Sư cô Diệu Tịnh
Trong thời gian gần đây, chúng tôi có cơ hội phụ giúp công việc xây dựng tại chùa, và chúng tôi được học cách xử dụng đến các loại dụng cụ như búa, dùi, và đục, v.v… Chúng tôi có kho chứa các đồ nghề, và nó nằm không xa khu vực xây dựng, nhưng chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian và năng lượng để chạy tới kho lấy dụng cụ mỗi khi cần đến. Cho nên chúng tôi quyết định gom những dụng cụ cần thiết, để vào trong thùng đồ nghề, và đem tới chỗ xây dựng để không cần phải chạy đi chạy lại nhiều chuyến nữa. Chỉ cần làm như vậy, nó đã giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian.
Sau công việc đó đã cho chúng tôi một bài học trên con đường tu. Đó là tự hỏi lòng mình rằng: “Ta đã có được những gì trong hộp dụng cụ của mình?” Chúng ta lắm lúc chưa trang bị đầy đủ cho mình những dụng cụ cần thiết. Dụng cụ là ví dụ cho công năng tu hành của mình. Ta đã học được công năng nào từ sự tu tập, trong thời gian đến chùa, hay trong thời gian tham dự các khóa tu? Đây là những câu hỏi ta nên thỉnh thoảng hỏi chính mình. Tại thế gian, chúng ta không được học những phương pháp để có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho đời sống. Thế gian dạy chúng ta tham, sân, si; làm tiền bằng cách nào, làm sao để vượt trội người khác, và làm sao để tránh né trách nhiệm. Nhưng tại tu viện, chúng ta sẽ được học thế nào là từ bi, tha thứ, nhẫn nhục, tiết chế, và tinh cần.
Trong kinh Đức Phật thường dạy, chân hạnh phúc không đến từ những điều như tài sản, thế lực, và địa vị. Chân hạnh phúc đến từ bên trong, từ sự tu dưỡng những tánh đức lành thiện, từ sự phát triển những năng lượng tích cực, nhờ đó mà có thể dự bị cho chúng ta những điều cần thiết trong những giây phút khó khăn nhất. Hằng ngày chúng ta bị dao động bởi nỗi đau, khổ nhọc, và mất mát; cho đến những năm tháng cuối của cuộc đời ta cũng chỉ biết đối mặt với già, bệnh, và chết. Nhưng thế gian không đề cao những vấn đề này. Thế gian đẩy những vấn đề này qua một bên và giả vờ như cuộc đời này là toàn những tuyệt vời và hạnh phúc. Nhưng khi đến tu viện, chúng ta tập ý thức rằng những chuyện không may cũng vẫn xảy ra trong cuộc đời, và chúng ta phải tìm cách chuẩn bị cho mình, bằng không thì khi gặp phải những chuyện khó khan chỉ làm cho sự đau khổ càng tăng thêm mà thôi.
Một phương pháp quan trọng mà chúng ta được học nơi tu viện là sự tập trung. Nghĩa là đem sự nhận biết về một điểm, và duy trì sự nhận biết đó. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã diễn tả về tâm như sau, “Dao động, chập chờn, khó giữ gìn, khó đề phòng.” Vì tâm ta thường rong ruổi đi nơi khác, ta phải duy trì sự nhận biết và giữ vững sự nhận biết này.
Hình ảnh diễn tả sự vững chãi của tâm được ví như một trụ đá có nền móng chôn thật sâu dưới lòng đất. Dù những cơn gió mạnh cũng không thể xô ngã được. Cũng vậy, khi tâm được vững rồi thì sẽ không bị chi phối bởi những ý niệm hiện hành trong tâm, mà sẽ được gom vào một điểm. Đây chính là lúc ta đến gần với bıǹ h an. Với một tâm quen rong ruổi thì ta không thể nhận được chân hạnh phúc, tại vì ta luôn bị lôi cuốn bởi những ý niệm vui buồn của cuộc sống. Nhưng khi tâm được gom về một điểm trong dây phút hiện tại, ta có thể sống một cách trọn vẹn hơn.
Một phương pháp khác là tách ly. Nghĩa là tách rời những ý niệm ra khỏi tâm ta. Ta thường đồng hoá tâm với các ý niệm làm một, và do đó cũng đồng hoá những ý niệm đang hiện khởi trong tâm chính là ta. Nhưng tâm và ý niệm là hai điều khác nhau. Khi được phân ra, tâm ta trờ thành cái quan sát, và ý niệm là cái bị quan sát. Ta sẽ nhìn thấy được những tánh chất không đồng của ý niệm.
Trong kinh văn Đức Phật đã truyền dạy cho các đệ tử Tỷ kheo về phương pháp mà Ngài đã thực tập trước khi thành đạo, và chính phương pháp này đã giúp Ngài đạt được chánh kiến. Ngài chỉ thật đơn giản phân các ý niệm ra thành hai đại loại: Một loại là ý niệm thực hành bất thiện và dẫn đến kết quả bất thiện; một loại khác là thực hành thiện và dẫn đến kết quả thiện. Bằng cách này, Ngài đã loại trừ được những ý niệm bất thiện và chỉ duy trì những gì lành thiện.
Điều mà Đức Phật khuyên nơi đây là ta phải biết lựa chọn. Ta phải lọc đi những ý niệm không lành, và chỉ giữ lại những gì có thể dẫn đến những tánh đức tuyệt vời và cao cả hơn hết. Hãy thử tưởng tượng tâm ta giống như ngôi nhà của mình đang ở. Ta sẽ hoan nghênh những người ta tin cậy, và không cho vào những ai ta không tin cậy. Cho nên chúng ta cần học cách kềm chế và kiểm soát tâm của mình, giữ cho tâm này mãi là ngôi nhà thật an toàn cho ta ở.
Đây là hai phương pháp trong nhiều phương pháp khác mà chúng ta có thể học tập nơi tu viện. Môi trường nơi đây rất lý tưởng để mang lại những kết quả tốt trên đường tu. Cho nên ta hãy đem theo những gì ta đã học được để thực hành khi trở về lại đời sống nơi thế gian, nơi mà những phương pháp tu hành không chỉ là hữu ích mà còn là điều rất cần thiết. Tại tu viện, ta hãy để tâm học và thực hành theo lời Phật dạy, góp nhặt những điều lành thiện, để khi trở về đời sống với gia định, ta sẽ biết cách sáng tạo những điều thật tươi mát và bình an trong cuộc sống. Học Pháp của Phật không phải là việc dễ làm, nhưng trên đường dài Phật Pháp sẽ dẫn ta đến được bờ giải thoát và chân hạnh phúc. Do đó, mỗi khi sự thực tập trở nên khó khăn, bản thân chúng tôi liền vực dậy sự can đảm và đọc lớn lời của Phật dạy:
“Này các Tỳ kheo, hãy xa lìa điều ác. Này các Tỳ kheo, Một người có thể xa lìa điều ác. Nếu việc xa lìa điều ác không có thể làm được, Ta sẽ không bảo các ông làm như thế. Nhưng điều này có thể làm được, cho nên ta nói, ‘Xa lìa điều ác.’ Nếu việc xa lìa điều ác sẽ đem lại tổn hại và đau khổ, Ta sẽ không bảo các ông xa lìa nó. Nhưng vì xa lìa điều ác đem lại an lạc và hạnh phúc, nên ta nói ‘Xa lìa điều ác.’”