Ở YÊN ĐƯỢC NĂM CÔNG ĐỨC


Ai cũng biết, sau khi Thành đạo và hóa độ được một số đông đệ tử
xuất gia thành tựu Thánh quả, Thế Tôn đã khuyến khích chư vị Tỳ-
kheo “Hãy du hành vì an lạc, lợi ích cho số đông; vì hạnh phúc cho chư
thiên và loài người”. Ở một vài pháp thoại khác, Thế Tôn cũng khuyến
khích các Tỳ-kheo nên du hành vì “ở lâu sinh dính mắc”.
Thế nhưng, trong một năm không phải lúc nào các Tỳ-kheo cũng
du hành giáo hóa độ sanh. Đặc biệt là 3 tháng mùa mưa, Thế Tôn
thường khuyến tấn các Tỳ-kheo nên dừng chân an cư, ở yên một chỗ
tu học, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ. Bởi lẽ ở lâu một chỗ
thì sinh ra dính mắc mà du hành nhiều rày đây mai đó hoài cũng lắm
gian nan.
Chúng ta hãy cùng nghe Đức Phật dạy về những gian nan của người
đi lại nhiều, đi nhiều khó tu:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

  • Người du hành nhiều có năm gian nan. Thế nào là năm? Ở đây,
    người thường du hành không tụng giáo pháp, quên mất giáo pháp đọc
    tụng, chẳng định được ý, đã được tam-muội lại quên mất, nghe pháp
    không thể giữ gìn. Ðó là, này Tỳ-kheo! Người du hành nhiều có năm
    việc khó này.
    Tỳ-kheo nên biết! Người không du hành nhiều có năm công đức.
    Thế nào là năm? Pháp chưa từng đắc sẽ được đắc pháp, được rồi
    chẳng quên nữa, nghe nhiều có thể gìn giữ, hay được định ý, đã được
    tam muội không bị mất nữa.
    Ðó là, này Tỳ-kheo! Người không du hành nhiều có năm công đức
    này. Thế nên, các Tỳ-kheo! Chớ nên du hành nhiều. Như thế, các Tỳ-
    kheo, hãy học điều này.
    Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
    (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Ngũ vương, VNCPHVN ấn hành,
    1998, tr.291)
    Thực tế cho thấy rất rõ ràng, người tu mà đi nhiều và công việc
    nhiều quá thì không có thời gian và điều kiện để tụng kinh, đọc sách,
    nghe pháp. Nguy cơ hơn, vì không tụng kinh và nghe pháp thường
    xuyên nên dẫn đến có thể quên mất giáo pháp đã được nghe trước đó.
    Mặt khác, đi nhiều thì đối duyên xúc cảnh nhiều nên khó điều phục
    tâm ý hơn. Đặc biệt là đối với người đã đắc định (tam muội) rồi mà
    chưa sâu thì có khả năng mất định, khó thiết lập trạng thái nhất tâm.
    Ngoài ra, nếu du hành nhiều, dù không quên giáo pháp đi nữa nhưng
    vì thiếu duyên nên cũng khó thực hành trọn vẹn lời Phật dạy.
    Ngược lại, người biết tùy thời dừng bước chân du hóa để an cư thì
    được năm công đức. Nhờ sống chung nên được nghe giáo pháp từ các
    bạn đồng tu liên tục trùng tuyên hoặc giảng giải. Ngày trước, khi học
    đường Phật giáo chưa thịnh hành thì mùa an cư là dịp may hiếm có để
    các hành giả hiểu biết thêm giáo pháp. Nhờ đời sống hướng nội, nên
    sau khi được nghe cùng chiêm nghiệm thì hiểu biết và ghi nhớ về giáo
    pháp sâu sắc hơn. Mặt khác, nhờ thắng duyên an cư nên những giáo
    pháp đã nghe được ứng dụng vào đời sống tu hành rất dễ dàng. Quan
    trọng nhất là nhờ ở yên một chỗ nên tâm ý được định tĩnh và năng lực
    an trú thiền định ngày càng vững chắc, kiên cố hơn.
    Mới hay, tinh thần tu tập của Thế Tôn là trung đạo, tùy duyên mà
    bất biến, bất biến mà tùy duyên. Hợp thời thì các Tỳ-kheo du hành và
    đúng lúc thì các Tỳ-kheo an cư. Du phương giáo hóa hay dừng bước
    an cư đều không ngoài mục tiêu tự lợi và lợi tha. Tùy duyên, linh động
    mà thành tựu cả hai công hạnh lợi mình và lợi người chính là đang
    thực hành đúng theo lời Phật dạy.
    Quảng Tánh
Advertisement

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY


Khi ngã vào nước, nếu biết cách, sẽ không bị dòng nước nhận chìm,
mà ngược lại, lúc này, dòng nước sẽ rửa sạch bụi bẩn dính trên thân.
Khi vấp vào bất trắc rồi ngả vào nỗi buồn, nếu hiểu được nỗi buồn bắt
đầu từ đâu, sẽ không bị nỗi buồn nhấn chìm, ngược lại, lúc này, nỗi buồn
đó sẽ rửa sạch những bụi bẩn dính trong tâm.
Khi hiểu được nỗi buồn bắt đầu từ đâu, sẽ biết cách để kết thúc được
nỗi buồn đó.
Có những nỗi đau khoác lên mình chiếc áo niềm vui rất mỏng, rồi đi
khắp thế gian, để biết bao kẻ chỉ vì một chút niềm vui mong manh mà
chọn lấy và giữ lại bên mình nỗi đau thật dài, biết bao kẻ chỉ vì thoả mãn
một chút tham cầu tầm thường mà tạo ra cho mình bao nhiêu nghiệp
chướng.
Một trong những bài học khó nhất trong cuộc sống là làm sao nhận ra
được đâu là niềm vui thật sự còn đâu chỉ là nỗi đau khoác lên nó chiếc áo
niềm vui mong manh đầy màu sắc.
Đôi khi phải trải qua một kinh nghiệm sống rất dài trong những ngày
đầy ắp nỗi đau mới nhìn thấu được bên dưới lớp vỏ bọc mong manh đầy
màu sắc mà chúng ta từng dốc lòng theo đuổi đó là gì, để có thể bình thản
mở tay ra đặt xuống, để thôi những giành giật nắm bắt mong cầu, và rũ
sạch bụi bặm dính trong tâm trong những ngày lang thang nơi đường trần.
Vô Thường.
Núi. ngày cũ.
Om Mani Padme Hum

TÁM ĐIỀU GIÚP BẠN LUÔN SỐNG VUI VẺ


Nếu muốn cuộc sống của mình tốt đẹp hơn thì bạn nên học
những điều được truyền dạy từ Đức Phật. Bởi vì, nó không chỉ giúp
bạn có một cách nhìn khác về cuộc sống mà còn khiến cho bạn trở
thành một người đẹp từ trong tâm.
Dù bạn có phải là một người theo đạo Phật hay không thì cũng
không quan trọng. Vì những tư tưởng này chỉ là cách sống đẹp.
Nếu bạn hiểu và làm được, tôi tin chắc cuộc đời bạn sẽ thanh thản,
dễ chịu, không than oán và chẳng phải vướng bận chuyện sầu lo.

  1. Bắt đầu mọi thứ từ những điều nhỏ nhặt
    Một chiếc bình đầy được tạo nên từ nhiều giọt nước. Con người
    cũng vậy, người khôn sẽ là người biết tự hoàn thiện bản thân mình
    mỗi ngày.
    Trong cuộc sống này, không có thành công nào trải đầy hoa
    hồng. Chẳng bao giờ tiền tài rớt xuống chỉ sau một giấc ngủ. May
    mắn chỉ là một yếu tố nhưng đời người thì chẳng ai may mãi. Tất
    cả vốn dĩ đều là sự cố gắng từ những điều nhỏ nhặt, cộng thêm
    một chút kiên nhẫn và không khuất phục thất bại. Chăm chỉ sẽ làm
    cho bình nước của bạn tràn đầy.
  2. Hành động chính là suy nghĩ từ trong tâm
    Bản chất của con người được phản ảnh từ những gì chúng ta suy
    nghĩ. Nếu chúng ta nghĩ xấu, nghĩ thất bại, chúng ta sẽ xấu và trở
    thành người thất bại. Nếu chúng ta nghĩ tốt đẹp thì hạnh phúc sẽ
    theo sau lưng ta.
    Đức Phật từng nói: “Tâm là tất cả mọi thứ, là những gì bạn nghĩ
    rằng bạn sẽ trở thành. Tất cả những sai trái ta mắc phải đều phát
    sinh do tâm. Nếu tâm được chuyển hóa, có thể nào những sai trái
    ấy lại được lặp lại”?
    Vì vậy, cứ thản nhiên và tập nghĩ về những điều tích cực, rồi bạn
    sẽ làm được thứ mà bản thân mong muốn. Suy nghĩ quyết định
    hành động, chỉ cần suy nghĩ, bạn sẽ biết cách giải quyết bất kỳ điều
    gì.
  3. Học cách tha thứ
    Khi bạn đang hận thù cũng chính là lúc bạn đang tự giam hãm
    chính bản thân. Sự bực tức, giận dữ sẽ làm bạn mệt mỏi chứ chẳng
    phải người kia. Xóa tan hận thù là giải thoát chính mình. Bạn nên
    để tâm thanh tịnh, có như vậy thì bạn mới có thể yên vui.
  4. Thái độ là vấn đề của mọi thứ
    Nếu bạn đang muốn làm bất kỳ điều gì thì hãy làm nó bằng cả
    trái tim. Một con tim èo uột sẽ khiến bạn chùn bước. Một trái tim
    đam mê sẽ là động lực thúc đẩy để bạn có thể phấn đấu vượt mọi
    khó khăn.
  5. Tập trở thành một người hiểu biết
    Bạn có thể biết rồi làm sai để lần sau làm lại nhưng nếu không
    biết thì ngay từ đầu bạn đã là kẻ thất bại.
    Hiểu biết còn nằm ở chỗ bạn hiểu được người khác. Khi tiếp xúc
    với một người, bạn nên buông bỏ sự giận dữ. Tập lắng nghe sau
    đó cảm nhận những gì họ đang cảm nhận, đặt bản thân mình vào
    tâm họ để nhận biết những điều mà họ đã trải qua. Đó là một niềm
    hạnh phúc, chứ không phải ai đúng ai sai.
  6. Biết kiểm soát tâm trí của chính mình
    Con quái vật lớn nhất trong lòng bạn chính là bản thân. Để chế
    ngự được nó thì trước tiên bạn phải thu phục được tâm trí và kiểm
    soát suy nghĩ của chính mình. Ai có thể chinh phục được bản thân
    đều vĩ đại hơn người có thể chinh phục cả nghìn người trong trận
    chiến.
    Có thể, đôi lúc, bạn sẽ nghĩ mình không làm được. Những lúc
    đó, bạn nên nghĩ tới câu này:
    “Bạn không thể có khả năng ngăn chặn một con chim đang bay
    trên đầu của bạn, nhưng bạn chắc chắn có thể ngăn nó bằng việc
    xây một chiếc tổ chim trên mái tóc của mình”.
  7. Biết ơn người khác
    Hãy biết ơn mỗi sớm mai thức dậy vì bạn có thêm một ngày để
    yêu thương. Bạn nên biết không phải ai cũng có thể thức dậy vào
    sáng mai, vì mỗi ngày có hàng triệu người phải gồng gánh những
    căn bệnh đau đớn.
    Ngoài ra, bạn nên biết ơn những người đã giúp đỡ mình. Biết ơn
    cha mẹ. Biết ơn bạn bè. Vì nếu không có họ thì sẽ không có ta. Bản
    thân chúng ta sinh ra là một cá thể độc lập nhưng một mình thì
    chẳng thể làm được bất cứ điều gì, dù cho bạn có giỏi tới đâu.
  8. Chia sẻ hạnh phúc
    “Hàng ngàn ngọn nến có thể được thắp sáng chỉ từ một ngọn
    nến duy nhất và cuộc đời của ngọn nến sẽ không bị rút ngắn. Hạnh
    phúc không bao giờ bị giảm bớt khi được chia sẻ”.
    Một ngọn nến được thắp sáng có thể truyền lửa cho những ngọn
    nến khác. Hạnh phúc của bạn chỉ sống mãi khi mọi người hạnh
    phúc. Hạnh phúc sẽ xóa tan đau đớn, tội lỗi và hận thù. San sẻ là
    sức mạnh ánh sáng để xóa mờ u tối của những điều xấu xa.
    Tiếng Lòng

HỌC CÁCH KIỂM SOÁT NÓNG GIẬN

Rất lâu trước đây, một ủy viên chấp hành khá cao tuổi của một công
ty dầu lửa đã có một quyết định sai lầm khiến công ty thiệt hại hơn 2
triệu USD. John D. Rockefeller lúc đó là người đứng đầu tập đoàn.
Vào cái ngày đen tối mà tin tức khủng khiếp trên được lan truyền
ra, hầu hết các nhân viên và ủy viên của công ty đều lo lắng và muốn
tránh mặt Rockefeller, không ai muốn bị liên lụy gì.
Chỉ trừ có một người, đó chính là người ủy viên đưa ra quyết định
sai lầm kia. Ông ta là Edward T. Bedford. Người đứng đầu tập đoàn,
Rockefeller ngay hôm ấy hẹn gặp Bedford. Ông tới rất đúng giờ và sẵn
sàng nghe một “bài diễn thuyết” nghiệt ngã từ người chủ của mình.
Khi Bedford bước vào phòng Rockefeller, ông vua dầu lửa đang
ngồi bên bàn, bận rộn viết bằng bút chì lên một tờ giấy. Bedford đứng
yên lặng, không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rockefeller ngẩng lên.

  • A, anh đấy hả, Bedford?
    Rockefeller nói rất bình tĩnh.
  • Tôi nghĩ là anh đã nghe tin những tổn thất của công ty chúng ta
    rồi chứ?
    Bedford đáp rằng ông đã biết rồi.
  • Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này
    Rockefeller nói:
  • Và trước khi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng.
    Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rockefeller
    như sau:
    “Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã viết:
    ‘Những ưu điểm của Bedford’.
    Sau đó là một loạt những đức tính của tôi, kèm theo đó là miêu tả
    vắn tắt về những việc mà tôi đã làm cho công ty trước đây. Chi tiết
    hơn còn có cả những số tiền mà tôi kiếm được, nó nhiều gấp 3 lần so
    với tổn thất lần này.
    Tôi không bao giờ quên bài học ấy.
    Trong nhiều năm sau, bất kỳ khi nào tôi định nổi cáu với người
    khác, tôi đều bắt mình phải ngồi xuống, nghĩ và viết ra một bảng liệt
    kê những ưu điểm của người đó, dài hết sức có thể. Khi tôi viết xong
    thì đó cũng là lúc tôi thấy bớt cáu giận.
    Tôi không biết thói quen này đã giúp tôi bao nhiêu lần tránh được
    những sai phạm mà tôi có thể mắc phải, đó là việc nổi cáu một cách
    mù quáng với người khác.
    Tôi biết ơn ông chủ tôi vì thói quen này, và bây giờ tôi muốn các
    bạn biết tới nó.
    HALEY (Dịch từ MhPaker)

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG!!!

Một cô gái hỏi: ‘Bao nhiêu tiền 1 trái dừa vậy ông?’
Ông già bán dừa trả lời: ‘Thưa cô 10 ngàn 1 trái.’
Cô gái nói: ‘Bán cho tôi 2 trái 15 ngàn được chứ? Không được tôi đi
chỗ khác!’.
Người bán hàng trả lời: ‘Cô lấy đi, 15 ngàn 2 trái. Tôi nghĩ như vậy
cũng tốt rồi bởi vì cả ngày nay tôi chưa bán được cho ai cả’.
Cô gái lấy 2 trái dừa và bỏ đi với cảm giác của một người chiến
thắng. Cô ấy bước vào xe hơi và đi đón cô bạn, cả 2 cùng tới một quán
ăn sang trọng.
2 cô gái ngồi xuống bàn và gọi những thứ họ thích. Họ chỉ ăn một
ít và để lại rất nhiều thứ mà họ gọi ra.
Sau đó cô ta thanh toán hóa đơn. Hóa đơn 850k, cô gái đưa 900k và
nói với ông chủ quán: ‘Khỏi thối’.
Sự việc này có vẻ rất bình thường đối với ông chủ quán giàu có.
Nhưng nó rất đau đớn cho người bán dừa tội nghiệp.
Tại sao chúng ta thể hiện sự tính toán chi li khi chúng ta mua hàng
của những người nghèo khổ tội nghiệp? Và tại sao chúng ta lại quá
hào phóng với những người không cần sự hào phóng của chúng ta?
Mỗi lần một đứa trẻ nghèo đến với tôi để bán một cái gì đó đơn
giản, tôi lại nhớ về ba tôi. Ba tôi thường mua những món đồ lặt vặt từ
những người nghèo khó với giá cao, mặc dù ông không thực sự cần
đến chúng.
Có lần tôi thắc mắc hỏi ba về hành động ‘kỳ quặc’ đó thì ba tôi nói:
“Đó chính là chân giá trị của cái gọi là từ thiện.”