi chỉ muốn cho nó nguội đi.
Bạn chỉ có hai cách. Một là bạn bỏ nó xuống, hai là bạn phải vô
cùng nhẫn nại. Bạn hỏi: - “Làm sao tôi có thể vứt bỏ nó được?”
Bạn có thể vứt bỏ gia đình của mình không? Hãy buông bỏ nó
trong tâm của bạn. Buông bỏ sự ràng buộc bên trong. Giống như
một con chim đã đẻ trứng, bạn có trách nhiệm phải ấp trứng. Nếu
không trứng sẽ thối.
Có thể bạn muốn những người trong gia đình tôn trọng và thông
cảm lý do bạn hành động theo một cách nào đó, nhưng có thể họ
cố chấp và hẹp lượng với bạn. Nếu người cha là kẻ trộm, và đứa
con không chấp thuận hành động đó, thì đứa con có phải là một
người xấu không? Hãy cố gắng giải thích cho họ hiểu, và rồi đừng
nghĩ đến vấn đề đó nữa. Nếu bạn bị bệnh và đến gặp bác sĩ, nhưng
tất cả thuốc men của ông ấy không thể chữa lành bệnh của bạn.
Trong trường hợp đó, bạn có thể làm gì khác hơn ngoại trừ chấp
nhận thực trạng và cứ an nhiên.
Nếu bạn cứ nghĩ rằng đó là gia đình của tôi, sự tu hành của tôi –
thói quen xem mình là trung tâm của mọi việc cũng là một nguyên
nhân của đau khổ. Đừng cố tìm kiếm hạnh phúc, dù khi sống một
mình hay sống với người khác. Hãy cứ sống trong giáo pháp. Phật
pháp giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề, nhưng trước hết chúng
ta phải tu hành để có trí huệ. Bạn không thể bỏ gạo vào nồi nước,
là có thể có cơm ăn ngay. Bạn phải nhóm lửa, và nấu gạo một hồi
cho chín thành cơm. Với trí huệ, mọi vấn đề cuối cùng đều có thể
được giải quyết. Hơn nữa, nhận biết đời sống gia đình, bạn sẽ hiểu
rõ luật nhân quả, và rồi bạn sẽ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến
cách cư xử của mình.
Tu hành với một đoàn thể, trong một thiền viện, hay tại một cuộc
bế quan thì không khó lắm. Bạn sẽ cảm thấy ngượng ngùng nếu
không ra ngồi thiền với những người khác. Nhưng khi bạn về nhà,
bạn cảm thấy khó, vì biếng nhác hay vì không có thời giờ. Bạn cho
đi năng lực của bản thân, và hướng nó vào những người khác,
những hoàn cảnh hay vị thầy bên ngoài bạn. Hãy thức tỉnh! Bạn
có thể tạo ra một thế giới riêng cho chính mình. Điều quan trọng
là bạn có muốn tu hành hay không?
Các tăng sĩ chúng tôi ở đây phải phấn đấu với những giới luật
và lối tu khổ hạnh, để phát triển sự kỷ luật bản thân dẫn tới giải
thoát. Các bạn, những người tại gia, cũng phải nỗ lực như vậy.
Khi tu hành tại gia, bạn nên cố giữ những giới luật căn bản một
cách tinh tế hơn. Cố gắng kiểm soát hành động và lời nói. Hãy nỗ
lực tu hành. Về việc tập trung tư tưởng, đừng nản lòng chỉ vì bạn
mới thử một vài lần và chưa cảm thấy bình an. Tại sao sự tập trung
tâm trí phải cần một thời gian lâu dài? Tại sao không tự hỏi bạn
đã cho phép đầu óc lôi kéo mình đi lung tung bao lâu rồi? Vậy thì
chẳng có gì ngạc nhiên nếu bạn vẫn chưa thể làm cho tâm trí tĩnh
lặng sau một vài tháng.
Dĩ nhiên, huấn luyện đầu óc là một điều khó khăn. Khi con ngựa
quá cứng đầu, đừng cho nó ăn một lúc – nó sẽ biết nghe lời. Khi
nó bắt đầu đi đúng đường, hãy cho nó ăn chút ít. Sự kỳ diệu của
đời sống chúng ta là, đầu óc có thể được huấn luyện. Với nỗ lực
đúng đắn, chúng ta có thể đạt được tuệ giác.
Để sống tại gia và tu hành chính pháp, bạn phải sống trong thế
gian, nhưng vượt lên trên thế gian. Đức hạnh, bắt đầu với ngũ giới,
là điều vô cùng quan trọng- đó là nguồn gốc của mọi điều thiện.
Giới luật là cơ sở để xóa khỏi tâm mọi ý niệm sai lầm, xóa bỏ
nguyên nhân của mọi đau khổ và âu lo. Hãy trì giới thật rõ ràng.
Rồi tập hành thiền khi hoàn cảnh cho phép. Có lúc bạn thiền rất
tốt, có lúc thì không. Đừng bận tâm về việc này. Cứ tiếp tục. Nếu
tâm khởi niệm nghi ngờ, hãy nhận biết rằng chúng, cũng như mọi
thứ khác trong tâm, đều vô thường cả.
Nếu bạn kiên trì, thì sẽ định được tâm. Hãy dùng định tâm này
để phát triển trí huệ. Nhận biết mọi cảm giác yêu ghét sinh khởi
từ các giác quan mà không dính mắc vào chúng. Đừng nôn nóng
có kết quả hay tiến bộ nhanh chóng. Một đứa bé phải tập bò, và
tập đi, rồi mới có thể chạy được. Cứ nghiêm trì giới luật và tiếp tục
hành thiền.
Trích: Tâm Tĩnh Lặng – Minh Vy dịch
CẦU AN THEO TINH THẦN KINH PHƯỚC ĐỨC
Mahamangala Sutta thuộc Sutta Nipata II, Tiểu Bộ kinh I, Thiền sư Thích Nhất
Hạnh dịch là Kinh Phước Đức, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là Kinh Điềm
Lành Lớn (Kinh Đại Hạnh Phúc), một bản kinh cầu phước đức rất nhiệm mầu,
hiệu ứng an lành đích thực cho những ai tụng đọc, thực hành và ứng dụng trong
đời sống hàng ngày. Vào các ngày đầu xuân, những người con Phật lên chùa
dâng hương cầu nguyện, mong ước một năm mới bình an, thịnh vượng. Bên
cạnh việc lễ bái, cầu nguyện, cúng dường v.v…, nếu người nào hữu duyên được
đọc tụng và hành trì theo kinh Phước Đức thì chắc chắn sẽ gặt hái được phước
báo vạn sự cát tường như ý.
Bản kinh Phước Đức ngắn gọn, súc tích, nghĩa lý rõ ràng có thể đưa vào kinh
Nhật tụng để mọi người đọc tụng mỗi ngày. Duyên khởi để Thế Tôn ban pháp
thoại này phát xuất từ lời thỉnh cầu của một vị Trời mong muốn biết và thực
hành gieo trồng phước đức nhằm xây dựng đời sống an lành. Chư thiên là loài
được xem là có phước đức hơn hết so với các loài trong lục đạo mà còn thỉnh ý
Thế Tôn nói về phước đức để kiện toàn phước báo cho tự thân, huống gì loài
người, và nhất là Phật tử chúng ta.
Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất.
Theo Thế Tôn, phước đức lớn nhất, trước tiên là phát huy tuệ giác, thành tựu
chánh kiến. Một trong những biểu hiện của chánh tri kiến là thấy rõ thiện và ác
cùng với gốc rễ của nó (Kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ I). Thấy rõ điều ác và
người ác để tránh xa, đồng thời thấy rõ điều thiện và người hiền để thân gần,
tôn kính các cá nhân đức hạnh, bậc mô phạm về đạo đức trong xã hội… chính là
những nhân tố cực kỳ quan trọng để thành tựu phước đức. Đặc biệt, sự “tôn
kính bậc đáng kính” vô cùng cần thiết cho việc thành tựu phước đức của cá nhân
và cả quốc gia, xã hội. Bậc đáng kính là người có tài đức, bậc hiền tài, là nguyên
khí của quốc gia. Thiếu trân quý, không trọng dụng hiền tài hoặc đặt để không
đúng người, đúng việc, làm lãng phí tài và đức là một trong những nguyên nhân
quan trọng khiến cho phước đức của quốc gia suy giảm.
Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn nhất.
Mỗi người đều có quyền lựa chọn môi trường sống và làm việc cho chính
mình. Tất nhiên, thực tế thì ít khi toàn diện, được cái này thì mất cái kia, song
điều cần tỉnh giác ở đây là những thuận lợi về phương diện vật chất không phải
lúc nào cũng cần thiết để cho chúng ta nhắm mắt và sẵn sàng đánh đổi. Cần bình
tâm để nhận diện rằng được sống, làm việc, học tập và phụng sự trong môi
trường lành mạnh sẽ tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách cao
thượng. Nhờ sống trong môi trường đạo đức và trí tuệ, xung quanh hầu hết là
người tốt nên ta dần trở nên chín chắn, hiền thiện và an lành hơn.
Có học, có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất.
Kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Có
chuyên môn cao ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều hữu dụng, mang lại lợi ích thiết
thực cho tự thân, gia đình và xã hội. Có tài năng nhưng phải được đạo đức định
hướng và dẫn dắt thì mới xứng hiền tài. Tài mà không hiền thì vẫn vô phước vô
phần, đôi khi trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu họ cậy tài để làm ác. Mặt khác, người
có tài thì không nên tự cao, quát nạt, giấu nghề mà ngược lại, luôn sẵn sàng chia
sẻ kinh nghiệm, dìu dắt và đào tạo thế hệ kế thừa với tất cả lòng thành, khiêm
tốn và yêu thương. Được như vậy, xã hội ngày càng trở nên hoàn thiện, đất nước
ngày càng phát triển ổn định hơn. Do đó mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ phải
lập chí học hành để có một nghề nghiệp chân chính, có trình độ chuyên môn và
thu nhập cao, phục vụ nhiều hơn cho cộng đồng. Đó chính là một trong những
phương diện của phước đức.
Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất.
Những ai từng vì cuộc mưu sinh mà phải xa cha mẹ và người thân, sống nhờ
nương nơi đất khách quê người, nhất là phải làm công việc nghịch tay trái nghề,
mới thấm thía về sự thiếu phước. Ấy vậy mà có khá nhiều người đang nắm giữ
phước đức trong tay nhưng lại không tự biết, thậm chí còn rúng rẫy xem thường
khi đang có một công việc yêu thích ở gần nhà cùng với cha mẹ và những người
thân. Cho nên, khi còn duyên lành sống với cha mẹ, anh em trong gia đình thì
phải hiếu thuận hết lòng, có việc làm thích hợp (dù thu nhập không cao) cũng
nên tận tâm vì đó là những chất liệu hình thành nên nguồn vui sống. Chính niềm
hòa hiếu an vui của chúng ta, điều mà không thể đem các giá trị khác như danh
tiếng, giàu sang để có thể hoán đổi, nên mới gọi là phước đức lớn nhất.
Sống ngay thẳng, bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tì vết
Là phước đức lớn nhất.
Một người làm ăn lương thiện, tạo dựng cơ nghiệp từ bàn tay và khối óc của
chính mình chính là phước đức lớn nhất. Càng phước đức hơn khi cuộc sống của
bản thân đã tạm ổn, người ấy biết phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ người thân và
sẻ chia với mọi người xung quanh, nhất là những người đang thực sự thiếu thốn.
Sống trung thực, ngay thẳng, nhìn về quá khứ không có bất cứ điều gì phải dằn
vặt, bận lòng. Tâm hồn trong sáng, hành xử đúng với ta mà cũng phải với người
cùng với niềm kính trọng, yêu thương là nền tảng của bình an. Thiết lập được
bình an là thành tựu phước đức.
Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là phước đức lớn nhất.
Phước đức hình thành và tăng trưởng nhanh nhất khi chúng ta biết siêng
năng làm các điều lành. Một người khi phát nguyện làm các điều lành thì đồng
nghĩa với không làm các điều ác. Điều lành luôn mang các thuộc tính có lợi ích
cho mình và người, tạo ra hiệu ứng an lành trong hiện tại và tương lai. Một điều
rất thú vị ở đây là để tạo phước đức cho bản thân bằng cách làm các hạnh lành
thì tuyệt nhiên không dính vào say và nghiện. Vì không nhiều người chú ý đến
khía cạnh này nên chủ quan không cảnh giác rồi đánh mất mình khi lỡ sa vào
say và nghiện. Nói cách khác, say sưa và nghiện ngập là hai yếu tố quan trọng
khiến tổn giảm phước đức nhanh chóng. Do vậy, muốn tạo dựng và giữ gìn
phước đức của bản thân thì hãy luôn tỉnh táo, làm chủ được mình.
Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Là phước đức lớn nhất.
Thành tựu phước đức rất khó, nhưng khi có chút phước rồi mà người hưởng
phước biết khiêm cung, lễ độ với mọi người đồng thời luôn biết vừa đủ và tri ân
lại càng khó hơn. Cái sự đời “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” xưa nay không phải là
chuyện hiếm. Có phước mà không biết gìn giữ và vun bồi nên chắc chắn sau một
thời gian phước đức sẽ suy giảm. Với những người khi đã có cái ăn, cái mặc và
chỗ ở rồi thì điều quan trọng không phải là cố gắng làm cho vinh thân phì gia
thêm để thụ hưởng mà chính là vấn đề tu dưỡng phát huy đạo đức, an tịnh và
thăng hoa tâm hồn. Những ai làm được như vậy thì phước đức ngày càng tăng
thêm.
Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn nhất.
Đi chùa, làm việc thiện, đi nghe pháp thoại, học đạo, tham thiền v.v… chính
là những việc làm cao thượng, mang lại phước đức to lớn. Có nhiều vấn đề mà
tiền bạc không mua được, danh vọng không đánh đổi được và uy quyền không
lung lạc được… và chỉ có học đạo, tham thiền mới có thể giải quyết rốt ráo, mang
lại niềm an ổn cho con người. Xưa kia thái tử Siddhartha và sau là vua Trần Nhân
Tông từ bỏ ngai vàng lên rừng tu đạo chính là đi tìm sự an tâm. Khi tâm đã an
thì muôn sự đều bình an. Và chỉ có chuyên tâm học đạo mới có thể thành tựu
phước đức to lớn này.
Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết-bàn
Là phước đức lớn nhất.
Trong quá trình hướng nội, thanh lọc thân tâm thì chứng đạt Niết-bàn là
phước đức lớn nhất. Sự siêng năng chuyên cần tu tập, duy trì sự tỉnh thức
thường trực là những nhân tố quan trọng để thành tựu đạo quả. Niết-bàn là sự
giải thoát khỏi tất cả những ràng buộc phiền não, là ánh sáng phá tan u ám của
bóng tối si mê, là sự chấm dứt khổ đau luân hồi sanh tử. “Việc nên làm đã làm,
gánh nặng đã đặt xuống” rồi, hành giả thong dong tự tại làm đẹp cho đời.
Chung đụng trong nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết, an nhiên,
Là phước đức lớn nhất.
Với tâm giải thoát tự tại, hành giả an nhiên bất động trước vô vàn biến động,
tự tại vào ra trong sanh tử để cứu độ chúng sanh, làm đẹp cuộc đời như sở hành
của vị Bồ-tát, đây không chỉ là phước đức cho một người mà tất cả cộng đồng,
nhân loại.
Thật rõ ràng, xuyên suốt nội dung bản kinh Thế Tôn dạy về “làm” phước mà
không hề có chuyện “xin” phước. Nên trong đạo Phật có chủ trương cầu nguyện
mà tuyệt không có cầu xin. Vì Phật không trực tiếp ban phước cho ta an lành mà
chỉ dạy phương cách rồi chúng ta phải tự thực tập, hành trì để tạo ra phước đức
và được bình an.
Mong ước được an lành chính là một sự phát nguyện vun bồi phước đức tự
thân, được thể hiện qua sự chuyển hóa ba nghiệp thân miệng ý theo hướng thiện
lành. Do đó, bình an và phước đức có thể tạo dựng ngay bây giờ và ở đây.
QUẢNG TÁNH
LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY – 03
“Người nào thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, đó là
người biết tự thương bản thân. Dù họ luôn nói không quan tâm đến bản thân,
không lo lắng cho bản thân, nhưng chỉ những người này mới thực sự đang tự
thương lấy mình.”
Không ai có thể đem những toan tính không thiện, đem những việc làm
không thiện mà bảo vệ được bản thân mình khỏi những bất an, vì ngay lúc đó,
kẻ ấy đã đặt mình đứng giữa bất an rồi. Lo sợ, hoang mang, dằn vặt, vì không
biết khi nào hậu quả của hành động không thiện đó sẽ quay trở lại với mình.
Khi không còn lớp vỏ bảo vệ, cây xanh sẽ chết; khi không còn những suy nghĩ
thiện và việc làm thiện bảo vệ mình, chúng ta xem như cũng chẳng khác gì đã
chết đi.
Khi đem những điều không thiện để bảo vệ mình thì cũng đồng nghĩa với việc
sẽ làm tổn thương đến một ai đó.
Nói một lời chân thành, làm một việc tử tế đôi khi rất khó, khó vì con người
vẫn luôn rất thích chiều chuộng những cảm xúc ngay hiện tại của mình, đang
buồn trong lòng, đang bực trong người, việc tử tế thôi hãy để ngày mai tính;
ngày mai lại có rắc rối của ngày mai.
Bình yên trong cuộc sống thường đến từ những việc tử tế mà chúng ta không
muốn làm như vậy.
Đôi khi, phải nhận lại những đớn đau từ những việc làm bất thiện chúng ta
mới biết cách bảo vệ bản thân mình thế nào cho đúng.
Bất an trong cuộc sống chưa bao giờ có thể tồn tại nếu không có sự tham gia
của chúng ta, góp vào đó một chút bất thiện trong suy nghĩ, lời nói, việc làm.
Bất an như một tấm vải mà tâm bất thiện của con người đã dệt nên nó, mỗi
ngày một rộng lớn thêm.
Lương thiện trong suy nghĩ sẽ tạo ra bình yên, lương thiện trong lời nói sẽ
tạo ra ấm áp, lương thiện trong việc làm sẽ tạo ra tình thương.
Người ngày mới an.
VÔ THƯỜNG
CHÉN TRÀ
Cao Huy Thuần
Buổi sáng yên tĩnh, tôi ngồi với chén trà, đọc một trang trà đạo. Trang sách
dẫn tôi vào một trà thất truyền thống cạnh một ngôi chùa nhỏ bên xứ Phù Tang.
Đường vào trà thất là một lối đi nhỏ, thoai thoải uốn khúc giữa một khu vườn,
trước mặt là đồi núi. Khu vườn xinh xắn, đơn giản. Một dòng nước róc rách chảy
ngược chân khách, rêu phủ trên đá, hoa dại lác đác mọc ven bờ.
Trà thất cũng đơn giản một am tranh, nhỏ vừa bằng nơi trú của một ẩn sĩ.
Khách bước đến trước một bể nước, nước từ ống tre chảy xuống. Khách rửa tay,
súc miệng, làm một cử chỉ tượng trưng, như rửa sạch thân ý trước khi bước vào
nhà.
Cửa nhà chỉ một liếp, mở ra dọc theo vách. Khách phải cúi xuống tận nền để
bước vào. Vào nhà, trước mặt là một gian phòng nhỏ trang hoàng độc nhất bằng
một bức thư pháp, trên đó thảo một bài thơ. Thêm một bình hoa, giản dị, hoa
chọn theo mùa, lúc đó là hoa xuân. Ánh sáng lọc qua khe cửa, mờ ảo, vừa đủ để
làm ấm thêm màu vách vốn đã ấm. Khách ngồi xuống chiếu, nghe nước reo sôi
từ ấm thiếc và chim ríu rít bên ngoài. Cảnh lặng yên, khách cũng lặng yên.
Chủ nhân hiện ra. Quỳ gối, ông che quạt trước mặt, cúi xuống tận đất, chào
khách. Khách chào trả. Chủ quay chân bước ra khỏi phòng rồi đi vào với dụng
cụ pha trà. Tay trái cầm chéo khăn lụa, ông vuốt một đường khăn bằng tay phải,
gọn gàng xếp khăn thành ba. Lần theo cuối khăn, ông kéo các góc lại với nhau,
xếp thành ba lần nữa. Với khăn xếp như thế, ông lau từng dụng cụ, lau một cách
tượng trưng vì đồ vật đều đã sạch nhẵn. Tỉ mỉ, nghi thức, ông tráng các chén trà
bằng nước nóng trong ấm thiếc, nhúng một thẻ tre vào nước, quan sát, rồi đặt
xuống bên cạnh. Xong, ông rót nước nóng vào bình trà trước khi lau bình với
một chiếc khăn ướt.
Quay lại khách, ông mời một viên kẹo ngọt. Khách nhắm kẹo trong lúc chủ
nhân sửa soạn ấm trà. Long trọng, ông mở hộp trà, đong trà bằng một cái thìa
tre, cho trà vào ấm. Nhúng một cái muỗng có cán thật dài vào ấm thiếc, ông chế
nước nóng vào trà. Xong, với một thẻ tre, ông khuấy trà cho hết bọt. Quay lại,
ông đặt một chén trà trước mặt khách, xoay phần đẹp nhất của chén về phía
khách. Khách nâng chén, đưa chén đến gần, cầm chén trong lòng bàn tay, cúi
chào chén trà. nhấm vài ngụm nhỏ, rồi uống thật to phần trà cuối chén mà người
Nhật cho là phần ngon nhất.
Cạn chén trà, khách xoay chén vào đúng vị trí cũ, đặt chén xuống nền nhà,
trước mặt, cúi chào chén. Chủ nhân cầm chén, rửa chén bằng nước nóng, trả
chén về lại cho khách để khách quan sát, ngắm nghía chén trà gia bảo, không
đâu khác có.
Ngắm nghía như vậy là một phần lễ nghi quan trọng trong buổi uống trà. Mỗi
dụng cụ đều được chủ nhân đem ra dùng đặc biệt cho khách. Khách thong thả
ngắm, thưởng thức vẻ đẹp, rồi trả lại cho chủ. Chủ bưng tất cả vào phòng trong,
rồi trở lui, đứng trước mặt khách. Buổi uống trà chấm dứt như lúc bắt đầu. Chủ
đặt cây quạt xuống đất trước mặt, cúi đầu. Khách cúi đầu đáp lễ. Chủ rút lui vào
trong.
Khách rời con đường nhỏ, quanh co xuống dốc, xuyên qua khu vườn. Tiếng
ồn ào của thành phố dần dần vẳng lại, càng lúc càng rộn.
Trà đạo là gì? Là nghi lễ tương tự như nghi lễ tôn giáo? Là sự tương thông
tương giao giữa chủ và khách? Là một nghệ thuật phi nghệ thuật? Tôi được giải
thích rằng chén trà trong trà thất diễn tả wabi và sabi trong nghệ thuật thiền
của Nhật. Wabi là một cảm giác cô đơn, buồn vời vợi, lặng lẽ như một bông tuyết
rơi. Sabi là vẻ đẹp đến từ cái gì xưa cũ, phai mòn, già cỗi với thời gian. Chén trà
trong trà thất không phải là đồ quý, đồ sang, đắt tiền, thường là thô, lắm khi chỉ
là một cái chén đơn sơ. Wabi- sabi là vẻ đẹp của những đồ vật không hoàn hảo,
tầm thường, khiêm tốn, chỉ có mắt nào biết nhìn mới thấy đẹp. Và thấy rồi thì
trong lòng nảy ra hoài cảm, vấn vương với quá khứ, bâng khuâng trước chuyển
dịch của thời gian, của vạn vật vô thường. Ấm trà, chén trà, mái nhà, gian phòng,
từng cử chỉ của chủ nhân… tất cả gợi lên cảm giác đó, tất cả tỏa ra hơi thở của
nghệ thuật thiền.
Nhưng trên tất cả, tinh túy của tinh túy, là bản chất đơn sơ của mọi sự vật,
đơn sơ đến độ như không vướng mắc vào bất cứ một cái gì, như không có gì,
như chỉ duy nhất tầm thường có thế thôi. Mỗi chén trà tự nó là mỗi chén trà,
nhìn nó như một chén trà, ngoài ra mọi chuyện khác hãy tự bay đi, biến mất.
Nhìn chén trà như vậy mới thấy nó hiện ra như một chén trà, với vẻ đẹp đơn sơ
của nó. Không có gì khác ngoài nó, không có gì khác ngoài giây phút hiện tại, sự
thực vốn đơn sơ như chẳng có gì để nói, như sự lặng yên nơi mỗi cử chỉ của chủ
nhân, như thế đấy sự vật hiện ra trước mắt, lặng yên mà nhìn, mà thấy, mà hiểu,
mà cúi đầu.
Tôi có cảm tưởng hiểu được tinh túy của nghệ thuật trà đạo ở Nhật. Uống trà
không phải là uống chén trà mà uống cái đẹp giản dị, sơ khôi, thể hiện qua cách
pha trà, mời trà. Tôi thán phục văn hóa thiền đã đi sâu vào đời sống của dân tộc
bạn. Nhưng, không hiểu sao, tôi vẫn chưa muốn vào trà thất, tôi sợ tôi vẫn chỉ là
người khách xa lạ trước một chủ nhân trịnh trọng. Tôi sợ lễ nghi, cung cách. Lễ
nghi lắm khi giết chết lễ nghi.
Tôi thích uống trà theo phong cách Việt Nam, uống trà như tôi thường uống
với các sư trong chùa. Khách đến, bình thủy của chùa như lúc nào cũng có nước
nóng, như lúc nào cũng vui được hồn nhiên tiếp khách. Sư vừa tiếp chuyện vừa
chế trà, thản nhiên nhưng vẫn chăm chút trong từng cử chỉ. Khách cũng vậy, hồn
nhiên uống trà, không kiểu cách, ngụm trà thơm ngon trong miệng, nhưng
không cảm ơn chén trà, mà chắc chén trà cũng không đòi cúi đầu cảm ơn. Cả cái
sân chùa cũng không đòi cảm ơn, tuy khách uống trà ở chùa là uống cả cái sân
chùa. Ở Việt Nam không có thiền trà chăng? Đâu phải! Cứ lên chùa uống trà thì
biết: chén trà ở chùa vẫn khác. Không kiểu cách mà vẫn khác. Không lễ nghi mà
khách vẫn nâng chén trà thận trọng khác thường ngày. Chưa kể, lúc được song
ẩm với sư, chén trà chỉ còn là hương thơm.
Vậy thì nghệ thuật uống trà ở chùa là thế nào? Có gì là nghệ thuật trong đó
chăng? Giữa lễ nghi của trà thất ở Nhật và cái phong cách chẳng có gì là lễ nghi
cả ở trong chùa, có chỗ nào gặp nhau không? Miên man, tôi nghĩ là có. Gặp nhau
ở chỗ đơn sơ. Đơn sơ ở trong chùa thì dễ thấy. Đơn sơ như cái hồn diễn đạt qua
cả một cung cách lễ nghi như trong trà đạo thì khó nhận ra hơn, nhưng ở đâu
cũng vậy thôi, uống trà là để hòa, để kính, để tịnh, để tịch với thiên nhiên, với
người trước mặt, với đồ vật chung quanh, với chén trà. Nghệ thuật nằm ở chỗ
ấy: đơn sơ nào cũng cần có chút lễ nghi, nhưng tinh túy của lễ nghi là đơn sơ.
Tôi thích câu chuyện này, của một thiền sư người Mỹ kể về thầy của mình,
một thiền sư người Nhật. Một hôm, ông đến phi trường New York đón thầy. Máy
bay đến trễ, giờ uống trà buổi sáng đã qua, trò tỏ ý tiếc. Thầy nói: “Đâu có trễ!
Vào đây!”. Thầy trò đưa nhau vào quán ăn trong sân bay, đầy nhóc người. Trò
hoảng hồn, chẳng lẽ thầy làm trà đạo ở đây? Thầy trò ngồi vào bàn. Thầy thản
nhiên rút trong tay nải ra một hộp trà, mở hộp, tìm cái thìa tre, đong đầy một
thìa trà, bảo trò há miệng ra, thảy trà vào miệng, kẹp miệng trò lại với hai ngón
tay, ra lệnh: “Pha nước vào!”.
Dạy bài học đơn sơ của trà đạo đến mức đó thì tuyệt chiêu. Đơn sơ là tinh
túy của thiền.
Tôi nhớ đến câu chuyện đó một buổi sáng sớm trên núi Yên Tử, cuối thu vừa
qua. Tôi đến Yên Tử lúc bốn giờ chiều, không biết rằng cáp treo đã hỏng. Ai cũng
nghĩ sức tôi không leo lên núi được, trời lại chiều, đêm sắp xuống. Nhưng đến
Yên Tử mà không leo lên thì có lỗi với tổ tiên, nên phải leo thôi. Hai giờ sau, giữa
bóng đêm, chúng tôi lên đến nửa núi, vào thắp hương trong chùa Hoa Yên, nơi
vua Trần Nhân Tông đến tu.
Ngủ lại đêm trong quán trọ lưng chừng núi, sáng tinh sương hôm sau chúng
tôi thức dậy với mây hồng phớt nhẹ trên núi non hùng vĩ. Như phản xạ, tôi thèm
quá một chén trà. Nhưng trà đâu, bình đâu? May quá, đồng hành với tôi là một
ông sư trẻ, mà, như một chân lý bất diệt, ở đâu có sư thì ở đấy có trà. Cho nên,
sư thoắt đi rồi sư thoắt về với một ấm trà và vài cái chén trong tay. Giữa vũ trụ
lặng yên bước chân thầm của lịch sử, mấy cái chén trà, đặt trên gạch đá, trước
cây đại xưa bảy trăm năm, trong sương thu se lạnh, mang đến một không khí
wabi-sabi mà tôi chỉ biết trong tưởng tượng. Tôi tưởng như nghe bước chân của
Vua một mình leo lên Hoa Yên này đây, vứt quyền hành dưới chân núi. Thốt
nhiên, tôi muốn dâng chén trà trong tay cho núi non Yên Tử. Thốt nhiên, tôi cảm
thấy sự cần thiết thôi thúc của một lễ nghi. Tôi cúi đầu trước chén trà.
Có lẽ thầy Pháp Trí bên cạnh tôi cũng rúng động một tâm trạng như tôi lúc
đó. Có lẽ, đứng trước khí thiêng sông núi, ai cũng có xúc động như tôi. Nhưng,
phút cảm động đi qua, chúng tôi trở lại với ấm trà bình thường, quen thuộc
trong chùa.
Vui vẻ, tôi uống cạn chén trà, uống một hơi thật to khi cạn chén, tuy trà hẩm,
nước hẩm. Rồi nghĩ: như vậy là may lắm rồi, vì ông sư trẻ đồng hành này không
há miệng tôi ra, thảy vào đấy một muỗng trà khô…
Phật dạy: Chỉ có Từ Bi mới hoá giải được Tâm Sân hận.
Chỉ có tình thương và lòng từ bi mới đủ sức xoa dịu và chuyển hóa sự giận dữ đến từ một tâm thức thô kệch và nông cạn.
