TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT ?


Đây là một mẩu đối thoại ngắn với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà thần học
người Brazil, Leonardo Boff kể lại:
Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn giáo và tự do” có Đức Đạt Lai Lạt
Ma và tôi cùng tham dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài vừa tinh nghịch vừa tò
mò:

  • “Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”
    Tôi nghĩ ngài sẽ nói:
    “Phật giáo Tây tạng” hoặc “Các tôn giáo phương Đông, lâu đời hơn Kitô
    giáo nhiều”.
    Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi…
    Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.
    Ngài trả lời:
  • “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng tối cao nhất. Là tôn
    giáo biến anh thành con người tốt hơn”.
    Để giấu sự bối rối của tôi trước một câu trả lời đầy khôn ngoan như thế,
    tôi hỏi:
  • “Cái gì làm tôi tốt hơn?”
    Ngài trả lời:
    “Tất cả những gì làm anh:
    • Biết thương cảm hơn;
    • Biết theo lẽ phải hơn;
    • Biết từ bỏ hơn;
    • Biết dịu dàng hơn;
    • Biết nhân hậu hơn;
    • Có trách nhiệm hơn;
    • Có đạo đức hơn”.
      “Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”.
  • Tôi thinh lặng giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến
    câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác.
    Ngài tiếp:
  • Tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay
    không. Điều thật sự quan trọng đối với tôi là thái độ cư xử của anh đối với
    người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng và đối với thế giới. Hãy
    nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta. Quy luật của
    hành động (Action) và phản ứng (Reaction) không chỉ dành riêng cho vật lý,
    nó cũng được áp dụng cho tương quan con người.
    • Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành;
    • Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.
  • Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy. Chúng ta luôn
    nhận được những gì chúng ta làm cho người khác.
    Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Đó là vấn đề lựa chọn”. Cuối
    cùng ngài nói:
    • “Hãy suy tư cẩn thận vì tư tưởng sẽ biến thành lời nói;
    • Hãy ăn nói cẩn thận vì lời nói sẽ biến thành hành động;
    • Hãy hành xử cẩn thận vì hành động sẽ biến thành thói quen;
    • Hãy chú trọng thói quen vì chúng hình thành nhân cách;
    • Hãy chú trọng nhân cách vì nó hình thành số mệnh;
    • Và số mệnh của anh sẽ chính là cuộc đời của anh”.
  • Bởi vậy, không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật.
    Nguồn: Sưu tầm
Advertisement

NGUỒN SÁNG VÔ TẬN


“…Mỗi ngày mình làm việc với cái gì, thì mình làm hết lòng với cái đó,
làm từ trái tim của mình, dù cho có ai biết hay không có ai biết, mình không
cần biết, bởi vì trái tim mình biết cho mình.
Ta làm cái gì cũng phải làm hết lòng, có ai biết hay không ai biết, điều ấy
với ta không còn quan trọng. Quan trọng là đạo lý nhân quả ở nơi tâm ta, tự
nó đã hình thành cho ta. Đạo lý nhân quả nơi tâm ta hình thành đời sống
cho ta, nhận ra được đạo lý ấy để sống và hành xử mới quan trọng.
Cái thấy được nhân quả hình thành ngay nơi tự tâm là cái thấy vô cùng
quan trọng, vì cái thấy ấy giúp ta có một đời sống chân thật và trung thành.
Với cái thấy ấy đạo Phật đã hiến tặng cho thế giới con người.
Mình có thể dối gạt được thiên hạ, nhưng mình không thể dối gạt được
trái tim của mình, mà mình có thể dối gạt được trái tim của mình, nhưng
mình không thể dối gạt được nhân quả hình thành trong lòng mình…”
Thích Thái Hòa

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY


Sống ở đời, dù bạn tốt đẹp thế nào cũng không thể nhận được sự yêu
thích của tất cả.
Có người hâm mộ, sẽ có người ghét bỏ; có ai đó ganh tị, ắt có kẻ chẳng
coi bạn ra gì.
Cuộc sống là như thế, bạn không thể làm hài lòng hết thảy. Đừng vì để
vừa lòng người khác mà đánh mất bản chất của mình, vì ai cũng có những
nguyên tắc và sự tự tôn riêng.
Chúng ta qua miệng người khác không phải là con người toàn diện, mà
có rất nhiều phiên bản khác nhau, nên chỉ cần làm một bản chính tốt, là được.
Bởi người đời
Ánh mắt giống nhau nhưng góc nhìn khác nhau.
Miệng giống nhau nhưng mỗi người một cách nói.
Trái tim cấu tạo tương đồng nhưng suy nghĩ lại rất dị biệt.
Tiền của giống nhau nhưng cách chi tiêu mỗi người một cách.
Cũng là con người nhưng mỗi cá nhân có một cách sống, cần tự tin bước
đi trên đôi chân của mình.
Đại bàng không có tiếng cổ vũ cũng tung cánh bay cao; Đám cỏ không
cần người chăm sóc cũng biết tự vươn mình lớn lên; Hoa dại trong núi sâu
dù không ai thưởng thức vẫn tỏa hương thơm ngát.
Làm việc, không cần người người đều thấu hiểu, chỉ cần dốc lòng hết sức;
Làm người, không cần ai ai cũng yêu mến, chỉ cần thẳng thắn – rộng
lượng.
Một đời người thật ra không dài lắm, dù sao mình cũng đã đến đây rồi,
thì nên sống cho đẹp một chút vậy.

PHẬT DẠY NÊN TẶNG NGƯỜI MÓN QUÀ QUÝPhòng Khi Họ Không Nhận, Còn Mang Về

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, xứ Veluvana. Bà la môn Akkosaka
khi nghe tin Bà la môn dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia liền phẫn nộ, đi
đến Thế Tôn. Sau khi đến, nói những lời không tốt đẹp, phỉ báng và mắng
nhiếc Thế Tôn.
Được nghe như vậy, Thế Tôn nói với Bà la môn Akkosaka:
Này Bà la môn, khi có bà con hoặc khách bạn đến thăm, ông có sửa soạn
các món ăn để tiếp đãi họ không?
Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng có bà con hoặc khách bạn đến
thăm, chúng tôi có sửa soạn các món ăn để tiếp đãi họ.
Nhưng này Bà la môn, nếu họ không thâu nhận thì những món ăn ấy
thuộc về ai?
Thưa Tôn giả Gotama, tất nhiên nếu họ không thâu nhận thì những
món ăn ấy về lại chúng tôi.
Cũng vậy này Bà la môn, nếu ông phỉ báng chúng tôi; mắng nhiếc
chúng tôi; gây lộn với chúng tôi mà chúng tôi không thâu nhận thì sự việc
ấy từ ông chỉ về lại ông.
Này Bà la môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, mắng nhiếc lại khi bị
mắng nhiếc, gây lộn lại khi bị gây lộn, thì như vậy, này Bà la môn, người
ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với ông. Còn chúng tôi, không
cùng hưởng thọ sự việc ấy với ông, không cùng san sẻ sự việc ấy với ông,
thì này Bà la môn, sự việc ấy về lại ông.
Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama. Con xin quy y Thế Tôn. Mong Tôn
giả Gotama cho con được xuất gia tu học cùng Thế Tôn.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm A la hán, phần Phỉ báng)
LỜI BÀN:
Dù nỗ lực để tự hoàn thiện mình đến mấy thì trong cuộc sống cũng khó
có ai tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm để rồi bị chỉ trích, phỉ báng. Đối
với bậc Giác ngộ như Thế Tôn mà còn bị những hạng người cuồng ngôn,
loạn ngữ chữi mắng huống là chúng ta.
Thường thì không ai chịu nỗi những lời gây gổ, mắng nhiếc đến với mình,
nhất là những lời nói khiếm nhã ấy lại có tính hồ đồ, vô căn cứ. Và, chúng ta
sẽ quyết một trận khẩu chiến với họ cho hả giận, đôi khi còn dẫn đến xô xát,
thậm chí “thượng tay, hạ chân” gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Tuy nhiên, theo tuệ giác Thế Tôn thì những lời nói đến từ bên ngoài như
thể là một món quà vốn dĩ quá ư hào phóng của người đời. Người nghe như
người sắp được nhận quà, hoàn toàn chủ động trong việc nên hay không
nên nhận món quà ấy. Khi trao tặng một vật gì cho ai mà họ không nhận, thì
tất nhiên vật ấy vẫn là của mình. Quy luật này rất sòng phẳng và chua chát
thay cho những ai có ý định ban tặng những món quà kém phẩm chất, vô
giá trị.
Vì thế, trước những lời khen tặng, ca ngợi cũng như những lời trái tai,
mắng nhiếc, gây gổ, người đệ tử Phật phải thật bình tĩnh, tiếp nhận một cách
thanh thản và không nên vội vàng phản ứng. Vì rằng, chính sự vững chải ấy
đã hàm chứa câu trả lời. Đồng thời, trong cuộc sống người con Phật phải
luôn mang những bông hoa tươi đẹp nhất của tâm hồn dâng tặng cho đời.
Đây là việc làm khôn ngoan nhất, vì nếu lỡ không ai nhận hoa thì ta vẫn còn
để tự tặng mình.
Quảng Tánh

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY


Đức Phật nói:
“Dù là cha mẹ anh em, hay những người bạn rất thân từng vào sinh ra tử,
khi cái chết đến, không ai có thể đi chung với ai được, người nào cũng phải
đi đơn độc một mình”.
Thời gian sẽ làm phai mờ đi nhiều thứ, nhưng cũng chính thời gian sẽ
làm rõ được nhiều điều.
Người đời thường thấy vui khi hôm nay đi trước được người này, rồi
ngày mai lại thấy buồn khi phải đi sau người khác, hay hạnh phúc khi có ai
đó đi chung, đâu biết, cuối cùng, dù muốn hay không, ai cũng phải đi một
mình, đơn độc bước qua cánh cửa tử mà mình lại chưa chuẩn bị được điều
gì cho ngày ấy cả. Cả một đời buồn vui hoàn toàn phụ thuộc vào người.
Cuộc sống là những câu chuyện duyên sinh, tất cả đều phải tựa vào nhau
để sinh khởi và tồn tại, nhưng việc một người bắt bản thân phải phụ thuộc
vào nhiều thứ bên ngoài mới có thể bình yên lại là một câu chuyện khác, rất
khác.
Chỉ khi nào có thể bình yên một mình, không phụ thuộc vào những điều
bên ngoài, khi đó mới là bình yên thực sự, đó là giải thoát. Khi đó sẽ đủ bình
thản bước qua cánh cửa tử một mình, không phải hoang mang.
Ai biết cách tựa vào bản thân mình để bình yên, biết cách sống một mình
mà hạnh phúc, thì cũng sẽ biết cách bước qua cánh cửa tử một mình trong
bình yên.
Cuộc sống như một chuyến tàu, có đủ hạng người trên đó, có người bước
lên, có người bước xuống, có người còn ngồi lại, nhưng cuối cùng ai cũng
phải rời tàu, rồi về nhà một mình.
Không có gì tàn nhẫn bằng việc chúng ta bỏ rơi chính mình bằng cách bắt
bản thân phải phụ thuộc vào người khác để bình yên.
Núi mưa.
Người an.
Vô Thường.

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

Thế gian lạnh, lòng người cũng lạnh, nên ai cũng đi tìm chút hơi ấm cho
mình; có kẻ đi về biển lửa quyền lực để tìm cho mình chút hơi ấm, có người
lại đi tìm hơi ấm trong những điều phù hoa khói lửa chốn nhân gian, có kẻ
đi tìm hơi ấm trong đôi mắt trong đôi tay của người khác, có người lại quay
về nhen nhóm từ bi trong tâm mình cho nhiều thêm lên và tìm hơi ấm ở đó.
Ai trong chúng ta cũng đang dốc lòng theo đuổi một ngọn lửa, và ngày
mai, nó có thể suởi ấm hoặc thiêu cháy chúng ta.
Danh vọng quyền lực cũng mang đến cho người đời hơi ấm, mang đến
cho người đời hạnh phúc, hạnh phúc chốn nhân gian, nhưng nó không đủ
chỗ cho tất cả, nên phải xô đẩy chen lấn nhau. Biết bao nhiêu người chỉ vì
chút hơi ấm mà đi vào biển lửa.
Có kẻ, bỏ cả nửa đời người để theo đuổi những điều phù phiếm, rồi một
ngày tự hỏi mình đang đứng đây với những thứ ấy để làm gì?
Muốn vui trong một chốc, thì đuổi theo những điều phù hoa khói lửa;
muốn vui trong một đời thì đuổi theo tâm từ bi của mình.
Từ bi cũng là ngọn lửa, nhưng là ngọn lửa duy nhất trên thế gian con
người có thể cầm trên tay mà không bao giờ bị bỏng.
Mong người luôn an.
Vô Thường.
Núi. Ngày Cũ.