VỚI NGƯỜI KHÔNG CÓ GÌ HẾT, LÀM SAO TẶNG QUÀ

“How to Give, for the Person Who Has Nothing”
Một hôm, một người rất nghèo tới vườn Jeta Grove, nơi trú xứ
của Đức Phật và chư tăng. Người này tới xin gặp Đức Phật, trình
bày rằng người này nghèo đã trọn đời rồi, từ khi sinh ra, nghèo cả
những khi làm việc rất cực nhọc. Bây giờ người này muốn cúng
dường Phật-Pháp-Tăng để có phước, nhưng lại không có gì hết.
Đức Phật nói rằng, ngay cả khi một người nghèo mạt hạng,
người đó vẫn có thể cúng dường. Đó là 7 cách cúng dường mà
không tốn kém gì.

  • Cách thứ nhất là thái độ khi gặp người khác, hãy mỉm cười,
    hoan hỷ, thân thiện, từ ái.
  • Cách thứ nhì là luôn luôn nói lời dịu dàng, lời tử tế, với bất kỳ
    ai và về ai, dù trước mặt hay vắng mặt họ.
  • Cách thứ ba là luôn luôn suy nghĩ với tâm từ bi về tất cả những
    người gặp trong đời.
  • Cách thứ tư là dùng mắt sáng của mình giúp người mắt kém,
    hãy dẫn người mắt kém đi đúng hướng.
  • Thứ năm, giúp người khác với sức khỏe của bạn. Những việc
    cần thể lực, như mang, vác, xách… bạn có thể giúp người khác.
  • Thứ sáu, bày tỏ lòng tôn trọng mọi người chung quanh và tất
    cả những người khác.
  • Thứ bảy là yêu thương và chăm sóc những người đang cần
    giúp đỡ, và cả những sinh vật khác.
    Trong một nơi khác, Đức Phật giảng về Kinh Metta Sutta. Và
    hiển nhiên là, khi bạn sống đúng tinh thần bài kinh này, đó chính
    là quà tặng lớn nhất bạn có thể trao cho tất cả thế giới này.
    Trích dịch:
    “…Hãy tu tâm yêu thương vô bờ bến hướng về tất cả chúng
    sinh, y hệt như người mẹ bảo vệ đứa con duy nhất của bà bằng
    chính sinh mạng của bà.
    “Hãy chiếu sáng ngời tình yêu thương vô bờ bến này hướng về
    toàn thể thế giới – các cõi trên, coi dưới và khắp các phương hướng
    cõi này – không ngăn che, không chút sân hận, không chút bực dọc.
    “Trong khi đứng, trong khi đi, trong khi ngồi, trong khi nằm, hễ
    tỉnh thức, hãy luôn luôn quán sát [chiếu sáng] tâm yêu thương này.
    Như thế là Sống Thánh Hạnh…”
    Vâng. Đúng vậy. Sống như thế, chính là món quà đẹp nhất
    chúng ta có thể tặng, không chỉ trong mùa lễ này, mà cũng là cho
    trọn năm, trọn tháng, trọn tuần, trọn ngày, và trong từng khoảnh
    khắc.
    Nguyên Giác
Advertisement

SỰ SỐNG KHÔNG VỮNG BỀN, Sự Chết Là Chắc Chắn


Một ngày nọ, vị thương gia này dùng 500 chiếc xe bò, chất đầy vải vóc với nhiều màu nhuộm tươi đẹp, lên đường từ thành Bara-na-si đi đến các vùng xa để buôn bán. Khi đến thành Xá-vệ, ông ta gặp một sông lớn. Ông suy nghĩ: “Ngày mai ta sẽ qua sông”, rồi dừng xe lại, cởi ách cho các con bò, và nghỉ qua đêm tại bờ sông. Trong đêm hôm đó, một trận bão kéo đến với mưa tầm tã cả đêm. Qua bảy ngày kế tiếp, nước sông dâng cao, tạo ra lũ lụt lớn, và người dân trong vùng đều phải đình chỉ mọi sự buôn bán, đi lại.
Kết quả là vị thương gia đó không thể bán các kiện hàng vải của ông. Vì thế, ông ta nghĩ rằng:
“Ta đã trải qua một quảng đường dài, nếu ta quay về thì sẽ bị trễ nãi. Chi bằng ta cứ ở đây qua mùa mưa, qua mùa xuân và mùa hạ, tiếp tục các công việc giao dịch và cố gắng bán cho hết các loại hàng này…”
Khi Ðức Phật đi trì bình trong thành, Ngài biết được ý định của vị thương gia đó và Ngài mỉm cười. Thấy thế, Ðại đức A-Nan hỏi Đức Phật vì sao Ngài cười. Ðức Phật đáp:
“Này A-Nan, con có biết ông Ðại Phú đó không? “
“Dạ có, bạch Đức Thế Tôn!”
“Vì không biết rằng mạng sống của mình đã gần hết, nên ông thương gia ấy vừa quyết định sẽ ở lại đây cả năm để bán hết các kiện hàng của mình”.
“Thật vậy sao, bạch Đức Thế Tôn? “
“Ðúng thế, này A-Nan. Ông ta chỉ sống thêm được bảy ngày nữa, và nếu không khéo, ông ta sẽ bị các loài cá ăn thịt.”
Nói xong, Đức Thế Tôn liền thốt lên bài kệ:
Hãy tinh tấn thi hành
Việc cần làm hôm nay.
Có ai biết chắc chắn
Cái chết đến lúc nào?
Có ai chống lại được
Mệnh lệnh của thần Chết?
An lạc thay cho người
Ngày và đêm tinh tấn
Sống tỉnh giác từng ngày!
“Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ đến nói cho ông thương gia ấy
biết,” ngài A-Nan thưa với Phật.
“A-Nan, con cứ việc đi,” Ðức Phật đáp.
Ðại đức A Nan đi khất thực đến nơi ông Ðại Phú đang trú ngụ cùng với đoàn xe buôn của ông. Ông Đại Phú kính cẩn dâng vật thực đến ngài. Sau đó, Ðại đức A Nan nói với vị thương gia:
“Ông định cư ngụ ở đây trong bao lâu nữa?”
“Bạch Ðại đức, con đã trải qua một quảng đường dài, nếu con quay về thì sẽ bị chậm trễ. Cho nên con sẽ ở lại đây trọn một năm, cho đến khi nào bán hết số vải thì con mới ra đi”
“Này cư sĩ ! Mặc dù mạng sống đã gần hết nhưng ít ai biết được! Ông nên nỗ lực tinh tấn! “
“Bạch Ðại đức, tại sao thế? Có phải đời sống của con đã gần mãn rồi chăng?”
“Ðúng vậy, này cư sĩ. Mạng sống của ông chỉ kéo dài thêm bảy ngày nữa mà thôi!”
Nghe xong, tâm tư người thương gia rất bàng hoàng và xúc động. Sau khi bình tâm trở lại, ông thỉnh mời Ðức Phật và Tăng đoàn đến nơi ông cư ngụ để thọ trai. Trong bảy ngày kế tiếp, ông cúng dường vật thực đến Đức Phật và chư Tăng, trong ngày thứ bảy, ông xin phép được rửa bình bát của Đức Phật và thỉnh cầu Ngài chúc phúc. Trong khi chúc phúc, Ðức Thế Tôn giảng giải thêm:
“Này người cư sĩ, một người có trí tuệ không bao giờ nên nghĩ rằng: ‘Tôi sẽ ở lại đây trong suốt mùa mưa. Tôi sẽ làm việc này, việc kia.’ Trái lại, người ấy lúc nào cũng nên sống tỉnh giác trong từng khoảnh khắc và phải luôn luôn Quán Tưởng về Cái Chết của mình, như thể chỉ còn sống thêm được một đêm nữa thôi!”
Sau đó, Ngài thốt lên các câu kệ rằng:
Mùa Mưa Ta Ở Đây,
Đông, Hạ Cũng Ở Đây,
Người Ngu Tâm Tưởng Vậy,
Không Tự Giác Hiểm Nguy.
(Pháp Cú 286)
Người tâm ý đắm say
Con cái và gia súc,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi người ngủ.
(Pháp Cú 287)
Một khi tử thần đến,
Không có con che chở,
Không cha, không bà con,
Không thân thích che chở.
(Pháp Cú 288)
Biết rõ ý nghĩa này,
Bậc trí lo trì giới,
Mau lẹ hành thanh tịnh,
Con đường đến Niết-Bàn.
(Pháp Cú 289)
Sau khi nghe xong bài kệ, vị thương gia liền tỉnh ngộ, thành tâm kính tín xin quy y Tam Bảo và chứng đắc Đạo Quả Dự lưu, các vị Tỳ-kheo trong Tăng đoàn cũng đạt được thắng trí. Sau đó, ông Ðại Phú đưa tiễn Ðức Phật và Chư Tăng trở về nơi Tịnh Xá. Khi quay trở lại nơi trú ngụ của mình, ông nói:
“Tôi cảm thấy nhức đầu, toàn thân thể mệt mỏi!”
Vị thương gia nằm xuống giường để nghỉ ngơi. Khi vừa nằm xuống thì ông liền chết ngay và được tái sinh vào cõi trời Ðâu suất.
(Trích tích chuyện KINH PHÁP CÚ)

Nhớ để ý lời nói và giọng điệu của mình khi cùng người nói chuyện.

Trong cuộc sống hằng ngày, phần lớn của những vấn đề đều là do giọng điệu nói năng của chúng ta. Vấn đề không nằm ở chỗ những gì chúng ta muốn nói mà là thái độ và phong cách của chúng ta lúc trình bày lời nói. Vì vậy cần nên tập thay đổi giọng điệu của mình những lúc cùng người nói chuyện, và như thế bạn sẽ thấy cuộc sống dần dần được thay đổi tốt hơn.

LÒNG TỪ BI CỦA THẦY

Sẽ Dẫn Đường Cho Bạn Tới Giác Ngộ
Tại miền Bắc Ấn Độ cách đây khoảng hai ngàn năm trăm năm có một
vương quốc, do vua Udayi và hoàng hậu Vajra Devi trị vì. Vua và hoàng hậu
có một hoàng tử tên là Vajriputra, là người sẽ kế vị.
Vajriputra là một thiếu niên đẹp trai, thông thái và là con cưng của hoàng
tộc. Từ rất sớm, chàng tỏ ra quan tâm tu học tâm linh hơn là việc cai quản
triều đình, là việc mà người ta định trao cho chàng. Mới chín tuổi, chàng đã
đặt những câu hỏi chỉ làm cho người khác nhăn trán và gây phiền muộn vì
không có vị tri thức nào trong triều có thể trả lời trôi chảy.
Rồi như số phận đưa đẩy, ngày nọ vị A-la-hán Katyayana được mời vào
hoàng cung giảng pháp. Cậu thiếu niên Vajriputra chỉ vừa nghe giọng nói đã
xin vị A-la-hán nọ làm thầy của mình. Vua và hoàng hậu đồng ý cho
Vajriputra đến Katyayana tu học. Sau thời gian thử thách, chàng được nhận
làm Tăng và thay vì mặc áo lụa, chàng mặc y vàng của một người tỳ-kheo.
Sau đó thầy và người học trò cạo đầu đi tu hành đến một vương quốc láng
giềng.
Người ta cho rằng, khi từ bỏ gia đình và sứ xở lên đường, con người đã đi
được một nửa của đoạn đường thánh đạo.
Một buổi sáng nọ Vajriputra đi một vòng khất thực. Chàng đi qua các nẻo
đường nhỏ của kinh đô nước láng giềng này và gặp một phụ nữ còn trẻ,
người này ngoắc chàng đi vào một cái sân tràn ngập những hoa. Chàng ngần
ngừ đi theo. Sau vài bước, chàng đã ở trong sân cung điện của nhà vua
Prakanda, nhưng vì mới đến đây nên chàng không hề biết.
Trên các phiến đá quý, giữa các lùm cây, hoa và tiếng chim hót, các nàng
cung nữ đang giỡn đùa dưới ánh mặt trời ban mai. Thấy một Tăng sĩ trẻ tuổi
khả ái, các nàng bật tiếng cười như ngọc và kêu gọi chàng cùng vào ngồi chơi.
Sau một thời gian khất thực, chàng Tăng sĩ đói bụng được phục vụ đủ các
món thượng vị, được chiều chuộng săn đón và chàng ở lại lâu hơn mức cần
thiết. Đối với các nàng, Vajriputra thấy cũng nên đáp lễ bằng cách giảng vài
câu kệ về ý nghĩa cuộc đời, khuyên nên từ bỏ tính chất phù phiếm của cuộc
sống vô thường. Ngay cả với các câu hỏi đùa giỡn chàng cũng trả lời hết sức
nghiêm túc.
Trong lúc đó thì hầu cận nhà vua đã báo cáo các chuyện xảy ra trong vườn.
Nhà vua không tin nhưng thân hành đến xem sự thể. Vua núp dưới vòm cây
nhìn vào trong, không có cung nữ nào để ý cả, nàng nào cũng đang say mê
ngắm chàng Tăng sĩ và cái miệng nói của chàng.
Nhà vua tức giận quay lại bảo hầu cận: “Đám cung nữ này thì ai chúng
cũng mê mệt, còn như ta đây minh triết hàng trăm lần mà chúng không hay.
Để rồi xem”. Rồi nhà vua cao giọng: “Tu sĩ mà quây quần với đàn bà con gái
là hư hỏng rồi. Cho nó hai chục hèo may ra tỉnh ngộ”.
Lệnh của nhà vua lập tức được thi hành. Sau đó Vajriputra bị đuổi ra trước
cổng thành, mặt mày nhăn nhó vì đau và tức.
Chàng thề sẽ trả thù, sẽ về ngay quê hương đem quân đi phá ngay lâu đài
của Prakandas thành bình địa.
Sau đó chàng về gặp thầy và kể lại câu chuyện. “Con không thể tiếp tục
làm Tăng sĩ,” chàng cương quyết. “Con xin thầy cho trả lại chiếc y vàng và
cho phá mọi hạnh nguyện.”
Katyayana gật đầu đồng ý nhưng khuyên chàng nên nhẫn nhục, đừng
thêm một điều bất hảo bằng một điều bất hảo khác. “Hãy nhớ đến lời dạy của
đức Phật Cồ-đàm”, vị A-la-hán đọc:
“Vui mừng hay đau khổ, mất mát hay thành công, tủi nhục hay vinh
quang, hãy nhận tất cả với lòng bình thản, không tham cầu cũng không
ghét bỏ. đó là con đường thoát khỏi vương quốc của ảo giác”.
Chàng hoàng tử không muốn nghe những điều đó.
“Không, con đã quyết”, chàng lầm bầm, “con hứa hẹn quá nhiều, nếu từ
nay chỉ biết bất bạo động và lòng từ bi. Con phải bỏ lời nguyện này thôi, vì
lũ côn đồ phải trả những cái giá kiêu mạn của chúng”.
Katyayana gật đầu đồng ý, nhưng nhắc chàng rằng trời đã tối.
“Con cũng biết, ban đêm đi rừng thật bất trắc; đợi đến sáng mai hãy về,
hãy nhận phước lành của ta rồi sau đó con muốn làm gì thì làm”.
Vajriputra nghe lời thầy, nán lại một đêm, mỗi lần nhìn chiếc y vàng dính
máu, lòng chàng còn hậm hực.
Trong lúc chàng tu sĩ trẻ tuổi ngủ say, vị A-la-hán từ bi dùng năng lực trí
tuệ chuyển cho chàng một giấc mơ nhiều ý nghĩa. Trong giấc mơ, Vajriputra
thấy mình về nhà và sau khi phụ hoàng mất, chàng được lên ngôi. Chàng
động viên binh sĩ và ra lệnh truy nã kẻ thù, biến lâu đài của Prakandas thành
bình địa.
Sự thể lại xảy ra khác hẳn: chàng thất trận bị cầm tù và bị xử trảm. Một
đám đông hò reo chỉ chực chờ đầu chàng bị chém.
Trong phút cuối cùng bỗng chàng thấy sư phụ hiền từ hiện ra, đầy tuyệt
vọng chàng kêu cứu:
“Bạch thầy Katyayana, tha tội cho con, hãy cứu con!”
Chàng sợ hãi tỉnh giấc, thấy thầy ngồi bên cạnh mình an ủi:
“Đừng sợ bất cứ mọi hình ảnh xuất hiện trong đời, con ạ. Tất cả chỉ là một
giấc mơ. Con còn nguyên vẹn cả…”
Bỗng, Vajriputra nhận ra rằng tất cả mọi hình ảnh vừa rồi lẫn cả những
biến cố có thực ngày hôm qua đều như nhau, chỉ như một cơn ác mộng. Sự
sân hận và lòng thù oán của chàng kéo nhau ra đi, với tri kiến mới lạ đó,
chúng biến đi như các đám mây dưới ánh mặt trời. Chàng cúi đầu ba lần
trước vị đại sư, chàng biết rằng cảm tạ bao nhiêu lần cũng không đủ vị thầy
đã dùng linh ảnh ngăn mình đi qua một quãng đời khác, một quãng đời có
lẽ sẽ rất khủng khiếp và sẽ đưa vô số con người vào khổ ải.
Rồi Katyayana đưa học trò mình đi vào chiều sâu của giáo pháp vô ngã để
nhận ra rằng, mọi sự không có một bản thể gì riêng biệt đứng đằng sau.
Sau đó Vajriputra giác ngộ và càng thâm hiểu những gì đêm hôm đó mình
đã trải qua.
Về sau, Vajriputra trở thành một trong mười sáu A-la-hán, là những vị đã
truyền chánh pháp của Phật Cồ-đàm, mà ngày nay chúng ta còn biết ơn.
Người Tây Tạng cho rằng, những ai lòng còn sân hận, đầy thù oán và
không biết tha thứ thì hãy nên cầu vị A-la-hán Vajriputra, vì vị vương tước
một thời đầy kiêu mạn này biết cách xa lánh những tâm thức đó.
Trích “Sư tử tuyết bờm xanh”, Surya Das
Nguyễn Tường Bách chuyển ngữ.

CÔNG ĐỨC QUY Y TAM BẢO

Một thời Phật ở thành La-duyệt, tại vườn trúc Ca-lan-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.

– Bấy giờ cõi trời 33, có một Thiên tử, thân hình có năm điềm chết hiện. Thế nào là năm? Hoa trên mũ áo tự héo, y phục dơ bẩn, dưới nách đổ mồ hôi, chẳng thích địa vị của mình, ngọc nữ xa lìa.

Lúc ấy, Thiên tử kia buồn lo khổ não, đấm ngực than thở. Thích-đề-hoàn-nhân nghe Thiên tử này sầu lo khổ não, đấm ngực than thở, liền bảo một Thiên tử:

– Ðây là âm thanh gì mà thấu đến đây?

Thiên tử ấy đáp:

– Thiên vương nên biết! Có một Thiên tử mạng sắp muốn đứt, có năm điềm báo tử: hoa trên mũ héo, y phục dơ bẩn, dưới nách đổ mồ hôi, chẳng thích địa vị của mình, ngọc nữ xa lìa.

Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân đến chỗ vị Thiên tử sắp chết bảo Thiên tử ấy rằng:

– Nay ông cớ sao buồn lo khổ não đến thế?

Thiên tử đáp:

– Tôn giả Nhân-đề! Không lo buồn khổ sao được? Mạng tôi sắp hết, có năm điềm báo tử: hoa trên mũ héo, áo quần dơ bẩn, dưới nách đổ mồ hôi, chẳng ưa chỗ mình, ngọc nữ xa lánh. Nay cung điện bảy báu này chắc sẽ mất hết và năm trăm ngọc nữ cũng sẽ tiêu tan. Nay tôi ăn cam-lồ chẳng còn mùi vị gì.

Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân bảo Thiên tử ấy:

– Ông há chẳng nghe Như Lai nói kệ sao?

Tất cả hành vô thường,

Ðã sanh ắt có chết,

Chẳng sanh thì không chết,

Ðây diệt là tối lạc.

Nay ông vì sao buồn lo đến thế? Tất cả hành là vật vô thường, muốn cho thường còn, việc này chẳng đúng.

Thiên tử đáp:

– Thế nào Thiên đế? Làm sao tôi không buồn lo được? Nay tôi thân trời thanh tịnh không tì vết, ánh sáng như mặt trời, mặt trăng, chiếu khắp mọi nơi. Bỏ thân này rồi, tôi sẽ sanh vào bụng heo tại thành La-phiệt, sống thường ăn phẩn, chết bị dao mổ xẻ.

Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân bảo Thiên tử ấy:

– Nay ông nên quy y Phật, Pháp, Tăng. Có thể ngay lúc ấy không đọa ba đường ác.

Thiên tử đáp:

– Há vì quy y Tam bảo mà khỏi đọa ba đường ác sao?

Thích-đề-hoàn-nhân nói:

– Ðúng vậy, Thiên tử! Người nào quy y Tam Tôn, trọn chẳng đọa ba đường ác, Như Lai cũng nói kệ:

Những người quy y Phật,

Chẳng đọa ba đường ác,

Hết các lậu trời người,

Liền sẽ đến Niết-bàn.

……

(trích Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Thiện Tụ, trg.220)

ĐOẠN ĐỨC, ÂN ĐỨC VÀ TRÍ ĐỨC

Thích Nhất Hạnh

Một vị lãnh đạo cần phải có ba Đức. Đó là Đoạn đức, Ân đức và Trí đức. Đức tính đầu tiên cần có để giúp ta sử dụng quyền lực một cách khôn khéo là Đoạn đức, nghĩa là buông xả. Buông xả những gì? Buông xả sân hận, tham dục, và vô minh. Ta phải từ từ học cách chuyển hóa tham dục, sân hận, sợ hãi, vọng tưởng trong ta. Nếu không làm được những việc ấy cho thật giỏi thì ta sẽ không còn được kính nể nữa, ta sẽ tự gây đau khổ cho chính ta và những người khác. Chỉ cần nhìn những nhà chính trị, lãnh đạo đã “thân bại danh liệt” vì những chuyện bê bối tình dục không đâu cũng đủ để biết rằng buông xả tham dục là rất quan trọng. Cho nên buông xả đưa đến quyền lực. Khi gặp một người biết buông xả, tự do, không còn bị tham, sân, si ràng buộc, chúng ta sinh lòng kính trọng và tin theo. Biết buông xả thì được giải thoát, thân tâm được nhẹ nhàng. Điều đó ngoài siêu thị không bán, phải thực tập mới có được.

Một nhà lãnh đạo giỏi còn phải có Ân đức, nghĩa là tâm từ bi. Đó là khả năng dịu dàng, tha thứ, chấp nhận và ôm ấp người khác với tình thương. Nếu ai đạt được khả năng ấy thì sẽ có hạnh phúc và được mọi người kính nể. La mắng hay trừng phạt không làm cho người dưới khuất phục mà chỉ gây thêm xa cách. Chỉ có sự quan tâm, lo lắng, thương mến mới chuyển đổi được tâm người mà mình muốn giúp. Những người thiếu từ bi và tha thứ thường phải chịu đau khổ. Khi biết tha thứ, chấp nhận, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và có thể dễ dàng liên hệ với người khác. Người thiếu từ bi, trong tâm lúc nào cũng bực bội, giận dữ thì chẳng ai muốn đến gần, và như vậy sẽ cô đơn vô cùng. Cho nên, tâm từ bi là nền tảng của hạnh phúc. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị thực tập từ bi thì họ sẽ không bao giờ lạm dụng thứ quyền lực dựa trên tiền bạc, danh vọng và địa vị xã hội. Họ sẽ không gây đau khổ cho chính họ và cho những người khác.

Một nhà lãnh đạo giỏi cũng phải có Trí đức, tức là tuệ giác. Kiến thức không phải là tuệ giác. Có người đạt nhiều bằng tiến sĩ, hiểu biết rộng rãi về khoa học, triết học và văn học, có thể nói “thao thao bất tuyệt” nhưng chưa chắc đã có tuệ giác. Tuệ giác là kết quả của khả năng nhìn sâu. Một nhà lãnh đạo đích thực là người có tuệ giác để chỉ cho ta con đường thoát khổ. Ta đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn, hoang mang, không hướng đi thì một nhà lãnh đạo đích thực là người có khả năng vạch đường chỉ lối cho ta. Ta thấy ngay con đường thoát vì ta đã được gặp một nhà lãnh đạo có tuệ giác.

Tuệ giác giúp ta dễ dàng giải quyết những khó khăn, xung đột, mâu thuẫn. Nếu không có tuệ giác, ta sẽ luẩn quẩn loanh quanh trong đau khổ, sợ hãi, lo âu. Vì vậy đức tính thứ ba là khả năng nhìn sâu để đạt tới tuệ giác, để có thể giải quyết khó khăn và giúp đỡ người khác.

— trích trong “Quyền Lực Đích Thực” —