TỈNH THỨC TRƯỚC CÁI CHẾT


Hòa thượng Gunaratana – Bình Anson trích dịch


Khi tôi chết, tôi không muốn có những nghi lễ phô trương. Tôi đã viết di
chúc dặn dò nếu tôi chết trong vòng năm mươi dặm của Trung tâm Thiền
quán Bhavana (West Virginia, Hoa Kỳ), những người trong đạo tràng nên
thu xếp hỏa táng thân xác tôi và sau đó, tùy ý xử lý tro cốt. Tôi không quan
tâm. Nếu tôi chết ở nơi khác, họ có thể thu xếp thực hiện bất cứ cách nào họ
muốn.
Sự thật là ngay bây giờ, tôi không thể kiểm soát được thân thể này khi vẫn
còn sống, huống hồ gì sau khi chết? Cho nên tôi không có một ước muốn đặc
biệt nào về cách thức và thời điểm về cái chết của tôi. Tôi sẽ ra đi như khi tôi
đến với cuộc đời này, không có kế hoạch hay lời mời nào.
Tôi mong rằng những thành viên trong đạo tràng này sẽ không quá đau
buồn về cái chết của tôi. Con người chúng ta gắn bó với nhau, và sự gắn bó
này làm chúng ta đau buồn khi người mình yêu thương qua đời. Nhưng sự
gắn bó, bám víu đó không phải là một thực tại. Đó chỉ là một ý nghĩ đơn
thuần.
Chúng ta thật sự có thể bám víu vào bất cứ điều gì hay bất cứ người nào
không? Không thể được. Bởi vì chúng ta – và những người ấy, những thứ ấy
– luôn luôn thay đổi. Chúng ta không thể kiểm soát được. Dù vậy, bất chấp
sự thật này, chúng ta phát sinh ý tưởng muốn bám chặt vào đó. Điều này xảy
ra vì chúng ta không thấy được “anicca” – bản chất vô thường. Nếu chúng ta
bắt đầu thấy sự vô thường, chúng ta có thể rèn luyện tâm ý của mình để có ý
tưởng khác đi, ý tưởng từ bỏ và buông xả.
Khi nhìn lại đời mình, tôi thấy tất cả như là một giấc mơ. Hàng ngàn người
tôi đã từng quen biết bây giờ đã qua đời, những người cùng làng nơi tôi sinh
ra, cùng nơi tôi xuất gia, cùng nơi tôi tu học. Hàng ngàn người ở Sri Lanka,
Ấn Độ, Malaysia, Hoa Kỳ, châu Âu, Nam Mỹ, khắp nơi trên thế giới, họ đều
qua đời, không để lại dấu vết gì, ngoại trừ trong trí nhớ của tôi. Giống như
những giấc mơ khi tôi ngủ. Khi tôi thức dậy, tôi có thể nhớ lại các giấc mơ
đó, nhưng tôi biết chúng không có thật. Rất nhiều người tôi đã từng gặp, nơi
chốn tôi đã đi qua, các bài thuyết giảng tôi đã trình bày, những gì tôi đã thấy:
Tất cả đều đã trôi qua, biến mất. Như giấc mộng.
Bây giờ, trong tuổi già, tôi hiểu về sự vô thường rõ ràng hơn. Khi tôi thức
dậy vào nửa đêm, tôi tập trung tâm ý vào các sự thay đổi tôi đang trải nghiệm
ngay lúc đó. Có thể đó là một cảm giác ngứa ran trên cơ thể, đau nhức hay
đau nhói nơi thân, cảm giác trong tâm trí khi vừa thức giấc và nhận thức về
hơi thở đang đi ra, đi vào buồng phổi. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy hoan hỷ vì
tôi thấy được mọi sự việc thay đổi rất nhanh, và tôi biết điều này giúp tôi
hiểu thêm rõ hơn về sự vô thường.
Có khi một cảm thọ lóe lên như một tia sáng nhỏ, trong đó có kèm theo
tưởng, hành và thức. Bắt đầu là xúc, khi căn và trần đến với nhau. Ngay lúc
đó có sự nhận biết, rồi khởi sinh thọ và tưởng. Những điều này xảy ra rất
nhanh, ta không thể tách rời chúng được. Chúng ta dùng từ ngữ để tách rời
chúng, nhưng sự trải nghiệm chính nó thì không thể. Tâm trí không thể phân
biệt được. Do đó, không có lý do gì chúng ta phải sợ chết hay thương tiếc về
cái chết. Chuỗi thay đổi xảy ra liên tục, và kết thúc của chuỗi đó được gọi là
chết.
Ngay cả một đứa bé cũng có thể hiểu được điều đó. Ta bảo nó:
“Hãy nhìn vào cái hoa này. Hãy ngắm nhìn nó từ sáng đến tối.”
Vào buổi sáng, các cánh hoa còn tươi đẹp. Đến chiều tối thì khô héo.
Chuyện gì xảy ra? Sự tươi sáng đó, màu sắc đó, vẻ đẹp đó đã bị thay đổi bởi
thực tế của vô thường. Hoa đó đã thay đổi, cũng như mọi thứ khác trên đời.
Thật là ngộ nghĩnh trong thời đại công nghệ cao này của lịch sử loài người,
chúng ta vẫn còn giữ được một cỗ máy lỗi thời để chỉ cho ta thấy sự vô
thường: Đó là cái đồng hồ!
Tiếng kêu tích tắc không ngừng không những chỉ cho thấy thời gian trôi
qua, mà còn cho thấy sự thật về vô thường. Ta học được bài học quan trọng
từ cái đồng hồ: Mỗi thời khắc hiện tại là khác biệt với thời khắc trước đó, và
cũng khác biệt với thời khắc tiếp theo, và thời khắc sau đó.
Bất cứ khi nào ta nhắm mắt hành thiền, ta không trải nghiệm gì khác ngoài
sự thay đổi. Cho dù đó là một ý nghĩ, một cảm giác, một ý tưởng, một hồi
tưởng, hay cơn đau nhức trên thân – tất cả đều đến rồi đi, đến rồi đi, liên tục
như thế. Trong khoảnh khắc tiếp theo, nếu tất cả đều ngưng lại, thì đó gọi là
chết. Không có gì lạ lùng, không có gì mà không quen thuộc. Đây chỉ là sự
thật của vô thường. Và chúng ta phải làm quen với sự thật này.
Nếu được như thế, cuối cùng rồi là chấm dứt sự sợ hãi của chúng ta về cái
chết. Chỉ khi đó, đau khổ của chúng ta mới chấm dứt.

Advertisement

Nhận Biết Tâm Bệnh của Mình


Một lần nọ Đức Phật và các học trò thấy một con chó chóc, đó là một loại chó sống trong rừng. Con chó chạy ra khỏi rừng, nơi cư ngụ của nó. Nó đứng một lát lại chạy vào bụi rậm. Sau đó lại chạy ra, rồi lại chạy vào một bộng cây. Sau đó lại chạy ra khỏi bộng cây, đứng một lát, chó lại chạy, rồi lại nằm, nằm một lát, nó lại nhảy đi. Thì ra con chó chóc này bị lác. Lác làm nó ngứa ngáy khó chịu, bởi thế nó chạy cho đỡ ngứa, nhưng rồi vẫn không hết ngứa nó bèn đứng lại. Vẫn cảm thấy khó chịu, nó bèn nằm xuống, rồi lại nhảy vào bụi rậm, vào bộng cây. Chẳng bao giờ nó chịu ngừng nghỉ. Đức Phật thấy thế dạy các đệ tử rằng: Này các thầy tỳ khưu, các thầy có thấy con chó chóc lúc chiều không? Lúc đứng, nó đau khổ; lúc chạy, nó đau khổ; lúc ngồi, nó đau khổ; lúc nằm, nó đau khổ. Nó than trách: đứng làm nó khổ, ngồi làm nó khổ… nó than trách chạy, nó than trách nằm, nó than trách bộng cây, nó than trách bụi rậm.


Thật ra không phải những điều trên làm nó bất an. Cái làm cho nó bất an chính là bệnh lác. Chúng ta chẳng khác nào một con chó chóc. Sự bất mãn, sự không hài lòng của chúng ta phát sinh từ tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm của chúng ta. Bởi vì không thực hành pháp thu thúc lục căn nên ta than trách sự đau khổ bên ngoài. Dầu sống ở Thái Lan, ở Mỹ hay ở Anh quốc, chúng ta đều không hài lòng. Tại sao không hài lòng? Bởi vì chúng ta có sự hiểu biết sai lầm. Chỉ có vậy thôi. Thế nên, bất kỳ đi đến đâu ta cũng không hài lòng. Khi con chó chóc lành bệnh lác thì đi đâu nó cũng thoải mái, cũng hài lòng. Cũng vậy, khi không còn tà kiến, không còn hiểu biết sai lầm, thì đi bất kỳ nơi đâu, ta cũng cảm thấy thoải mái, cũng thấy hài lòng.(Trích Ajahn Chah, “Chỉ Là Một Cội Cây”)

Nào, hãy Dừng lại và nên nói thế này: Happy Thanksgiving to Everyone!

Mọi tình huống trong cuộc đời này chỉ mang tính cách tạm thời mà thôi.  Vì vậy, mỗi khi chúng ta có những ngày hạnh phúc và dễ thương, thì hãy nên đón nhận và tận hưởng nó một cách trọn vẹn. Còn như mỗi khi cuộc sống có những điều không vui, thì hãy nhớ rằng nó sẽ không là mãi mãi và điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong nay mai thôi.

ĐỨC PHẬT VÀ QUỶ ALAVAKA

(Những câu hỏi và sự trả lời minh triết của đức Phật)

  1. Quỷ hỏi: “Sống thế nào gọi là cao thượng nhất?”

Đức Phật trả lời: “Sống với trí tuệ gọi là cao thượng nhất”.

Trí tuệ là gì? Trí tuệ là sự minh mẫn, người có trí tuệ thường hay nghĩ tới điều hay lẽ phải, tìm cách và tạo ra những gì mới lạ cho đời sống thêm tốt đẹp, từ vật chất đến tinh thần, do đó, Ngài bảo “Sống với trí tuệ gọi là cao thượng nhất”.

  • Quỷ hỏi: “Làm sao vượt qua trùng dương?”

Đức Phật bảo: “Nhờ sức kiên trì vượt trùng dương.”

Trùng dương là biển cả, biển lớn, sức kiên trì là giữ vững một lòng không thay đổi, kiên nhẫn, kiên chí, kiên cường, kiên quyết, thì vượt trùng dương không khó, ví như người muốn giải thoát phải kiên trì tu hành mới giải thoát được vậy.

  • Quỷ hỏi: “Làm cách nào chế ngự phiền não?”

Đức Phật nói: “Nhờ tinh tấn chế ngự phiền não”

Tinh tấn là luôn luôn siêng năng chăm chỉ chuyên cần không ngưng nghỉ, không thoái lui, tiến tới mãi khi làm một việc gì; tinh tấn là năng lực quyết tâm cần mẫn theo đuổi cho tới nơi tới chốn, ví như người tu vừa tu vừa lo đủ thứ chuyện, lúc tu lúc không, lúc tu nhiều, lúc tu ít, nên chẳng bao giờ thành đạt mục đích được; đã không thành đạt được mục đích, làm sao chế ngự được buồn phiền, bởi vậy “nhờ tinh tấn chế ngự phiền não” là vậy.

  • Quỷ hỏi: “Thành đạt trí tuệ bằng cách nào?”

Đức Phật trả lời: “Người kiên trì có niềm tin sáng suốt, thành đạt trí tuệ bằng cách nghe giáo pháp của bậc đại Giác, có khả năng dẫn đến Niết Bàn”.

Nghĩa là người đã có lòng tin kiên cố rồi, nghe đọc giáo pháp của Phật, thực hành tinh tấn kiên cố, sẽ đạt trí tuệ tối thượng, đó là khả năng dẫn tới giải thoát Niết Bàn.

  • Quỷ hỏi: “Làm sao mưu tìm sự nghiệp?”

Đức Phật đáp: “Người làm công việc chính đáng một cách kiên trì nhẫn nại, sẽ tìm được sự nghiệp”.

Công việc chính đáng là chánh nghiệp và chánh mạng, nghĩa là hành động chân chính phải lẽ, tôn trọng giới luật, sống bằng nghề chân chính lương thiện, không làm cho người và vật đau khổ, đó là làm công việc chính đáng; khi làm công việc chính đáng một cách cần mẫn kiên trì, sẽ tạo cho mình cuộc sống đầy đủ trong đạo đức, được quả báo tốt đẹp sau này vậy.

  • Quỷ hỏi: “Cái gì làm cho tình bằng hữu trở nên khắn khít?”

Đức Phật dạy: “Đức quảng đại khoan dung làm cho tình bằng hữu trở nên khắn khít”.

Đức quảng đại là có tâm rộng mở đón nhận, tâm thương người, khoan dung độ lượng là tha thứ cởi mở; nếu cư xử với tâm quảng đại khoan dung giữa bạn bè người thân, tình nghĩa càng ngày càng thắm thiết, không có gì nghi ngờ nữa, bởi vậy, “Đức quảng đại khoan dung làm cho tình bằng hữu trở nên khắn khít” là vậy.

7. Quỷ lại hỏi: “Từ thế gian này tới thế gian khác, làm sao tránh khỏi phiền não?”

 Đức Phật giảng: “Người Cư sĩ có bốn phẩm hạnh:

Chân thật, giới đức, can đảm, bố thí rộng rãi, sẽ không phiền não khi qua đời” là thế nào?

Thành thật là không dối trá có sao nói vậy, không giấu giếm, hỏi cái gì nói cái ấy, không quanh co chẳng nói vòng vo, không che đậy chẳng nói úp mở, không nói phù phiếm chẳng nói bóng nói gió, không nói hoa hòe hoa sói chẳng nói màu mè, không gièm pha nịnh bợ mà nói một cách ngay thẳng.

Giới là giới hạn, ngăn đe ngay thẳng, đức là đạo lý làm người, điều thiện, ơn huệ, Giới đức là những điều hay phải lẽ đúng đạo lý phải theo như:

Ba điều về thân: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm;

Bốn điều về miệng: không nói dối, không nói hai chiều, không nói thêu dệt, không nói ác; và ba điều về ý: không tham lam, không sân giận, không si mê tà kiến.

Can đảm là ý chí quyết tâm thực hành hai điều trên, can đảm chân thật, can đảm thực hành giới đức đầy đủ.

Bố thí rộng rãi là bố thí không giới hạn, không phân chia phân biệt lúc bố thí, tùy khả năng mà bố thí theo phương thức bình đẳng bố thí. Như vậy người nào có được bốn phẩm hạnh: chân thật, giới đức, can đảm, bố thí rộng rãi, sẽ được sinh cõi Trời vô cùng sung sướng, nên hết buồn phiền là vậy.

Khi Quỷ Alavaka đã hiểu những câu trả lời của Đức Phật, và cũng là những lời giảng dạy của Ngài, Quỷ tán thán công đức của bậc Chánh biến tri, và đi các nơi tán thán công đức của Phật.

Như vậy, thế giới Ngạ quỷ cũng có Quỷ đã được học Phật pháp, cũng biết việc thiện ác, chứ không phải là không biết; việc Quỷ Alavaka giết hại người, kể từ lúc được Phật thâu phục giáo hóa rồi, không còn làm việc giết hại người nữa, mà chính quỷ Alavaka đã đi khắp nơi, tán dương công đức và nói giáo pháp cao thượng của Phật trong thế giới Ngạ quỷ.

Cũng giống như cõi Ngạ quỷ, mặc dù cõi Người có Phật pháp, nhưng nhiều người không biết tới Phật Pháp, vẫn có nhiều người làm ác. Chúng ta có thể so sánh việc Đức Phật thu phục giáo hóa Quỷ Alavaka của cõi Quỷ vào hạ thứ 16 (sau khi Đức Phật thành Đạo), giống như Ngài thu phục giáo hóa người sát nhân tên là Angulimala tại Rajagaha trong hạ thứ 20.

Kho Tàng Pháp Học

CÂU KINH TĨNH LẶNG


“Chẳng phải nhờ xe, chẳng phải nhờ ngựa, cũng chẳng phải nhờ
đôi chân thật nhanh thật khỏe mà người đời có thể đi qua hết những
bất an, đến được nơi bình yên… Chỉ khi làm chủ được tâm mình,
không còn để những điều tầm thường cuốn đi, khi đó mới có thể đi
qua hết những bất ổn, đến được bình yên.”
Người trở về, ngồi trước Phật, lắng lòng nghe một thời kinh…
Câu kinh nhẹ như gió, lời kinh nhẹ như mây…
Cuối cùng…
Đem hết cả nửa đời phong sương phiêu bạt, gom góp hết cả nửa
đời hơn thua, mang hết những lợi danh tích góp suốt chừng ấy năm,
vẫn chưa đủ để người đổi được cho mình một ngày bình yên…
Phật mỉm cười thật hiền.
Người mỉm cười xa xăm.
Hóa ra…
Để đến được nơi bình yên, không phải chen lấn tranh giành nhau
để đi, mà là một lần quay đầu dừng lại.
Để có được bình yên trong tay, không phải giành giật gom góp nắm
giữ thật nhiều, mà là một lần biết mở tay ra và đặt xuống.
Ta từng nhìn dòng người tấp nập đẩy nhau đi mà nghe lòng thật
nặng, khi biết người vẫn còn ở đó.
Phải nói to thế nào người mới nghe!
Bao ồn ã và đầy màu sắc…
Câu kinh ta có được lại tĩnh lặng và trong suốt như gió giữa hư
không …
Vô Thường

PHÁP TU TÂM: QUÉT BỤI, TRỪ BẨN


Chu Lợi Bàn Đặc và Ma Ha là hai anh em sinh đôi sinh ra trong một gia đình Bà la môn
ở thành Xá Vệ (Sravasti – Ấn Độ). Người anh cả có trí thông minh hiếu học, còn đứa em tên là Chu Lợi lại chậm lụt, không biết đọc, biết viết, tất nhiên không thể làm tròn trách nhiệm người con thuộc một gia đình tu sĩ.
Sau khi người cha mất, hai người con trai gặp một đệ tử của Đức Phật Thích Ca và không bao lâu sau người anh trở thành thành tu sĩ được theo chân đức Phật và được gia nhập giáo hội. Trong lúc đó Chu Lợi cũng lui tới, nhưng chỉ biết giành ăn với chó mèo mà thôi.
Người anh lớn hỏi ý kiến Ngài A Nan, thị giả của Đức Phật, rằng liệu một kẻ có trí khôn tệ hại như Chu Lợi có được phép gia nhập tăng già chăng. Tôn giả A Nan nói:
“Đem em ngươi lại cho Đức Thế tôn và trực tiếp hỏi ý kiến của Ngài”.


Lúc đầu Chu Lợi không dám lại gặp Đức Phật vì tự thấy không xứng đáng và quá ngu dốt, nhưng nhờ người anh chỉ rằng giáo pháp này lấy lòng từ bi làm chính, nên cuối cùng Chu Lợi mới chịu. Chu Lợi đến gặp Đức Phật một cách sợ sệt. Chỉ nhìn qua, Đức Phật đã thấy ngay tính khiêm tốn và lòng nhân hậu của con người trẻ tuổi này và cho phép Ngài A Nan thu nhận làm môn đồ.

Ba tháng trôi qua, anh chàng Chu Lợi tội nghiệp vẫn không thuộc nổi một câu kinh mà
bất cứ kẻ chăn cừu nào cũng thuộc được. Trong lúc đó thì các vị Tăng sĩ trẻ tuổi đã thuộc nằm lòng từng chồng Kinh sách. Chu Lợi thất vọng hỏi ý kiến Ngài A Nan. Ngài A Nan vừa mới giải thích xong thì đã nhận ra rằng Chu Lợi không thể lĩnh hội gì cả, không có câu nói nào nằm lại trong óc chàng. Tôn giả A Nan tự nhủ:
“Người này gia nhập giáo hội để làm gì khi không thể nhớ điều nào trong đầu?”
Ngài A Nan chỉ ban phước cho Chu Lợi và cho chàng nghỉ việc. Chàng thất vọng, ra ngồi khóc ở vườn cam, khóc mãi cho đến khi Đức Phật đi qua. Đức Phật biết ngay những gì vừa xảy ra và khuyến khích Chu Lợi kể lại câu chuyện. Chàng thút thít:
“Không hiểu điều gì đã xảy ra với con? Con muốn trở thành đệ tử của Thế tôn và được
học pháp của Ngài, thế mà con không nhớ được điều đơn giản nhất. Nghiệp nào làm con không thể hiểu biết được thưa Ngài?”

Đức Phật giải thích, trong kiếp cuối cùng, chàng là một Bà-la-môn thông thái và là người tự cho mình tài giỏi hơn thiên hạ, chê trách không hết lời những quan điểm của người khác. Quá chủ quan, chàng tự cho mình là đạo sư và truyền bá các quan điểm sai lầm làm nhiều kẻ tầm đạo phải lạc lối. Vì sử dụng sai lạc sức mạnh của tư tưởng, Chu Lợi phải nghiệp báo trở thành kẻ ngu dốt trong kiếp này và bị nhiều người chê bai.
Chu Lợi đáp: “Làm sao con thoát khỏi ách nạn này?”
Đức Phật trả lời bằng câu kệ:
“Được bậc hiền giả hướng đạo,
Tốt hơn là được kẻ khờ ca tụng.
Ai biết rằng mình còn vô minh dại dột,
Kẻ ấy mới là một hiền giả đích thực.
Ai tưởng mình là một hiền giả, dù không nói ra,
Thì đích thực là một kẻ dại khờ”.
Sau đó, Chu Lợi được Đức Phật đích thân chỉ dạy. Nhằm làm sáng tỏ đầu óc của Chu Lợi,
Phật bảo chàng ngồi mỗi ngày đều quét Tinh xá và quét các đường đi xung quanh. Trong công việc đó, chàng chỉ nên nhớ đến hai câu duy nhất:
“Quét bụi, trừ bẩn.” (Phất trần trừ cấu).


Ngoài ra, Chu Lợi phải chùi sạch tất cả giày dép của các vị Tăng sĩ khác. Vừa mới cầm
chổi quét, chàng liền quên ngay hai câu kệ. May thay chàng gặp Tôn giả A Nan đang ngồi giữa sân Tinh xá và nhờ nhắc lại hai câu đó.


Sau một thời gian dài, Chu Lợi mới thuộc được hai câu này. Vài tháng sau thì chàng
thuộc lòng và lúc nào cũng lẩm nhẩm câu này, trong khi tay cứ quét bụi và chùi giày từ đôi này qua đôi khác. Đức Phật để tâm quan sát sự cố gắng của vị tiểu tăng này và có cách làm cho lúc nào Tinh xá cũng đầy bụi và giày dép lúc nào cũng lấm bùn để Chu Lợi có việc làm liên tục từ sáng đến tối. Với sự cẩn trọng và tha thiết, qua 6 năm Chu Lợi từ từ đi vào chiều sâu của câu nói: “Thế tôn nói bụi là muốn nói bụi ở bên ngoài hay bên trong? Mà bụi ở bên trong là gì? Đó là các phiền não, tham, sân, si, áo, mạn, nghi, tà kiến v.v… Trừ sạch được các bụi dơ đó mới thật là khó, phi người kiên trì và đầy đủ Trí tuệ thì không thanh trừ nổi”. Cứ thế, chàng trở thành người đệ tử chuyên sâu nhất, đồng thời, chàng vẫn miệt mài, chu đáo đi phụng sự các bạn đồng tu.
Ngày nọ, Chu Lợi tung chổi quét bụi, và tâm thức đại định của chàng đã đạt đến mức
rất sâu thì một câu kệ của Đức Phật bỗng nhiên bừng sáng, trở thành một câu Kinh đầy ý pháp, một câu chàng không biết và cũng chưa bao giờ nghe:
Tham mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Tham mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.
Sân mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này,
Sân mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.
Si mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Si mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo Pháp
Của vị không bụi bẩn.
(Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)
Chu Lợi nghe các lời kệ đó và trực nhận ra rằng cái Tôi giả tạo do ba thứ tham đắm


(Tham), giận dữ (Sân) và vô minh (Si) sinh ra. Như một người tỉnh dậy từ một cơn ác mộng, chàng thấy rằng lâu nay mình cứ tự động hòa mình với cái Tôi, cái đó không gì khác hơn là một lớp dơ bẩn mà chàng vừa quét đi. “Rõ như ban ngày, hoàn toàn rõ ràng. Cảm tạ đức Thế tôn”. Chàng đứng đó, tay còn cầm chổi, nhưng đã đi xuyên suốt hết các tầng bụi bặm của tâm để trở về với tự tính tâm thanh tịnh vô nhiễm! Qua thời gian rèn luyện, Chu Lợi phủi sạch được 3 độc tham, sân, si từ trong đáy lòng. Trước ngũ dục, Chu Lợi không động tâm, không ý niệm phân biệt hận thù, ganh ghét đố kỵ, tâm nhập với lý pháp giới bình đẳng, dứt hết vô minh, hoàn toàn Giải thoát. Để nhờ Phật ấn chứng, Chu Lợi đến trước Phật bái yết và trình bày sự chứng ngộ. Đức Phật tán thán Chu Lợi, tập họp đại chúng và dạy rằng:

  • Này các Tỳ kheo! Người đọc tụng hàng ngàn quyển kinh nhưng không hiểu ý nghĩa của kinh cũng không theo ý kinh để hành trì, ích lợi không bằng việc chỉ đọc một câu kệ mà thấu rõ nghĩa lý và quyết tâm hành trì. Chu Lợi Bàn Đặc trước đây rất ngu muội, nhưng nhờ quyết tâm thọ trì một câu kệ ngắn mà được nhập chứng. Chu Lợi là một tấm gương sáng cho tất cả noi theo trên bước đường tìm cầu đạo lý nhập Thánh, siêu phàm.Trong các đệ tử, Đức Phật xem kẻ quét bụi Chu Lợi là người khôn khéo nhất khi chuyển hóa tâm thức. Ngày nay người ta vẫn nói những ai muốn phát triển tâm thức nên thành âm cầu nguyện đến sự gia trì của A La Hán Chu Lợi, nhất là khi nghe giảng pháp mà họ không hiểu cũng chẳng nhớ gì. Tôn giả Chu Lợi là một thí dụ lịch sử sinh động nhằm minh chứng rằng, lòng từ bi và tâm chí thành tha thiết thực hành Phật pháp có khi quan trọng hơn một đầu óc tri thức thế gian sắc sảo.
    Trưởng lão Chu Lợi Bàn Đặc (tiếng Phạn là Cūlapanthaka, tiếng Tạng là Chunda) là một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật với danh hiệu “Bậc Liễu nghĩa đệ nhất”. Trong Tăng chi, Chương Một Pháp, liệt kê các vị Tỳ kheo đại đệ tử, Ngài Chu Lợi được nhắc đến 2 lần:
  • Trong các vị đệ tử Tỳ kheo của Ta, có thể dùng ý hóa thân, tối thắng là Cūlapanthaka.
  • Trong các vị đệ tử Tỳ kheo của Ta, thiện xảo về tâm thắng tiến, tối thắng là
    Cūlapanthaka.

Trong Tăng nhất A-hàm, Chương Một Pháp, thuộc Hán tạng, cũng có đề cập đến Ngài:

  • Tỳ kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về tài hay thay hình đổi dạng, tạo mọi thứ biến hóa, chính là Tỳ kheo Chu Lợi Bàn Đặc.

(Lược trích ấn phẩm “Sư tử tuyết bờm xanh”
Nguyên tác: “The Snow Lion’s turquoise mane”
Việt dịch: Nguyễn Tường Bách

SUY NGHIỆM LỜI PHẬT: PHE PHÁI, TRANH CHẤP BỞI VÌ ĐÂU?


Chuyện bắt đầu từ việc môn đệ của Ni-kiền Tử tranh chấp, đấu đá, triệt hạ lẫn
nhau sau khi bậc tôn sư của họ vừa qua đời. Thực tế ngày nay, các chuyện đại loại
như thế vốn cũng không lạ.
Điều đáng ngạc nhiên là vào thời Chánh pháp, một Sa-di sơ cơ học đạo đã bắt
đầu để ý đến việc này, một Tỳ-kheo trưởng thành như A-nan lại đặc biệt lưu tâm
đem thưa hỏi Thế Tôn. Có lẽ bấy giờ trong Tăng, mầm mống của phe phái và tranh
chấp cũng đã xuất hiện nên nhân chuyện người trước mắt, Tôn giả A-nan đã trình
lên Thế Tôn để lo cho chuyện nhà về sau.
“Một thời, Phật ở tại nước Ca-duy-la-vệ, trong khu rừng của Ưu-bà-tắc Miếnkỳ,
cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 1.250 người.
Bấy giờ, có Sa-di Châu-na, ở tại nước Ba-ba, sau an cư mùa hạ, cầm y bát, đi lần
đến nước Ca-duy-la-vệ, trong vườn Miến-kỳ; đến chỗ A-nan, cúi đầu lễ dưới chân,
rồi đứng sang một bên, bạch A-nan rằng:
Có Ni-kiền Tử trong thành Ba-ba, chết chưa bao lâu, mà các đệ tử của ông đã
chia làm hai phe. Họ tranh chấp nhau, trực diện mắng chửi nhau, không còn phân
biệt trên dưới; tìm tòi khuyết điểm của nhau, ganh đua kiến thức với nhau rằng: Ta
có thể biết điều này; ngươi không thể biết điều này. Hành động của ta chân chính,
còn ngươi là tà kiến. Ngươi đặt cái trước ra sau; để cái sau ra trước; điên đảo, thác
loạn, không có phép tắc. Những điều ta làm thật là vi diệu. Những điều ngươi nói
thì sai lầm. Ngươi có điều gì nghi ngờ, cứ hỏi ta.
Bạch Đại đức A-nan, bấy giờ, những người thờ Ni-kiền Tử trong nước này nghe
những tranh tụng như vậy sinh lòng chán ghét.
A-nan nói với Sa-di Châu-na:
Ta có điều muốn bạch Thế Tôn. Ngươi hãy đi với ta, trình bày Thế Tôn về sự việc
này. Nếu Thế Tôn có răn dạy điều gì, chúng ta hãy cùng phụng hành.
Rồi thì, Sa-di Châu-na sau khi nghe A-nan nói bèn cùng đi theo đến chỗ Thế Tôn.
Sau khi cúi lạy dưới chân Thế Tôn, bèn đứng sang một bên. Lúc bấy giờ, A-nan bạch
Thế Tôn rằng:
Sa-di Châu-na này, sau an cư mùa hạ ở nước Ba-ba, cầm y bát, đi lần đến đây.
Sau khi đảnh lễ dưới chân con, nói với con rằng:
Có Ni-kiền Tử trong thành Ba-ba, … Bấy giờ, những người thờ Ni-kiền Tử trong
nước này nghe những tranh tụng như vậy sinh lòng chán ghét.
Thế Tôn nói với Châu-na:
Quả vậy, Châu-na, trong phi pháp ấy không có gì đáng để nghe. Đó không phải
là những điều được nói bởi bậc Chánh đẳng Chánh giác. Cũng như ngôi tháp đổ nát,
khó có thể bôi màu. Kia tuy có thầy, nhưng thảy đều ôm giữ tà kiến. Tuy có pháp,
nhưng thảy đều không chân chánh, không đáng để nghe theo, không có khả năng
xuất ly, không phải là những điều được nói bởi Bậc Chánh đẳng Chánh giác. Cũng
như ngôi tháp đổ nát không thể bôi màu vậy”.
(trích – Kinh Trường A-hàm, kinh Thanh tịnh, số 17)
Đức Phật nhân việc tranh chấp của môn đệ Ni-kiền Tử đã thẳng thắn chỉ ra rằng,
nguyên nhân gốc rễ của tranh chấp là tuy có thầy nhưng do mỗi người đều “ôm giữ
tà kiến”, tuy có pháp mà “không chân chánh, không có khả năng xuất ly”. Chính vì
nhận thức sai lệch, hiểu biết không chính xác về những lời dạy của bậc thầy, chấp
thủ quan điểm của mình cho là đúng nhất, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh
cãi, tranh chấp. Mặt khác, việc ứng dụng hành trì giáo pháp của bậc thầy vào thực
tiễn đời sống không có kết quả an lạc, không có khả năng vượt thoát các dính mắc,
xa lìa mọi cám dỗ nên dẫn đến tranh chấp đấu đá lẫn nhau.
Hình ảnh “ngôi tháp đổ nát, khó có thể bôi màu” đã cho thấy sự tiên lượng
chính xác của Thế Tôn về sự phân ly, chia rẽ của đại chúng ở tương lai. Thế nên, để
thiết lập hòa hợp như nước với sữa thì mỗi người cần phá bỏ chấp thủ tà kiến, tôn
trọng sự thật và học cách chấp nhận nhau. Nhất là, cần phát huy những giá trị và
lợi ích thiết thực của pháp hành (Bát Thánh đạo) để chuyển hóa, nhẹ nhàng, thong
dong không bị ràng buộc. Tháo gỡ được hai nút thắt căn bản này thì những tranh
chấp, tranh đấu sẽ được loại trừ dần và hướng đến hoàn toàn chấm dứt.


Quảng Tánh