TẤM MÀN THÁC NƯỚC


Nếu bạn có dịp đến Nhật và ghé qua thăm tu viện Eiheiji, trước khi vào
bạn sẽ thấy một chiếc cầu nhỏ tên là Hanshaku-kyo, có nghĩa là cây cầu Nửa
Thìa. Ngày xưa khi thiền sư Đạo Nguyên dùng muỗng múc nước từ dòng
sông này, ông chỉ lấy phân nửa mà thôi, phần còn lại ông trả cho dòng sông
mà không phải đổ đi. Vì vậy mà cây cầu này có tên là Hanshaku-kyo, “Nửa
Thìa.”
Thật khó mà hiểu lý do vì sao ngài Đạo Nguyên lại trả nửa phần nước
ông đã múc trở lại với dòng sông. Việc làm đó nằm ngoài sự hiểu biết của
chúng ta. Khi chúng ta cảm nhận được mình là một với dòng sông, tự nhiên
chúng ta sẽ hành động y như ngài Đạo Nguyên. Thực tánh của ta là như vậy.
Nhưng nếu thực tánh của ta bị những ý niệm như là tiết kiệm, hiệu quả xen
vào làm che mờ, thì hành động của ngài Đạo Nguyên hoàn toàn vô nghĩa.
Một Tấm Màn Nước
Tôi có lần đến thăm Công viên Quốc gia Yosemite, nơi đây tôi thấy nhiều
thác nước thật to. Thác cao nhất có đến 1340 bộ, từ trên cao nước đổ xuống
như một tấm màn buông xuống từ đỉnh núi. Nước không rơi nhanh như bạn
tưởng mà dường như thật là chậm vì khoảng cách cao. Và nước không rơi
xuống thành một khối mà lại tách ra thành nhiều dòng nhỏ. Từ đằng xa
trông giống y như một tấm màn.
Và tôi nghĩ rằng, mỗi giọt nước rơi từ trên đỉnh núi xuống, chắc là trải
qua nhiều kinh nghiệm khó nhọc lắm. Nó phải mất biết bao nhiêu lâu mới
có thể chạm đến đáy của thác nước. Và tôi chợt nghĩ, có lẽ kiếp người cũng
giống như thế. Trong cuộc sống, ta trải nghiệm biết bao nhiêu nỗi khó khăn.
Nhưng cùng lúc đó, tôi hiểu, dòng sông ban đầu chỉ là một, nó không hề có
sự chia rẽ. Và chỉ khi nào bị tách rời ra nó mới có một sự khó khăn khi rơi
xuống.
Dường như nước không có một cảm giác nào hết, khi nó trọn vẹn là một
dòng. Chỉ khi nào chúng tách rời ra thành nhiều giọt nước nhỏ mà chúng
bắt đầu có cảm xúc và có thể biểu hiện sự sống. Khi nhìn dòng sông một
cách toàn thể ta sẽ không nhận được những sinh hoạt của nước. Nhưng khi
ta múc lên trong một muỗng nước, ta sẽ kinh nghiệm được cảm giác của
nước, và ta cũng sẽ cảm nhận được giá trị của người múc nước. Và khi cảm
nhận được ta và nước như thế, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nào sử dụng
nước như là một đồ vật bình thường. Nó là một sự sống.
Một Giọt Nước Thì Cũng Vẫn Là Nước.
Sở dĩ chúng ta có những khó khăn là vì ta có cảm thọ. Ta bám víu vào
những cảm thọ này mà không ý thức được chúng bắt nguồn từ đâu. Vì
không thấy được rằng ta là một với dòng sông, mà ta đâm ra sợ hãi. Dầu cho
nước có tách ra thành từng giọt nhỏ hay không, thì nước vẫn là nước.
Chuyện sanh tử của ta cũng giống y như vậy. Hiểu được sự thật ấy ta sẽ
không còn sợ cái chết và sự sống nữa, mình sẽ được tự tại hơn.
Khi nước trở về hội nhập với dòng sông nguyên thủy, lúc ấy nó sẽ không
còn giữ một cảm thọ riêng biệt nữa. Nó tiếp nối tự tánh của mình và tìm lại
được sự an ổn của lúc ban đầu. Dòng sông lúc ấy chắc là vui mừng lắm. Nếu
như vậy thì chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi mình chết đi? Tôi nghĩ chúng
ta sẽ giống như nước trong chiếc thìa nọ. Chúng ta sẽ cảm thấy an ổn, một
sự an ổn hoàn toàn.
Một Cảm Nhận Toàn Vẹn.
Nhưng nói thì bao giờ cũng dễ, còn thật sự cảm nhận được điều ấy mới
là khó. Bằng thiền tập, ta có thể vun trồng, nuôi dưỡng được cảm nhận này.
Khi ta có thể ngồi với thân tâm mình một cách trọn vẹn, ta sẽ có được một
sự hiểu biết chân chánh.
Cuộc sống hằng ngày của bạn sẽ được luôn luôn đổi mới, không còn bị
mắc kẹt vào những quan niệm sai lầm của quá khứ. Nhờ vậy mà ta cũng
nhận thấy được sự phi lý của những thành kiến xưa cũ, và biết bao nhiêu nỗ
lực vô ích mà ta đã cố công thực hiện. Ta sẽ hiểu được ý nghĩa thật sự của
cuộc đời. Đến lúc ấy, cho dù hành trình rơi từ đỉnh núi xuống đáy thác có
gặp nhiều gian truân, ta vẫn yêu quý cuộc đời mình.
— Shunryu Suzuki
Duy Nhiên dịch

Advertisement

QUAY VỀ HỌC LẠI BÀI HỌC NƠI CHÍNH MÌNH


Sở dĩ chúng ta mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau là vì
thân tâm luôn hướng ngoại tìm cầu đối tượng của lòng tham muốn. Được thì vui
mừng, thích thú nên cố tranh giành, chiếm đoạt…
Không được thì buồn phiền, bất mãn rồi đâm ra thất vọng, hận thù… Cứ thế
tham sân càng ngày càng dày đã che lấp không cho chúng ta thấy được sự thật,
đó chính si mê.
Tham – sân – si liên kết với nhau trở thành một thành trì vô minh ái dục sâu
dày. Từ đó chúng ta sa lầy trong thế giới bên ngoài. Để thỏa mãn những đòi hỏi
của bản thân (ngã), chúng ta càng ngày càng đi xa trên đường dong ruổi tìm
kiếm, và đã quên mất chính mình, thân tâm đã hoàn toàn bị phân tán và lạc lối
trong thế giới đầy màu sắc, âm thanh, hương vị, và sự xúc chạm hấp dẫn bên
ngoài.
Chúng ta hành động, đấu tranh, xây dựng, hủy diệt… đó chính là nghiệp báo.
Hậu quả tất nhiên là chúng ta gặt hái vô vàn phiền não khổ đau, đằng sau những
thú vui tạm bợ, mà chúng ta gọi là hạnh phúc!
Trong lúc đau khổ, hoặc là chúng ta cứ than trời trách đất, đổ lỗi cho hoàn
cảnh, cho người khác, thậm chí cho cả ma quỉ, thánh thần, hay cho một đấng tạo
hóa tưởng tượng nào đó, hoặc là chúng ta ước mơ hướng tới một cảnh giới cực
lạc để rồi chỉ càng đau khổ hơn, thất vọng hơn mà thôi. Cùng đường chúng ta lại
cầu khẩn van xin bồ-tát hay thiên, thần, quỉ, vật, mà không biết rằng tất cả những
phiền não khổ đau đều phát xuất từ chính mình, từ những ước mơ và thất vọng
ấy, chứ không phải do ai hay từ đâu đến.
Vậy để thoát khỏi những sai lầm do tà kiến và tham ái xúi giục đưa đến phiền
não khổ đau, cách duy nhất là chúng ta phải trở về học lại bài học nơi chính
mình. Phải quan sát sự vận hành của thân tâm để thấy rõ sự tương giao trong
mối quan hệ nhân quả, sinh diệt của các pháp bên trong cũng như bên ngoài. Đó
là lý do tại sao Đức Phật dạy pháp hành thiền tuệ trên bốn niệm xứ.
Hòa Thượng Viên Minh

NHÂN PHẨM LÀ CÂY, THANH DANH LÀ BÓNG.


Tài sản thực sự của một người không phải là vẻ ngoài xinh đẹp, cũng
không phải là tiền bạc của cải, mà là nhân phẩm, phẩm chất, phẩm giá con
người. “Nhân phẩm” là giấy thông hành của cuộc sống. Trong xã hội hiện
đại thiên biến vạn hóa như ngày nay, nhân phẩm là chỗ nương tựa cuối cùng
của tâm linh con người.
Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln viết về phẩm chất con người: “
Phẩm chất của con người giống như cây cối, thanh danh của con người giống
như bóng cây, chúng ta thường thường suy xét đến bóng cây mà lại không
biết cây cối mới là cái gốc”.
“Làm người trước, làm việc sau”. Nhân phẩm tốt là của cải lớn nhất của
một người. Nó hình thành nên địa vị và thân phận của con người đó. Nó
cũng là bằng cấp cao nhất của người đó, là báu vật của đời người đó có.
Nhân phẩm là học vấn cao nhất
“Người không có nhân phẩm tốt, không có đức thì không thể làm nên việc
gì, bởi vì đức chính là điều quan trọng nhất trong việc tu thân”. Và : “Người
thực sự có tài và đức mới là nhân tài thực sự”.

  • Xưa nay, giữa đức và tài, thì đức luôn đặt vị trí cao nhất.
    Có Tài: rất cần, nhưng chỉ là phụ, Có Đức mới là quan trọng,
    Người có tài năng mà không có nhân phẩm tốt thì rất nguy hiểm, không
    nên chọn dùng.
    Trong một công ty, cho dù là có cách quản lý chặt chẽ đến đâu đi nữa,
    một khi phân công chức vị lớn cho người có nhân phẩm không tốt thì cũng
    giống như công ty ấy đang ẩn chứa một mối nguy họa.
    Nếu như một tổ chức có người mỗi ngày đều nghĩ cách chiếm lợi riêng
    cho mình thì người ấy đáng trọng dụng sao?
    Một người có năng lực lớn nhưng lại có nhân phẩm không tốt thì năng
    lực càng lớn càng phản tác dụng.
    Vậy nên, nhân phẩm là vô cùng quan trọng. Đời người có thể không có
    học vị nhưng không thể không có học vấn, lại càng không thể không có nhân
    phẩm. Nhân phẩm là học vị cao nhất, vừa có tài vừa có đức mới thực sự là
    người trí tuệ, là nhân tài chân chính.
    Phẩm giá là của cải quý giá nhất. Nhân phẩm tốt chính là vòng nguyệt
    quế và vinh quang của đời người. Nó là của cải quý giá nhất của người đó.
    Nó cấu thành nên thân phận và địa vị của của người đó. Nó là toàn bộ tài
    sản thuộc về phương diện danh dự của riêng người đó.
    “Làm người trước, làm việc sau”
    Đạo lý ngàn đời không thay đổi mà các cụ đã dạy.
    Một người cho dù có thông minh đến mức nào, có tài năng lớn đến đâu,
    hoàn cảnh gia đình có tốt đến mức độ nào mà không hiểu được rằng phải
    làm người trước, nhân phẩm sẽ rất kém, thì sự nghiệp và các mối quan hệ
    của người ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí, người ấy sẽ không thể
    xây dựng được sự nghiệp trong cuộc đời mình. Chỉ có người hiểu rằng “làm
    người trước, làm việc sau” mới làm thành được việc lớn.
    Có câu:
    Đức hạnh là nguồn nước,
    Tài năng chỉ như sóng nước,
    Đức là cái gốc của cây
    Còn tài chỉ như cành cây mà thôi”.
    Bởi vậy mà trong thuật làm người hay làm việc, đều nhấn mạnh rằng:
    “Lấy đức làm đầu”. Một người có nhân phẩm tốt thì người ấy tự đã có phẩm
    chất hào quang, đi tới bất kỳ nơi đâu thì đều sẽ tỏa sáng.
    Tiếng Lòng
    Namo Buddhaya

KHỞI LÊN Ý NIỆM CAI TRỊ, QUẢN LÝ VÀ LÃNH ĐẠO LIỀN RƠI VÀO LƯỚI MA


Một thời Thế Tôn ở Kosala, dưới chân núi Tuyết Sơn, tại một am thất nhỏ
trong rừng. Trong khi Thế Tôn thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi
lên: Có thể chăng cai trị mà không giết hại, không để người giết hại; Không
chinh phục, không khiến người chinh phục; Không sầu muộn, không khiến
người sầu muộn một cách đúng pháp?
Rồi Ác ma, biết được tâm tư Thế Tôn như vậy, liền đi đến nói với Thế
Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị.

– Này Ác ma, ông thấy gì mà ông nói với Ta như vậy?

– Bạch Thế Tôn, bốn như ý túc đã được Thế Tôn tu tập, làm cho sung mãn,
khéo áp dụng. Và bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn muốn núi Tuyết Sơn, vua các
loài núi trở thành vàng, Thế Tôn có thể quyết định như vậy, và ngọn núi có
thể trở thành vàng.

Thế Tôn nói kệ:
Dầu cho cả ngọn núi
Trở thành toàn vàng ròng
Cho đến hóa gấp đôi
Cũng không thỏa mãn được
Tham vọng của một người
Biết vậy để hành trì
Ai thấy rõ đau khổ
Và nguyên nhân đau khổ
Làm sao người như vậy
Có khuynh hướng ái dục?
Sau khi biết sanh y
Là ràng buộc ở đời
Người biết vậy nên học
Giải trừ mọi buộc ràng.

Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, sầu khổ,
thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 4, phẩm 2, phần Thống trị)


Pháp thoại này cho thấy Thế Tôn đã từng nghĩ đến việc thiết lập một xã
hội đức trị lý tưởng trong đó có cai trị mà “không giết hại, không để người
giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu
muộn, không khiến người sầu muộn”.
Quả đây là một ý tưởng tuyệt vời, tâm nguyện vì chúng sanh cao cả.
Nhưng khi Thế Tôn vừa khởi lên tư tưởng này thì ác ma liền nắm bắt đồng
thời cất lời xưng tán và động viên Ngài hãy thiết lập sự cai trị. Ngay lập tức,
Thế Tôn biết được ác ma đang lợi dụng lòng tốt của Ngài nên liền xả niệm,
an trụ vào vô tâm, tịch tịnh.
Với trí tuệ của bậc Giác ngộ, Ngài thấy rằng dù cho làm được điều khó
làm nhất như biến ngọn Tuyết Sơn thành một khối vàng ròng nhưng nếu
tâm tham chưa điều phục thì việc ấy chỉ tăng trưởng tham vọng, chấp thủ
và buộc ràng mà thôi. Điều này thật đáng để cho những đệ tử Phật suy tư
trước những hoài bão độ sanh to lớn, những Phật sự bộn bề và nhất là nỗ lực
để cải thiện và kiện toàn các hình thái tổ chức xã hội cũng như Giáo hội…
trong khi thân tâm còn nhiều ràng buộc và giới hạn của tập khí, phiền não.
Ác ma luôn ca ngợi và khuyến khích hành giả (chưa giải thoát) tham gia
quản trị xã hội (cũng như giáo hội) nhưng thực chất là đánh lạc hướng chúng
ta lệch khỏi mục tiêu giải thoát và tăng trưởng tham ái quyền lực. Do đó, tùy
duyên mà làm lợi ích cho đời, làm tất cả những hạnh lành nhưng phải buông
xả tất cả, vô chấp để vượt qua mọi kềm tỏa và lợi dụng của ác ma.
QUẢNG TÁNH

NHỮNG ĐIỀU CẢ ĐỜI TA CẦN HỌC

  1. HỌC CÁCH TỰ MÌNH VƯƠN LÊN
    Đừng bao giờ hy vọng rằng người khác sẽ bố thí cho bạn bất kì đồng tiền
    nào, vì tiền đối với mỗi người trên thế giới đều không bao giờ là đủ. Người
    có ít tiền sẽ muốn làm 2 chuyện, người có nhiều tiền muốn làm 20 chuyện;
    không có ai thừa tiền để cho bạn hàng ngày.
  2. HỌC SỐNG MẠNH MẼ
    Phải ghi nhớ một điều rằng không phải lúc nào bạn gặp khó khăn cũng
    có người bên cạnh giúp đỡ, những lúc như thế bạn càng phải mạnh mẽ lên,
    độc lập tự giải quyết, kiên cường bước tiếp, dũng cảm đối mặt với mọi hiểm
    nguy.
  3. ĐỪNG QUAN TÂM ĐẾN SỰ GIÀU NGHÈO CỦA KẺ KHÁC
    Đừng bao giờ nhìn vẻ bề ngoài của người khác để kết bạn, sự giàu có của
    họ không liên quan gì tới một xu của bạn. Có thể cả gia tài của họ đáng giá
    hàng tỷ đồng nhưng khi bạn không có cơm ăn họ sẽ chỉ cho bạn một chiếc
    bánh mì đã là quý lắm rồi đó!
  4. HỌC THẤU HIỂU VÀ SỐNG ĐỘ LƯỢNG
    Bạn bè dang tay giúp đỡ là một việc đáng để biết ơn, không thể giúp đỡ
    cũng không nên trách cứ, càng không nên nuôi hận trong lòng. Không phải
    ai cũng có khả năng cưu mang hay giúp bạn suốt đời.
  5. HỌC CÁCH TÌM HẠNH PHÚC NỘI TÂM
    Đừng chỉ vì sự giàu có về tiền bạc mà quên đi những hạnh phúc trong
    tâm hồn. Sẽ có một ngày bạn nhận ra, những bạn bè giàu có có thể cùng bạn
    ăn chơi nhảy múa, đưa bạn đi hết quán xá này đến cửa tiệm nọ, và họ cũng
    có thể lôi bạn vào xã hội phức tạp, nơi mà đồng tiền là thước đo của mọi giá
    trị. Hãy nhớ rằng những cuộc vui ồn náo rất chóng tàn.
  6. HỌC TRƯỞNG THÀNH
    Tuổi trẻ của chúng ta qua đi rất nhanh, chúng ta mãi mãi không bao giờ
    có thể chống lại được tạo hóa, tuổi càng cao thì nếp nhăn trên trán càng
    nhiều; nhưng nhờ dòng chảy không ngừng đó của thời gian, chúng ta có thể
    mài giũa tâm hồn, như viên ngọc trai càng mài càng sáng. Nhớ rằng, thước
    đo của sự trưởng thành là ở trên bình diện Tâm Linh & Đạo Đức chứ không
    là những thứ khác.
    Thiện Tri Thức
    Namo Buddhaya

QUYỀN LÀM MẸ

Tôi vượt biển một mình, đau quằn quại đến không còn thiết sống. Tôi như đi trong sương mờ, mải miết vươn đến chỗ Mẹ tôi đang vẫy gọi. Tôi thèm được vùi vào lòng Bà, khóc nức nở như một đứa trẻ thơ để quên hết những nỗi đau thể xác và tâm hồn.

Bà mở rộng vòng tay ôm lấy tôi.

Tôi khóc nức lên và choàng tỉnh dậy. Mẹ tôi đã tan biến, chỉ có Dì đang ôm tôi.

Tôi gào lên:

– Dì làm gì vậy? Tại sao Dì dám ôm tôi?

Dì lật bật lùi ra xa, lắp bắp :

– Dì xin lỗi. Dì thấy con đau quá mà không biết làm gì. Dì thấy tội nghiệp con quá…

– Ai cần dì tội nghiệp. Tôi đã bảo Dì đừng vào đây mà. Hãy để cho tôi một mình, tôi không cần ai hết.

– Làm sao dì để cho con một mình được. Ba con không đi đến được, em trai thì đi mất. Không có Dì con làm sao đây?

– Dì quan trọng quá nhỉ? Vì ai mà em tôi thành bụi đời, Ba tôi buồn rầu mà sinh bệnh, còn tôi thì bị tống cổ ra khỏi nhà?

– Con nghĩ sao cũng được nhưng bổn phận làm Mẹ, Dì phải lo cho con.

– Làm Mẹ à!

Tôi hét lên

– Dì lấy tư cách gì làm Mẹ của tôi? Dì tự xem lại mình có xứng với hai tiếng ấy không? Dì làm tổn thương đến vong linh của Mẹ tôi đấy. Dì đi đi, Dì ở đây làm tôi đau đớn hơn.

Ôi, Mẹ ơi, sao Mẹ lại bỏ con, Mẹ ơi!

Hoảng sợ trước lời kêu khóc của tôi, Dì lóng ngóng chạy ra ngoài.

Năm tôi mười lăm tuổi, Mẹ tôi qua đời. Mẹ tôi là một phụ nữ tài năng, xinh đẹp. Chính vì vậy mà năm năm sau khi Ba tôi cưới dì, một Y tá lỡ thời, cục mịch, quê mùa, tôi bị sốc thực sự. Điều đó không chỉ làm tổn thương đến tâm hồn non trẻ của tôi mà còn xúc phạm đến vong linh của Mẹ tôi.

Đối với tôi, Dì là một người thuộc tầng lớp khác nếu không muốn nói là thấp hèn hơn. Ba tôi là một Bác sĩ giỏi lại rất tài hoa. Ba và Mẹ là một cặp xứng đôi đến nỗi trong cả triệu cặp vợ chồng chắc mới có một. Vì vậy sự khập khiễng giữa Ba và Dì làm tôi lúc nào cũng sôi sục, hễ cứ gặp mặt Dì là mọi uất ức dâng lên trong tôi. Tôi không cấm Ba lấy vợ kế nhưng biết bao người xứng đáng Ba không chọn, lại chọn một bà Y tá lỡ thời, quê mùa, thất học.

Em tôi còn phẫn uất hơn tôi nên đã bỏ nhà đi hoang, không tìm lại được. Tôi nói năng hỗn xược, xúc phạm cả Ba lẫn Dì, bị Ba giận đuổi đi vào một đêm mưa tầm tã. Rồi Ba hối hận chạy đi tìm tôi nhưng tôi nhất định không chịu về, đến ở hẳn nhà bạn trai. Trong ngày đám cưới của tôi, một cuộc hôn nhân Ba không chấp nhận, Ông bị lên huyết áp và bị liệt nửa thân người. Tôi sớm rời trường đại học, sống vất vưởng với một cuộc hôn nhân vội vã bốc đồng và chẳng mấy chốc cũng ly hôn khi đang bụng mang dạ chửa.

Khi con gái tôi ra đời, chẳng rõ chầu chực ở đâu sẵn, Dì lao vào bệnh viện với nào tã, nào nón, nào khăn chẳng biết dì sắm sửa từ bao giờ. Chẳng đếm xỉa gì đến vẻ tức giận của tôi, Dì nâng con bé lên nựng nịu :

– Ôi, cháu của ngoại, cục cưng của ngoại. Ngoại mong cháu từ lâu lắm rồi, viên kim cương của ngoại. Nào, nào Mẹ cho bé mum tí nào.

Dì lăng xăng líu xíu ủ chân tay cho tôi, lấy nước nóng chườm bụng rồi lại chạy băng về nhà vừa báo tin mừng cho Ba tôi, vừa mua thức ăn tẩm bổ cho tôi.

Biết không thể xua đuổi được Dì, tôi đành phải chấp nhận sự săn sóc của Dì với vẻ xa cách lạnh lùng. Ngày hôm sau, Ba tôi đi xe lăn vào. Nhìn thấy Ông, tôi bật khóc. Vị bác sĩ phong độ ngày nào nay tàn tạ vì bệnh tật, vì gia cảnh tan nát. Ông chỉ điềm đạm nói với tôi:

– Ba không bắt con phải vì Ba, phải vì Dì cũng không vì bản thân con mà phải vì con bé này. Con đã tạo ra nó trong sai lầm của mình thì cũng đừng để nó lớn lên trong sự sai lầm. Hãy trở về với Ba, cho con của con những gì tốt đẹp nhất dù bản thân con có phải đối diện với những thử thách đau lòng. Mẹ con mãi mãi là một hình ảnh đẹp không ai có thể làm hoen ố hình ảnh ấy.

Những lời Ông nói cứ thấm vào lòng tôi đau buốt. Ôi, con gái của tôi, lẽ nào vì tôi mà cuộc đời nó cũng chẳng tốt đẹp gì hơn.

Tôi trở về nhà, lòng lạnh giá hơn. Dì là người vui nhất. Tôi chẳng hiểu được nỗi vui mừng ấy. Lẽ ra Dì phải vui khi tống được cái gai nhọn như tôi ra khỏi nhà mới phải. Tôi nhận sự chăm sóc rất mực chu đáo của Dì như nhận một thói quen, thậm chí như một sự ban ơn. Dì không chú ý gì đến vẻ xa cách, kẻ cả của tôi mà chỉ tìm mọi cách để tôi vui. Dì lăng xăng suốt ngày, quần xắn đến gối, mắt lấp lánh tia cười, miệng líu ra líu rít.

– Hoàn ơi, con xem con bé này đã biết cười rồi đấy.

– Ấy, ấy, con đừng đi sãi chân như vậy, khép chân lại nào. Này, quấn cái khăn lên đầu, gió lùa đấy.

– Dì đã giặt đồ cho cháu rồi. Giặt đồ cho em bé không nên vắt, sẽ làm em vặn vẹo suốt đêm.

– Ôi cục vàng của ngoại sao lại khóc… Bé khó chịu hả? Ứ ừ, em không chịu nằm nữa à? Thế ngoại bế con ra sân chơi nghen?

Suốt ngày nhà chỉ văng vẳng tiếng Dì. Dì tự hỏi rồi cũng tự trả lời. Dì đoán được ý của tất cả mọi người, từ Ba tôi đến con bé chỉ biết khóc kia. Dì phục vụ tất cả chúng tôi với lòng tận tâm hồ hởi. Nhưng có lúc Dì lại ngồi thần người ra, vẻ ủ dột trầm ngâm. Rồi không nén nổi, Dì thở dài:

– Tội nghiệp thằng Quang, mưa gió thế này không biết nó ở đâu.

Quang là em trai tôi, mười tám tuổi. Tôi lén nhìn Dì, nỗi đau của Dì giống hệt nỗi đau của người Mẹ xót thương con.

Nếu là Mẹ tôi hẳn cũng chỉ đau khổ đến thế là cùng.

Đêm đêm sau khi làm xong mọi việc, Dì lại quày quả đi tìm Quang. Dì đã đi tìm nó suốt hai năm qua. Ba tôi và tôi đã không còn hy vọng vì rõ ràng biết nó còn quanh quẩn đâu đây nhưng nó không muốn gặp ai trong gia đình. Nó đã không muốn gặp, không muốn trở về nhà thì dù có tìm được nào có ích gì. Nhưng Dì không nản lòng – Một ngày kia Dì chộp được nó khi nó ngủ gà ngủ gật trong công viên. Nói đúng ra khi nó đang đói ma túy. Thế là từ đó cả nhà tôi, hay đúng hơn là chỉ có Dì, chiến đấu giành giật lấy nó từ tay của nàng tiên nâu.

Dì trói nó vào góc nhà, áp dụng đủ mọi phương cách, mọi bài thuốc từ tây lẫn ta, bồi bổ cho nó đủ mọi thứ sơn hào hải vị. Khi mập mạp béo tốt trở lại, nó lại bỏ nhà ra đi. Dì tiếp tục cất công đi tìm và lại tìm thấy khi nó đang thân tàn ma dại ở đâu đó. Lại cột nó ở góc nhà, lại những bài thuốc, những món ăn ngon… Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp lại không biết bao nhiêu lượt. Đến như tôi cũng phát chán, còn Ba tôi thì gần như đã buông xuôi, đau đớn vì Bác sĩ như mình mà không cứu nổi con. Chỉ riêng Dì vẫn cứ bền bỉ đi tìm nó mãi.

– Hoàn này !

Dì rụt rè bảo tôi khi thằng Quang bắt đầu một vòng cai nghiện mới.

– Con phải nói điều gì với em chứ. Dì là người quê mùa, chỉ biết làm, không biết nói gì để khuyến khích động viên nó. Còn con là người có kiến thức, lại hiểu biết tâm lý của em, con phải giúp em con vượt qua những thử thách này. Con không thấy em con còn quá trẻ sao? Lẽ nào chúng ta để cho nó chôn vùi cả cuộc đời…

Tôi tìm thấy Quang đang nằm úp mặt khóc trên giường. Tôi không vỗ về nó mà ngồi xuống mép giường, đều đều nói:

– Mẹ không mong muốn chị em mình trở thành như thế này. Chị đã sai lầm và em cũng vậy. Ta có thể giữ nguyên những cảm nghĩ của mình về Dì mà không cần hủy hoại bản thân mình. Đứng dậy đi em, xây cho chính mình một tương lai mà không cần phụ thuộc bất cứ điều gì.

Hãy làm sao cho xứng đáng với Mẹ!

Tôi nói với nó cũng là đang nói với chính mình. Rồi tôi trở lại giảng đường đại học. Nó cũng đã thoát khỏi vòng kềm tỏa đáng sợ của nàng tiên nâu. Dù thực tế công sức của Dì đối với chị em tôi rất lớn nhưng tôi vẫn không muốn thừa nhận. Dì nuôi con cho tôi đi học. Dì chăm sóc từng li từng tí cho Quang để nó có đủ sức khỏe trở lại trường. Dì lại là hộ lý của Ba.

Nhiều khi trong thâm tâm tôi chợt chạnh lòng thương Dì.

Làm sao Dì có thể làm ngần ấy công việc trong một ngày, phục vụ cả bốn con người. Nhưng rồi niềm kiêu hãnh trong tôi lên tiếng: đó là nhiệm vụ của Dì. Dì không có tài để làm những việc lớn lao thì phải làm những việc vặt ấy. Như đọc được suy nghĩ của tôi – nhiều khi tôi rất kinh ngạc về khả năng đọc được suy nghĩ người khác của Dì .

Dì bảo:

– Dì đã quen với những công việc này rồi. Ai chẳng muốn an nhàn nhưng cuộc sống bắt buộc mình phải sống hết mình với nó.

Tôi mở to mắt nhìn Dì; câu nói của Dì không phải của một Y tá tầm thường mà là của một Triết nhân. Ngôn ngữ của Dì càng lúc càng khác xa con người Dì. Một lần nữa Dì lại đọc được suy nghĩ của tôi:

– Con tự hỏi tại sao Dì lại nói năng văn hoa như vậy phải không?

Dì là người không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng mấy mươi năm qua chiến tranh đã dạy cho Dì từng con chữ, từng lời nói, từng cách cư xử… Dì học ở khắp nơi, bên chiến hào, trong nhà dân, trong nhà tù… Mấy năm làm Y tá trong bệnh viện, làm việc dưới quyền Ba con, Dì cũng học hỏi được rất nhiều. Con hãy ráng học lên, sự học làm người ta mở lòng với nhân loại hơn.

– Trời ơi! Sự học làm người ta mở lòng với nhân loại hơn.

Một người như Dì lại có thể nói câu đó ư?

Tôi vụt chạy vào phòng Ba, thảng thốt nhìn Ông :

– Ba, rốt cuộc Dì là người thế nào? Làm sao Ba có thể quên Mẹ để yêu Dì được?

– Con ngồi xuống đi con gái .

Ba dịu dàng bảo

– Tuổi trẻ các con hay có một quan điểm tuyệt đối. Không có cái gì là tuyệt đối cả. Tại sao con lại nghĩ Ba lấy Dì nghĩa là Ba đã quên Mẹ con?

Tại sao con lại nghĩ vẫn yêu Mẹ thì Ba không thể lấy Dì?

Cuộc đời là thế giới muôn màu. Vì sao con chỉ nhìn vào tài sắc của Mẹ con mà cho rằng Dì không xứng với Ba, chứ không đánh giá Dì bằng chính con người Dì. Mẹ con là một thế giới khác, Dì là một thế giới khác. Và – không ai dám cho rằng thế giới nào đầy màu sắc và thế giới nào đầy bóng đêm.

Dì đã trải qua nhiều nỗi gian truân nhưng không hoàn cảnh nào có thể đánh gục được Dì. Điều đó không dễ gì có được ở lớp người như Ba, như Mẹ, như con. Con thấy đấy, Mẹ con là một Bác sĩ, an ủi nâng đỡ cứu sống không biết bao nhiêu người nhưng khi biết mình bị bệnh thì suy sụp hẳn, không gượng dậy nổi. Khi Mẹ chết, nếu không có Dì chắc Ba cũng đã trở nên bệ rạc, bê tha. Còn con, tự cho mình là thông minh, bản lĩnh nhưng chỉ vì một việc bất như ý mà thả trôi cuộc đời mình. Còn Dì là người vào sinh ra tử, vào tù ra khám, từng làm Vợ làm Mẹ nhưng bị tước hết những quyền thiêng liêng ấy.

– Dì từng làm vợ, làm mẹ?

Tôi ngỡ ngàng.

– Con lạ lùng lắm sao? Nỗi đau ấy, Dì giữ cho riêng mình, không mấy ai biết được. Chồng của dì đã hy sinh, đau đớn quá Dì đã sinh non và đứa bé đã chết sau khi sinh vài giờ. Dì đã đem nỗi đau mất chồng, mất con vào cuộc hành trình lặng lẽ của mình. Dì đã đem tình thương của người Vợ người Mẹ dành cho tất cả mọi người, cho Ba, cho các con với lòng cao cả vô biên. Dì đã sống cho người khác, vậy mà khi có ai khác sống cho Dì thì con lại bảo Dì không xứng đáng. Huống chi đây không phải là sự hy sinh của Ba mà là sự đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Con hãy đem tấm lòng mình để gần gũi với Dì hơn, khi đó con sẽ thấy Ba không nói quá đáng. Những gì ở Ba ở Mẹ không có thì ở Dì có, vậy không phải là bổ sung cho nhau sao? Con còn đòi hỏi nơi Dì điều gì nữa?

Tôi đòi hỏi gì ư? Tôi được sinh ra bằng mối tình tuyệt diệu của Ba Mẹ, lớn lên trong tình yêu nhưng rốt cuộc lại trở thành một người không có tình thương yêu dù với một người đã xem mình còn hơn đứa con rứt ruột đẻ ra. Tôi sắp trở thành một Bác sĩ nhưng lại không đủ lòng nhân ái của một Y tá bình thường như Dì. Tôi cứ mãi đau đớn vì mối mâu thuẫn giằng xé nên thường ngồi lì trong thư viện không về nhà sau buổi học. Dì lại tất tả tìm tôi. Cái vẻ hốt hoảng lo âu của một người Mẹ vừa làm nhói lòng tôi vừa làm tôi uất hận. Tôi không biết mình hận cái gì? Hận Dì sao không là một người tầm thường cho tôi căm ghét mãi? Hận Dì sao dần dần rõ nét một nhân cách lớn làm tôi thấm thía sự nhỏ nhoi của mình.

Tôi theo Dì vào nhà. Bé Uyên sà vào lòng tôi, líu lo đủ mọi chuyện.

Dì bảo:

– Con đừng quá mải mê với công việc, với những ý thích riêng mình mà bỏ quên cái quyền làm Mẹ.

Dì không bảo “Bổn phận làm mẹ” mà lại bảo “Quyền làm mẹ”. Tôi ngước mắt nhìn Dì. Dì lại đọc được câu hỏi trong mắt tôi, cười đôn hậu:

– Con không thấy được làm Mẹ là một hạnh phúc lớn hay sao?

Tôi thấm thía câu ấy. Dì bị tước đi cái quyền làm Mẹ từ khi rất trẻ và được ban trở lại khi tuổi về già nên dù chị em tôi đã đối xử thật tệ bạc với Dì nhưng Dì chỉ thấy niềm hạnh phúc được sống với thiên chức của người Mẹ.

Mừng Quang thi đậu vào đại học, Dì thưởng cho cả nhà một chuyến đi picnic xa bất chấp con bé Uyên quấy Dì suốt cuộc hành trình, bất chấp Ba tôi mới tập đi lại được, chân rất yếu, lúc nào cũng cần Dì dìu đỡ. Chỉ có niềm vui bất tận của một gia đình hạnh phúc trong chuyến đi chơi ấy.

Tôi hỏi Dì:

– Cái gì làm Dì vui nhất hôm nay?

– Dì vui vì Quang đã đủ bản lĩnh để trở lại đời. Dì vui vì đã trả lại cho Mẹ con những đứa con nguyên vẹn như ngày nào, còn lời thêm cục vàng này nữa nè !

Dì cười chỉ vào bé Uyên.

Ngày tôi xúng xính lên nhận bằng tốt nghiệp, Dì dẫn theo một chàng trai trẻ lên tặng hoa cho tôi. Trẻ là vì anh ta chưa có vợ, so với tôi đã có con gái lên năm, chứ thật ra anh ta đã hơn ba mươi tuổi, là một Bác sĩ trong khoa của Ba tôi, đã âm thầm theo đuổi tôi từ nhiều năm nay. Mắt Dì lấp lánh vẻ tinh nghịch và bí hiểm của bà Mẹ đang mưu toan kiếm chồng cho con gái. Tôi vừa buồn cười vừa… tức, ngùng ngoằng bỏ đi:

– Con không thích cái trò mai mối ấy. Con đâu có sợ lỡ thì…

– Ây dà, cái giọng này Dì đã nghe ở rất nhiều cô gái tân thời rồi. Nhưng cuối đời nhiều người mới nuối tiếc vì bỏ qua cơ may hạnh phúc gia đình. Con ơi! nghe Dì đi. Con còn lỡ dở vầy mãi dì không yên tâm. Khi nào con với em Quang có gia đình yên ấm hết thì Dì mới hả lòng.

Ước mơ của con người quá nhiều. Ước mơ của bà Mẹ dành cho con còn nhiều hơn. Dì trù liệu đủ mọi kế hoạch cho tôi, cho em Quang. Dì còn tính sẵn một tương lai dài thăm thẳm cho con bé Uyên vừa tròn năm tuổi, cho cả Ông già gần đất xa trời là Ba tôi, chỉ riêng mình Dì không dự định một điều gì. 

Một buổi sáng đẹp trời, mọi người đều đã tỉnh giấc, chỉ riêng Dì đi vào cõi vĩnh hằng. Dì từ giã cuộc đời nhẹ nhàng bình yên đến nỗi cả Ba, cả tôi – hai Bác sĩ trong nhà, đều không muốn truy lùng nguyên nhân để không làm tổn hại đến thân xác Dì. Dì đang ngủ yên lành hay Dì đang đi tìm Mẹ tôi, hãnh diện khoe với Bà rằng Dì đã làm xong ước nguyện của Bà.

Bên mộ Dì, thằng Quang gào khóc nức nở. Khi Mẹ tôi chết, nó còn quá bé để có thể đau đớn thống thiết như thế.

Còn tôi – cả hai đám tang tôi đều không khóc. Chỉ có những giọt lệ chảy trong tim tôi không ai thấy được. Vì nó đọng ở trong tim nên lòng tôi luôn nhức nhối…

Trương Thị Thanh Hiền

KHÔNG CÓ HÓA ĐƠN THANH TOÁN CHO TÌNH NGƯỜI


Tại một thành phố lớn… có vị thương gia nọ bận rộn cả ngày vì công việc
mệt mỏi, ông vào một nhà hàng tự thưởng cho mình bữa tối thịnh soạn.
Khi những món ăn đã được dọn sẵn trên bàn, bất chợt ông nhìn thấy một
cậu bé đang nhìn trộm ông qua cửa kính với ánh mắt thèm thuồng, hình ảnh
ấy như có gì làm nhói tim ông!
Ông đưa tay vẫy cậu bé, cậu liền bước vội vào, theo sau cậu là 1 bé gái
nhỏ, 2 đứa trẻ nhìn chăm chăm vào những đĩa thức ăn còn nóng hổi mà
chẳng cần biết người vừa gọi chúng vào là ai.
Vị thương gia bảo chúng cứ tự nhiên mà ăn thỏa thích. Không nói, không
cười… cả hai ngấu nghiến ăn hết các món ăn trên bàn một cách ngon lành.
Vị thương gia im lặng, nhìn hai đứa trẻ ăn đắm đuối, và khi chúng rời đi,
chúng đã không quên nói lời cám ơn với ông.
Cơn đói trong lòng vị thương gia lúc ấy được xua tan một cách lạ kỳ, kèm
theo một cảm giác khó tả đang lâng lâng trong lòng. Mãi một hồi sau, vị
thương gia gọi tiếp các món ăn lần nữa, rồi từ từ thưởng thức…
Đến khi gọi thanh toán, nhìn tờ hóa đơn… không ghi số tiền… mà chỉ là
một hàng chữ: “Thật đáng tiếc! tiệm chúng tôi không in được Hóa Đơn
Thanh Toán Cho Tình Người, xin chúc ngài mãi luôn hạnh phúc!”
Một giọt nước mắt đã rơi từ vị thương gia, ông quay nhìn người đàn ông
đang đứng tại quầy thu ngân rồi gật đầu mỉm cười, ông ta đáp lại bằng một
nụ cười rạng rỡ.
Vị thương gia đã dùng “Đức” đối xử với người nghèo.
Chủ nhà hàng dùng “Nghĩa” đáp lại “Đức” không biết ai hơn ai.
Người xưa có câu :

  • Ngồi trên đống Cát… ai cũng là hiền nhân, quân tử.
  • Ngồi trên đống Vàng… mới biết rõ ai mới là quân tử, hiền nhân.
    Tình yêu thương luôn đem đến những sự kỳ diệu từ hai phía: “người cho
    và người nhận”.
    Hạnh phúc của Tình Người là cảm giác bình yên và thật sâu lắng, xóa tan
    tất cả những khổ đau và bất hạnh của con người!!!
    Sưu tầm