Ở làng nọ có một người đàn ông thông minh sở hữu một cái giếng nhưng
anh ta không dùng gì đến nó nên quyết định bán cho bác nông dân gần nhà.
Một hôm, khi đi ngang qua thấy bác nông dân đang múc nước từ giếng lên
để nấu ăn, tưới hoa màu, nuôi gia súc…, gã thông minh lập tức ngăn lại và
không cho phép bác nông dân múc nước từ giếng lên.
“Tôi chỉ bán cho ông cái giếng, tôi không bán nước cho ông. Vì thế, ông
không thể lấy nước từ cái giếng này được”, gã thông minh lên tiếng.
Bác nông dân rất buồn mà không biết phải làm sao. Giếng thì mình đã
mua rồi, nhưng đúng là mình không trả tiền mua nước từ cái giếng. Giờ
giếng có đầy nước mà không được dùng, trong khi cả gia đình mình, hoa
màu và gia súc đều cần đến nguồn nước sạch từ cái giếng này.
Nghĩ mãi không biết làm thế nào để giải quyết với người đàn ông kia, bác
nông dân quyết định mang lên trình quan huyện xét xử, mong lấy lại công
bằng. Lên cửa quan, bác nông dân tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện,
không giấu giếm bất cứ điều gì, hòng mong lấy lại được công bằng cho gia
đình mình.
Quan huyện gọi người đàn ông thông minh kia lên và hỏi: “Tại sao ngươi
không cho ông ta dùng nước trong giếng? Chẳng phải ngươi đã bán cái
giếng đó rồi sao?”
“Dạ, bẩm quan. Con chỉ bán cái giếng cho ông này, chứ con không bán
nước trong giếng. Do đó, ông ta không có quyền lấy nước của nhà con. Giờ
nếu muốn lấy nước, ông ta phải trả thêm tiền mua nước chứ” – người đàn
ông đáp, chắc bẩm lý lẽ đã thuộc về tay mình.
Quan huyện nhìn người đàn ông, khẽ mỉm cười và trả lời:
“Ồ, ngươi nói rất có lý. Thế nhưng, khi ngươi đã bán cái giếng cho người
nông dân này, cái giếng đã thuộc quyền sở hữu của anh ta; còn nước trong
giếng vẫn thuộc sở hữu của ngươi. Vậy thì ngươi không có quyền được để
nước dự trữ trong giếng của người nông dân nữa”.
“Bây giờ chỉ có 2 lựa chọn:
Một là ngươi phải trả tiền cho bác nông dân để thuê cái giếng dự trữ nước.
Hai là ngươi phải mang toàn bộ nước ra khỏi cái giếng ngay lập tức”,
quan tòa ngẩng lên nhìn gã thông minh và khẳng định đanh thép.
Gã thông minh cúi đầu buồn bã, không biết làm gì để biện minh cho hành
động của mình nữa. Anh ta đã bị chính trí thông minh của mình gây khó xử
cho chính anh.
SUY GẪM:
Thế mới nói, trong cuộc sống, dù bạn thông minh đến đâu cũng sẽ luôn
có những người khác thông minh hơn bạn. Đó là lý do con người sinh ra
luôn phải học hỏi không ngừng, dù là lúc ở tuổi thanh niên hay khi đã về
già. Vậy nên đừng để trí thông minh sẽ phản tác dụng và khiến bạn “tự mình
hại mình” nếu không biết sử dụng đúng cách nhé.
- Thông minh mà sống thiếu Đức thì sớm muộn cũng bị đời.. vứt!
Thiện Hữu