PHẬT DẠY NÊN TẶNG NGƯỜI MÓN QUÀ QUÝPhòng Khi Họ Không Nhận, Còn Mang Về

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, xứ Veluvana. Bà la môn Akkosaka
khi nghe tin Bà la môn dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia liền phẫn nộ, đi
đến Thế Tôn. Sau khi đến, nói những lời không tốt đẹp, phỉ báng và mắng
nhiếc Thế Tôn.
Được nghe như vậy, Thế Tôn nói với Bà la môn Akkosaka:
Này Bà la môn, khi có bà con hoặc khách bạn đến thăm, ông có sửa soạn
các món ăn để tiếp đãi họ không?
Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng có bà con hoặc khách bạn đến
thăm, chúng tôi có sửa soạn các món ăn để tiếp đãi họ.
Nhưng này Bà la môn, nếu họ không thâu nhận thì những món ăn ấy
thuộc về ai?
Thưa Tôn giả Gotama, tất nhiên nếu họ không thâu nhận thì những
món ăn ấy về lại chúng tôi.
Cũng vậy này Bà la môn, nếu ông phỉ báng chúng tôi; mắng nhiếc
chúng tôi; gây lộn với chúng tôi mà chúng tôi không thâu nhận thì sự việc
ấy từ ông chỉ về lại ông.
Này Bà la môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, mắng nhiếc lại khi bị
mắng nhiếc, gây lộn lại khi bị gây lộn, thì như vậy, này Bà la môn, người
ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với ông. Còn chúng tôi, không
cùng hưởng thọ sự việc ấy với ông, không cùng san sẻ sự việc ấy với ông,
thì này Bà la môn, sự việc ấy về lại ông.
Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama. Con xin quy y Thế Tôn. Mong Tôn
giả Gotama cho con được xuất gia tu học cùng Thế Tôn.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm A la hán, phần Phỉ báng)
LỜI BÀN:
Dù nỗ lực để tự hoàn thiện mình đến mấy thì trong cuộc sống cũng khó
có ai tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm để rồi bị chỉ trích, phỉ báng. Đối
với bậc Giác ngộ như Thế Tôn mà còn bị những hạng người cuồng ngôn,
loạn ngữ chữi mắng huống là chúng ta.
Thường thì không ai chịu nỗi những lời gây gổ, mắng nhiếc đến với mình,
nhất là những lời nói khiếm nhã ấy lại có tính hồ đồ, vô căn cứ. Và, chúng ta
sẽ quyết một trận khẩu chiến với họ cho hả giận, đôi khi còn dẫn đến xô xát,
thậm chí “thượng tay, hạ chân” gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Tuy nhiên, theo tuệ giác Thế Tôn thì những lời nói đến từ bên ngoài như
thể là một món quà vốn dĩ quá ư hào phóng của người đời. Người nghe như
người sắp được nhận quà, hoàn toàn chủ động trong việc nên hay không
nên nhận món quà ấy. Khi trao tặng một vật gì cho ai mà họ không nhận, thì
tất nhiên vật ấy vẫn là của mình. Quy luật này rất sòng phẳng và chua chát
thay cho những ai có ý định ban tặng những món quà kém phẩm chất, vô
giá trị.
Vì thế, trước những lời khen tặng, ca ngợi cũng như những lời trái tai,
mắng nhiếc, gây gổ, người đệ tử Phật phải thật bình tĩnh, tiếp nhận một cách
thanh thản và không nên vội vàng phản ứng. Vì rằng, chính sự vững chải ấy
đã hàm chứa câu trả lời. Đồng thời, trong cuộc sống người con Phật phải
luôn mang những bông hoa tươi đẹp nhất của tâm hồn dâng tặng cho đời.
Đây là việc làm khôn ngoan nhất, vì nếu lỡ không ai nhận hoa thì ta vẫn còn
để tự tặng mình.
Quảng Tánh

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s