Lâu lâu chú lại về chùa để cùng với mọi người đọc một thời kinh.
Thực ra chú cũng chẳng thuộc được mấy câu kinh để đọc với mọi người, chú chỉ
yên lặng ngồi nhìn đôi mắt thật hiền của Phật, đợi khi nghe mọi người đọc đến một
bài kinh quen rồi cất tiếng đọc theo.
Trong tiếng đọc kinh của người có tiếng gió lạnh của một ngày mưa bão. Có tiếng
bước chân phiêu bạt cả nửa đời người. Có tiếng chiếc lá cuối thu rơi hoài không chạm
đất. Có tiếng hòn sỏi nhỏ rơi xuống vực sâu nhưng không có âm thanh vọng lại.
Phải bao nhiêu câu kinh mới đủ để lấp đầy khoảng trống trong lòng? Phải bao
nhiêu câu Phật hiệu mới chạm đến được bình yên?
Người về rồi đi…
Ngoài kia, có con đường có thể đi chung với nhiều người, nhưng có con đường chỉ
có thể đi một mình; có con đường có thể đi qua hết bằng đôi chân thật khoẻ, nhưng
có con đường chỉ có thể đi qua hết bằng một tấm lòng chứa đầy tình thương.
Ngoài kia, khi muốn nhìn thấy được một sự thật, phải trả giá bằng một nỗi đau.
Khi hiểu được một người, cũng là lúc mất đi một người.
Ngoài kia, những gì tốt đẹp rất khó để có được, và bình yên trong lòng luôn là thứ
khó để có được nhất, vì bình yên không phải là những gì có trong tay mà là những gì
có trong tâm, mà tâm người đời lại quá nhiều toan tính, chẳng có khoảng trống nào
cho bình yên.
Ngoài kia, những người đau thật sự luôn là những người chưa bao giờ nói về nỗi
đau của mình.
Ngoài kia, sau những ngày bận rộn, người ta thường tự thưởng cho mình một
chuyến đi chơi, để cơ thể được nghỉ ngơi, đâu hay tâm của mình luôn cần được nghỉ
ngơi nhiều hơn cơ thể, nhưng chúng ta lại làm nó phải bận rộn cả ngày.
Người về rồi đi…
Những ngày phía trước, khi đứng trước một sự lựa chọn, mong người sẽ lựa chọn
cho mình sự lương thiện. Mong người như cây rừng, càng mưa gió càng lớn lên.
Người về rồi đi…
Mang theo câu kinh hay gởi tâm mình lại dưới mái hiên chùa?
(CUỘC SỐNG NHÌN TỪ Ô CỬA THIỀN, TẬP 2)
Vô Thường
Phố Hương.27.7.2015
Om Mani Padme Hum